Đứng bên Đình Viễn Sơn cổ kính, cây dã...
Bao quanh phía trước đình là một thung lũng nhỏ bốn mùa xanh tốt; phía trái sau đình là cây dã hương cổ thụ ngàn năm tuổi, phía phải và phía sau đình là khu dân cư xóm Giữa quần tụ xung quanh.
Đình Viễn Sơn có kiến trúc kiểu chữ Công, bao gồm: Tiền đường nối với hậu cung bằng một dải ống muống; hai bên có hai dãy với 5 gian tả vu và hữu vu. Kết cấu các vì kèo theo lối tiền kẻ, hậu bẩy, chồng rường, kê đấu. Xung quanh đình là hệ thống tường vây kiên cố và cổng tam quan vững chắc.
Toà tiền đường đình Viễn Sơn gồm 5 gian, hai chái, dải ống muống 5 gian và hậu cung 3 gian; kết cấu khung mái kiểu tiền kẻ, hậu bẩy, chồng rường, trụ giá chiêng; kết cấu khung cột hai hàng chân cột gỗ lim lớn; điêu khắc khung mái ở đình Viễn Sơn rất lộng lẫy và đẹp với kiểu "thiếu nữ cưỡi rồng ca múa", "Rồng ổ", "Lân mã chồng rường", "Vũ sĩ đội đình"... và nhiều mảng điêu khắc thông, trúc, cúc, mai ở hậu cung mang tính dân gian đậm nét thể hiện tài khéo léo của các nghệ nhân dân gian xưa.
Ngoài giá trị về nghệ thuật, đình Viễn Sơn còn lưu giữ được nhiều đồ thờ thời Lê, thời Nguyễn rất quý giá, đó là: ngai thờ, trang phục Thánh, bằng sắc, khám thờ, khung tàn, lọng, giá trống, bình hương, bát biểu, hoành phi, câu đối, đại tự, cờ quạt, đao kiếm...
Đình Viễn Sơn thờ nhị vị thánh Cao Sơn - Quý Minh là hai vị tướng có công giúp Vua Hùng thứ 18 dẹp loạn cho đất nước được thái bình, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Để tưởng nhớ hai vị thánh Cao Sơn - Quý Minh, nhân dân địa phương tổ chức hội vào các ngày mùng 9 tháng Giêng, 20-3 và 20-8 âm lịch.
Vào các ngày này trong năm (nhất là ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch) nhân dân mở hội lớn. Phần lễ là rước kiệu lên đền Thông, phần hội diễn ra nhiều trò chơi truyền thống như: cướp cầu cạn, đu, vật, chọi gà, kéo chữ... đáng chú ý nhất ở hội đình Viễn Sơn là trò chơi cướp cầu.
Phía trái sau đình là cây dã hương ngàn năm tuổi. Cây có dáng bề thế, uy nghi. Chu vi thân cây chỗ to nhất là 17,4 m, khoảng tám người dang tay ôm mới hết. Chiều cao của cây là 36m, tán thân cây che phủ gần 2 sào đất. Trên ngọn cây có những cành đã khô nhưng vẫn rất vững vàng. Lớp vỏ cây dày trung bình khoảng 15cm.
Người dân xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, đều gọi cây dạ hương cổ này là “cụ”. Các cụ bô lão trong thôn kể lại rằng, từ nhiều đời trước các cụ đã thấy cây to và đẹp lắm rồi.
Trước kia trong ngọc phả của thôn còn có ghi lại câu chuyện Vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) khi đi ngang qua thôn, thấy cây dã hương to, đẹp đã sắc phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (nghĩa là cây dã hương lớn nhất nước).
Cây không chỉ là nét đẹp của cảnh quan môi trường, cảnh quan thiên nhiên mà còn là nét đẹp văn hóa, biểu tượng rất đỗi mộc mạc, thân thiết, linh thiêng trong không gian văn hóa Việt.
Người dân trong xã cho biết, nhờ có mùi hương của cây dã hương mà nhân dân ở đây có sức khỏe tốt, các bệnh dịch truyền nhiễm ít có cơ hội lây lan.
Hiện nay cây dã hương đã được nhà nước coi là di sản quốc gia, hàng ngày có rất nhiều đoàn khách về đây không chỉ để chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ đẹp của cây “dã đại vương” nghìn năm tuổi, để hít sâu vào lồng ngực hương thơm của dã hương - thứ hương tinh khiết mà không có ở một giống cây nào, mà còn để nghe những câu chuyện ly kỳ, được người dân nơi đây lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên những thông điệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc về một cây cổ thụ như một biểu tượng, tượng trưng cho một sức sống trường tồn của dân tộc.
Theo: http://baobacgiang.com.vn