Theo các nhà khoa học, tín ngưỡng thờ bà...
Cổng chính Điện Trường Bà
Tại tỉnh Quảng Ngãi, có một di tích tín ngưỡng gọi là Điện Trường Bà tương đối đặc biệt, toạ lạc bên tỉnh lộ 622, thuộc địa phận thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng. Đây là một công trình kiến trúc khiêm tốn, trang nghiêm, là một trong số những đền thờ bà Thiên Y A Na trên đất Quảng Ngãi. Gọi di tích này tương đối đặc biệt bởi ở chỗ cùng được cư dân các dân tộc Kor, dân tộc Kinh (ở bản địa - huyện Trà Bồng) thờ phụng trang nghiêm, và hàng năm vào Lệ xuân, được tổ chức vào ngày 16 tháng 4 Âm lịch, còn có người Chăm ở Châu Đốc (tỉnh An Giang) và người Việt gốc Hoa ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) cùng về đây tề tựu dâng hương, lễ vật và tham gia lễ hội tưởng nhớ công đức nữ thần Ponagar rất trang trọng.
Chính vì tương đối đặc biệt như vậy, chúng tôi đã nhiều lần cố công tìm hiểu lịch sử hình thành ngôi đền này, nhưng tất cả đều không thể biết chính xác ai là người xây dựng đầu tiên và xây dựng từ khi nào. Và cũng chưa ai có thể lý giải được vì sao ngôi đền này được cả người Kor, người Kinh, người Chăm, người Hoa cùng tôn kính, thờ phụng trang nghiêm.
Ông Hồ Văn An, một người dân tộc Kor, ở làng Trà Dòn, xã Trà Thủy (sát cạnh thị trấn Trà Xuân - nơi toạ lạc ngôi đền) nói rằng, từ đời ông tổ của ông, đời cha, đời ông nội của ông tổ của ông hàng năm vào Lệ xuân - ngày 16 tháng 4 Âm lịch cũng đều mang lễ vật: mật ong, quế, trầu cau - những sản vật từ núi rừng, nơi người Kor sinh sống về dâng lễ Điện Trường Bà. Đến lượt hế hệ của ông và con cháu người Kor bây giờ cũng làm vậy, nhưng ông không biết gốc tích Điện Trường Bà có từ khi nào.
Ngay những người như ông Trần Kim Thật, gia đình đã qua nhiều đời quản lý, chăm sóc ngôi đền, và bây giờ đến lượt ông làm Trưởng ban quản lý Điện Trường Bà, nhưng cũng không biết chính xác có từ bao giờ.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở văn hóa, du lịch và thể thao Quảng Ngãi, một chuyên gia nghiên cứu có uy tín về văn hóa dân gian Quảng Ngãi cũng nói rằng, chưa biết được chính xác thời điểm xây dựng ngôi đền. Nhưng ông cho biết cách nay trên 15 năm, khi dọn dẹp đống gạch đá đổ nát trong khuôn viên ngôi đền, có phát hiện phần đầu một tượng đất nung nhỏ. Và trong dịp tổ chức Lệ xuân Điện Trường Bà năm 2011 vừa qua, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ đã trao lại bức tượng này cho Ban quản lý Điện Trường Bà và cho biết, các nhà nghiên cứu dân tộc học uy tín trên thế giới nhận định rằng, đó là tượng hình người gốc A-rập, niên đại trên 1.500 năm. Là người nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cung cấp thông tin như vậy và không khẳng định gì thêm. Nhưng thông tin đó có tính gợi mở, đáp ứng phần nào sự tò mò của rất nhiều người muốn tìm hiểu về lịch sử hình thành ngôi đền Điện Trường Bà.
Hiện nay trong gian chính của Điện Trường Bà thờ bà Thiên Y A Na và là đối tượng thờ chính từ xa xưa. Sau này để tỏ lòng biết ơn những vị công thần có công trong buổi đầu đi mở đất (vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) trong đền còn thờ Trấn quốc công Bùi Tá Hán và Phó đô tướng Dương võ công thần Mai Đình Đông. Bên ngoài điện, nằm về phía Tây còn có miếu thờ Bạch hổ sơn quân. Tương truyền xưa kia khi núi rừng còn hoang vu, nhờ có ông Hổ trắng bảo vệ, muôn thú không dám về quấy phá dân làng.
Trải qua thời gian, di tích Điện Trường Bà đã bị nhiều hư hỏng. Bắt đầu từ tháng 3 năm 2010, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hơn 2,1 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo lại di tích này. Một số hạng mục còn đang tiếp tục được tôn tạo, sửa chữa, phải đến cuối năm 2011 mới hoàn thiện, nhưng với sự cố gắng trong hơn một năm tôn tạo, sửa chữa vừa qua, di tích Điện Trường Bà đã trang nghiêm, lộng lẫy hơn trước, thoả lòng mong đợi của bao người dân địa phương.
Có dịp về với Trà Bồng là về với không gian văn hóa nhiều sắc tộc, nhưng sắc tộc Kor bản địa, cùng với hương quế Trà Bồng nổi tiếng sẽ là điều rất thú vị ngoài chiêm ngưỡng di tích Điện Trường Bà tương đối đặc biệt./.
Share on facebook 0 người thích - Thích