Bánh tro (hay còn gọi là bánh gio)- ngay cái tên gọi đã khiến người nghe liên tưởng đến một món ăn đậm chất quê. Thực vậy, cũng như những món bánh khác, bánh tro là một món ăn dân dã, mộc mạc, dễ làm và rất ngon. Đây là một thức quà từ lâu đã trở thành đặc sản ẩm thực ở làng Đa Mai, xã Đa Mai, thành phố Bắc Giang (Bắc Giang)…
Sở dĩ có tên gọi là bánh tro vì nước dùng để ngâm gạo làm bánh và luộc bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) của nhiều loại cây khác nhau. Nếu như đối với nhiều nơi, bánh tro chỉ được làm vào các dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5), Tết Nguyên Đán thì với người dân làng Đa Mai bánh tro được làm hàng ngày để mang đi bán rộng rãi ở các chợ, ngõ phố và một số quán ăn dân tộc trong khu vực nội thành.
Nguyên liệu để làm bánh tro rất đơn giản, gồm: gạo nếp, nước tro lá tầm gửi, vỏ bưởi, quả xoan, cây dền gai, rơm nếp (những thứ này được phơi khô rồi đốt thành tro)…, nước vôi trong, lá chuối hoặc lá dong. Làm bánh tro phải trải qua nhiều công đoạn công phu và tỷ mẩn của những bàn tay khéo léo, từ khâu chọn nguyên liệu đến cách làm. Gạo để làm bánh phải là loại nếp cái hoa vàng, nhặt hết những hạt tẻ lẫn vào, vo gạo bằng nước thật sạch, để ráo. Nước để làm bánh là nước tro( sau khi đốt các loại lá) được đánh kỹ với nước vôi trong. Dung dịch nước vôi và tro phải trong, có màu vàng hổ phách mới đạt yêu cầu, sau đó cho gạo vào nước này ngâm một đêm.Không nên ngâm gạo quá lâu, khi đó bánh sẽ bị nồng. Ngâm khi nào ta lấy 2 đầu ngón tay dihạt gạo thấy vỡvụn là được. Khi vớt gạo gói bánh cần phải xả với nước thật sạch, xóc với một chút muối, để ráo. Đây là công đoạn cốt yếu để tạo nên hương vị thanh mát của bánh. Lá dùng để gói bánh tro thường là lá dong tẻ được luộc hoặc hấp, tước hết phần gân lá cho mềm, dai và dễ gói hơn. Đặc biệt, lá phải được lau khô trước khi gói.
Theo chị Nguyễn Thị Minh-người có kinh nghiệm lâu năm làm bánh tro ở thôn Đình, xã Đa Mai thì một chiếc bánh đạt yêu cầu phải tạo được cảm giác ngon ngay từ khi mới được bóc ra chứ chưa cần thưởng thức. Bởi vậy, dáng hình và màu sắc của bánh là rất quan trọng. Người gói bánh phải khéo léo cho gạo vào lòng chiếc lá sao cho gọn, đều rồi quấn lá và bẻ mép ở hai đầu bánh cho thật khít, thật đều và cân đối, sao cho chiếc bánh nhìn nuột nà và có hình dáng đặc trưng. Người dân Đa Mai thường gói bánh dài giống như chiếc chuôi liềm để bán hàng ngày. Còn bánh vuông chỉ gói khi có người đặt bày cỗ. Dây buộc bánh cũng không được quá chặt để khi đem luộc, hạt gạo nếp có thể nở và chín đều.
Nước luộc bánh cũng cho một ít nước tro, dưới đáy nồi được lót một ngòn măng tre đập dập cho khỏi sát nồi, người luộc bánh sẽ dùng một rổ lớn đậy lên bánh, lấy một vật nặng đè lên rổ để bánh không nổirồi đổnước ngập hơn bánh ít nhất khoảng 15-20cm.Đặc biệt, khi gói và luộc bánh tối kỵ dây vào mỡ, có mỡ là bánh bị ngân, không nhừ. Bánh luộc khoảng 3 – 5 giờ là rền sẽ được vớt ra để nguội. Khi bóc tấm bánh là một khối ngọc màu hổ phách trong vắt lộ ra, có thể nhìn thấu bên trong khối ngọc đó. Cắt từng miếng nhỏ, nhẹ nhàng chấm vào bát mật mía màu vàng óng, thơm phức rồi nhẩn nha thưởng thức mới thấy hết sự hòa quyện ngọt mát...
http://dulichbacgiang.gov.vn
Share on facebook 0 người thích - Thích