Thoạt nghe cứ tưởng là 3 loài cá khác nhau nhưng thực tế nó là một loài cá đang được bảo tồn ở cố đô Ninh Bình.
Nhắc tới tên cá trèo đồi, nhiều người ngạc nhiên hỏi ngây thơ: Cá mà trèo được đồi ư? Thế mà có đấy! Đó là một điều kỳ lạ nhưng có thật ở vùng đồi núi Tràng An - cố đô Hoa Lư này nếu ở đâu có nước là cá có thể đến, dù chỉ là khe nước ven lưng chừng đồi hay hồ trên núi. Gọi là cá trèo đồi vì chúng có thể trèo tới lưng chừng dốc, nơi có nguồn nước ven các khe đá cheo leo. Có những khe nước đổ thẳng xuống mà vẫn có cá.
Riêng cái tên cá cửng thì nghe rất thông dụng rồi, nhất là đối với người miền Nam, khi con cá chuối, cá tràu, cá bớp lớn cỡ cổ tay, đầu cứng ngắc với cái ngạnh to khoảng gần bằng cái ấy thì người ta gọi là cá tràu cửng. Chị em rất thích ăn thịt cá này vì nó chắc, thơm và ít xương.
Tuy nhiên ở vùng núi đá vôi Hoa Lư Ninh Bình thì cá rô và cá tràu do đặc điểm môi trường đặc trưng mà chúng được công nhận là 2 giống cá đặc chủng và gắn với tên gọi: cá tràu tiến Vua – cá rô Tổng Trường. Tương truyền những loài cá này đã có từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng. Người dân đã bắt cá và coi như đây là 2 loài thủy sản quý hiếm để dâng lên đức Tiên Hoàng đế.
Để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, từ năm 2007, Viện Nghiên cứu NTTS 1 phối hợp với Chi cục Thuỷ sản Ninh Bình đã chuyển hơn 1.000 cá Tràu giống (120 - 200g/con) cho các hộ nuôi bổ sung, đồng thời thả 3.000 cá Tràu, 500 cá rô Tổng Trường vào các đầm tự nhiên trong tỉnh. Sau một năm kiểm tra, cá Tràu sinh trưởng và phát triển tốt, đạt trung bình 325g/con. Nhóm tham gia đề tài đã thu mua 200 con cá Tràu tiến vua, 500 cá rô Tổng Trường ở Hoa Lư về nuôi vỗ tại Viện Nghiên cứu NTTS 1. Th.S Ngô Sỹ Vân cho biết, cá Tràu bố mẹ thành thục vào đầu tháng 4, mùa vụ sinh sản tập trung từ tháng 5, 6 và tái phát dục vào tháng 7,8. Cá rô Tổng Trường là loài dễ cho sinh sản nhân tạo, đề tài đã cho 337 con đẻ, tỷ lệ cá đẻ đạt trung bình 85%, thụ tinh đạt 74,5%, tổng số cá bột thu 324 vạn con. Vừa qua, Chi cục Thuỷ sản đã tiếp nhận 120 con cá Tràu tiến vua bốmẹ cỡ 0,3 - 0,5 kg/con; 730 con cá rô Tổng Trường bố mẹ cỡ 0,08 - 0,12 kg/con.
Theo Dự án “Hỗ trợ, tiếp nhận công nghệ sản xuất giống và ương nuôi cá Tràu tiến vua, cá rô Tổng Trường năm 2009”, Chi cục Thuỷ sản đã phân công cán bộ điều tra, khảo sát chọn điểm, chọn hộ để xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá rô Tổng Trường và đã chọn được 2 hộ có đủ điều kiện về nguồn vốn, lao động, cơ sở vật chất và khả năng tiếp nhận công nghệ kỹ thuật để xây dựng mô hình nuôi. Hiện tại, Chi cục Thuỷ sản đã giao giống cho 2 hộ tiến hành lưu giữ và nuôi thương phẩm cá rô Tổng Trường. Như vậy, việc lưu giữ, bảo tồn và nhân rộng giống cá Tràu tiến vua và cá rô Tổng Trường là thiết thực và hữu ích, bởi 2 giống cá đặc sản và quý hiếm này chỉ vùng đất cố đô Hoa Lư-Ninh Bình mới có.
Ninh Bình là một trung tâm du lịch lớn với những khu du lịch nổi tiếng như Vân Long – Kênh Gà, Cúc Phương, Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư, Tràng An, nhà thờ Phát Diệm – khu dự trữ sinh quyển thế giới biển bãi ngang cồn nổi Kim Sơn… Bên cạnh tài nguyên đó là những giá trị nhân văn của vùng đất sinh Vua – sinh Thánh – sinh Thần như lễ hội, ca trù, xẩm chợ Rồng, hát chèo…, các sản phẩm làng nghề như cói Kim Sơn, mộc Phúc Lộc, đá Ninh Vân, thêu Văn Lâm, hoa Ninh Phúc, rau Ninh Sơn, đào phai Tam Điệp và đặc biệt nói đến cố đô giờ đây phải kể thêm các đặc sản ẩm thực nổi tiếng hấp dẫn du khách gồm: dê núi, cơm cháy Ninh Bình, rượu Kim Sơn, nem Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn, miến lươn Phát Diệm, dứa Đồng Giao, cá tràu tiến Vua – cá rô Tổng Trường…
Ngày nay, cá tràu tiến Vua đã trở thành đặc sản ẩm thực mang dậm phong cách dấu ấn lịch sử văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư văn hiến, như gợi lại một thời hào hùng của vùng đất đã gắn bó với 3 triều đại - 7 vị vua từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong lịch sử Việt Nam.
Theo ninhbinhtravel.info
Share on facebook 0 người thích - Thích