
Hiếm có món ăn nào thể hiện hết được sự tinh túy của hạt gạo Việt Nam như món cơm cháy Ninh Bình. Không khoa trương, biến tấu, cơm cháy Ninh Bình trước sau chỉ dùng chính hạt gạo nguyên chất để thể hiện giá trị "ngọc thực" của chính nó.
Gạo được nấu lên sao cho thật vừa nước, đủ dộ dẻo. Khi cơm chín tới phải nhanh lấy hết ra chỉ để lại phần xém dưới đáy nồi. Rồi tiếp tục đun, lúc này vừa đun phải vừa, người nghệ nhân xoay tròn nồi cho cơm chín đều và tạo thành một lớp cháy đều.
Tiếp đó, người ta lấy những miếng cháy này ra khỏi nồi bẻ vừa vặn và đem phơi (hoặc sấy) cho thật khô để dễ bảo quản. Khi thưởng thức cơm sẽ được rán giòn.
Món cơm cháy hấp dẫn thực khách còn bởi các loại nước chấm ăn kèm. Miếng cơm cháy được chấm với nước sốt sóng sánh vị của nước mắm mỡ hành, ruốc… cũng có khi là tương nếp. Tại nhiều nhà hàng ở Ninh Bình, nước sốt được làm từ chính thịt dê tạo nên sự kết hợp độc đáo cho hai món ăn đặc sản nơi đây.
Thưởng thức cơm cháy Ninh Bình, thực khách như cảm nhận được những tinh hoa trong hạt “ngọc thực” chắt chiu những tần tảo của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ.
Một cơm cháy Ninh Bình còn có một lịch sử lâu đời. Tương truyền, nó có từ cuối thế kỷ 19, do một chàng thanh niên tên Hoàng Thăng học được và phát triển từ một món ăn của người Hoa sau đó mở rất nhiều tiệm ăn ở cả Hà Nội và Ninh Bình. Từ đó, hơn 100 năm món cơm cháy được lưu truyền và trở thành đặc sản ẩm thực của vùng đất Cố Đô.
Sưu tầm
Share on facebook 0 người thích - Thích