Số người đang online : 22 HIỆU YÊN XUÂN - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

HIỆU YÊN XUÂN
post image
HIỆU YÊN XUÂN

xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia  theo quyết định số 1288 VH/QG...

HIỆU YÊN XUÂN

 
1.    Tên di tích : Hiệu yên Xuân
2.    Loại công trình: Bảo tàng
3.    Loại di tích: di tích lịch sử cấp quốc gia
4.    Quyết định: xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia  theo quyết định số 1288 VH/QG ngày 16 tháng 11 năm 1988 của Bộ Văn hoá
5.    Địa điểm: xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An
6.    Thông tin về di tích
         Hiệu Yên Xuân trước đây thuộc làng Dương Xuân, tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn, nay là xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
        Năm 1922, được giác ngộ bởi các vần thơ yêu nước của cụ Phan Bội Châu một nhóm tâm giao gồm có: Hoàng Khắc Bạt, Cao Xuân Khoách, Phan Thái Ất và Nguyễn Văn Bác được hình thành ở làng Dương Xuân. Mục đích của nhóm là góp vốn mở một cửa hiệu bán thuốc Bắc; đồng thời làm nơi đi lại, đàm luận thời cuộc và xây dựng quỹ cho việc nghĩa. Bên cạnh việc góp vốn, nhóm còn tổ chức góp ruộng cày chung, hưởng hoa lợi theo sự đóng góp. Uy tín của cửa hàng về việc bốc thuốc và giá cả hàng tạp hoá phải chăng nên khách hàng và số người tham gia góp cổ phần ngày càng đông - lên đến 40 người. Từ năm 1922-1924, nhóm này đã góp sức vào việc vận động 11 thanh niên trong vùng xuất dương du học. Năm 1925, những người tham gia góp cổ phần đó đã lập “ Hội ái hữu bí mật”, một tổ chức mang tính chất cách mạng ra đời sớm nhất ở Anh Sơn. Mục đích của Hội là “ Đồng lao cộng tác, thông công dịch sử”, có nghĩa là: đồng cam cộng tác, đổi công hợp tác.
        Khi buôn bán đã phát đạt, vốn kha khá, yêu cầu phải mở rộng cửa hiệu. Năm 1925, Hội đã mua lại căn nhà của một công chức kiểm lâm người Pháp ở làng Lãng Điền( nay là xã Đức Sơn) đem về làng Dương Xuân làm trụ sở Hội. Hội đã phân công ông Cao Xuân Hỷ và Nguyễn Văn Toàn giám sát thi công. Nhà làm xong, nhận thấy hầu hết hội viên là người của hai làng Dương Xuân và Yên Lĩnh, Hội đã quyết định dùng tên ghép của hai làng đặt tên cho cửa hàng là: Hiệu Yên Xuân.
   Hiệu Yên Xuân là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử có giá trị:
           Hiệu Yên Xuân trở thành đầu mối liên lạc của tổ chức Thanh niên ở Anh Sơn.Các hội viên đã mở rộng kinh doanh ra Bắc vào Nam, đó là điều kiện đi lại hoạt động dễ dàng. Năm 1926, Hội đã bắt liên lạc với Việt nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội( gọi tắt là Thanh niên). Tổ chức Thanh niên đã cử đồng chí Dương Đình Thuý về xây dựng cơ sở, tập hợp những người tiến bộ giác ngộ, lập tiểu tổ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở Anh Sơn tại Hiệu Yên Xuân. Chín đồng chí được kết nạp vào tổ chức Thanh niên là: Trần Hữu Thiều, Phan Thái ất, Cao Xuân Khoách, Hồ Sỹ Viên, Phan Hoàng Thân, Bùi Khắc Thừa, Hoàng Khắc Bạt, Nguyễn Hữu Đức và Nguyễn Hữu Cơ. Các cơ sở của Hội Thanh niên được xây dựng mạnh trong 2 năm 1928-1929.
         Tháng 9-1929, phong trào cách mạng ở Anh Sơn phát triển mạnh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, uỷ viên Trung ương Đảng, phụ trách Xứ uỷ Trung Kỳ đã về đây triệu tập một cuộc hội nghị bí mật tuyên bố thành lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng đầu tiên ở Anh Sơn.
Tháng 11/1929, cũng tại Hiệu Yên Xuân Tổng Nông hội Nghệ An được thành lập, do đồng chí Phan Thái ất làm Bí thư.
Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, Hiệu Yên Xuân càng phát huy tác dụng. Nơi đây là cơ sở hoạt động của Đảng và cũng là cơ sở kinh tài của Đảng. Trong những năm 1930-1931, khi phong trào đấu tranh của nhân dân lên cao, Hiệu Yên Xuân là nơi cung cấp cờ đỏ cho các cuộc biểu tình.
           Hiệu Yên Xuân là một ngôi nhà hai tầng, kiến trúc kiểu “song diêm”, ngoảnh mặt về hướng Nam. Nhà làm hoàn toàn bằng gỗ lim, lợp ngói vẩy. Các đầu giao được cách điệu hình Rồng. Tầng dưới có 6 cột gỗ lim tròn, cửa chính có 8 cánh, hai cửa sổ và hai cửa ra vào đằng sau. Tầng hai sàn lát bằng gỗ các loại, phía trước có cửa sổ, lan can bằng gỗ song thưa cao 0,8 m hai cửa kéo hai đầu hồi, hai cửa chính trạm trổ hoa văn hình chữ X. Từ tầng dưới lên tầng trên có cầu thang bằng gỗ. Tầng dưới dùng làm nơi bán hàng tạp hoá, thuốc Bắc, may mặc. Tầng trên dùng để khám bệnh và đó cũng là nơi họp bàn việc bí mật. Hiện trong di tích còn giữ được một số hiện vật của cửa hiệu như: tủ đựng thuốc Bắc, hòm đựng tiền quỹ, máy khâu...
          Ngày nay Hiệu Yên Xuân đã trở thành phòng truyền thống của địa phương. Chính quyền địa phương cũng thường dùng Hiệu Yên Xuân làm nơi tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. 



 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành