Số người đang online : 17 MIẾU TIÊN CÔNG - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

MIẾU TIÊN CÔNG
post image
MIẾU TIÊN CÔNG

Đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo quyết định...

MIẾU TIÊN CÔNG

1. Tên di tích: Miếu Tiên Công
2. Loại công trình: Miếu
3. Loại di tích: Di tích lịch sử
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 34/QĐ-BVHTT  ngày 09  tháng 02 năm 1990
5. Địa chỉ di tích:  xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
6. Tóm lược thông tin về di tích
Đảo Hà Nam- hòn đảo trù phú nằm giữa bốn bề sông nước mênh mông. Trải qua bao thế kỉ, cư dân trên hòn đảo nhỏ vẫn không ngừng ra sức phấn đấu, xây dựng hòn đảo ngày một giàu đẹp hơn. Có được diện mạo của Hà Nam hôm nay, mỗi người dân nơi đây luôn nhớ ơn công lao quai đê lấn biển khai sinh ra đảo Hà Nam của các vị Tiên Công.
Chuyện kể rằng: xưa kia đảo Hà Nam chỉ là một bãi bồi ở cửa sông Bạch Đằng, khi triều lên nước ngập mênh mông chỉ còn một số đượng nổi lên, xung quanh sú, vẹt…mọc um tùm. Thời vua Lê Thái Tông (1434) nhà vua muốn mở rộng kinh thành nên cho phép các cư dân đi tìm nơi khác để lập làng. Khi ấy có 17 vị ở phường Kim Hoa, phủ Hoài Đức, phía Nam thành Thăng Long đã đưa gia đình xuôi dòng sông Hồng ra cửa sông Bạch Đằng cắm thuyền tìm đất. Vào một đêm, khi đang trú ở một gò nổi trên bãi triều, họ nghe thấy tiếng ếch nhái kêu, biết nơi này có nước ngọt nên quyết định dừng lại đây để khai phá đất đai. Một thời gian sau, có thêm 2 gia đình khác quê huyện Trà Lý, tỉnh Thái Bình cũng tìm đến. Kể từ ngày đó, vùng đất mới này đón thêm các nhóm dân cư khác đến đây làm ăn sinh sống. Trong quá trình khai đất, lập làng vùng đất này đã hình thành những làng xã đầu tiên, với những tên gọi khác nhau.
Để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn đó của các vị Tiên Công nhân dân đã lập đề thờ có tên là Thập Cửu Tiên Công.
     Đền Thập Cửu Tiên Công hay còn gọi là Miếu Tiên Công. Ngôi đền được khởi dựng từ năm nào đến nay không ai rõ, đền tọa lạc trên một khu đất cao thuộc xã Cẩm La- thị xã Quảng Yên - tỉnh Quảng Ninh. Đền quay về hướng đông, có diện tích là 2.912 m2 được xây dựng theo kiểu chữ nhị, kết cấu 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói mũi hài. Gốc tích của ngôi đền là ngôi miếu thờ thần nông và thần đất. Dù chưa biết chính xác đền được xây dựng vào năm nào, nhưng qua một số cột, vì kèo và mấy thanh nóc xà cũ, người ta có thể biết niên đại gần nhất của ngôi đền vào năm Gia Long thứ ba đời Nguyễn (1804). Trên câu đầu nhà thờ tổ có ghi niên đại xây dựng “Gia Long tam niên trọng hạ nguyệt, cốc nhật thượng trụ thượng lượng”.
Miếu Tiên Công không thể hiện nhiều những giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật. Nhưng  trong miếu còn lưu giữ khá nhiều hiện vật và đồ tự có giá trị. Gian giữa, trong cùng là một khán thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trạm trổ đẹp, đặt trên bệ gạch, trên khán thờ đặt bài vị bằng gỗ với hàng chữ Hán “ Khai sáng đồng điền thập thất tiên công thần vị” . Phía trước khán thờ là một sắc phong bằng gỗ sơn son thếp vàng của vua Khải Định ngày 25/7/1924. Sắc phong có nội dung: “ Sắc cho bốn xã Phong Cốc, An Đông, Cẩm La, Trung Bản, tổng Hà Nam, thị xã Quảng Yên thờ phụng các bậc tiên tổ có công khai canh, lập ấp. Phía trước sắc phong là mâm truyền tự bằng gỗ làm vào tháng 5/1937. Một hương án bằng gỗ, trên có mâm bồng để ngũ quả, 2 lộc bình và 2 cây đèn gỗ. Hai bên gian giữa là 10 cây bát bửu đều được sơn son thếp vàng. Phía trên gian giữa có bức đại tự với hàng chữ sắc tặng “Phong lưu nghĩa dân” nói lên đức tính của người dân vừa phong lưu vừa có nghĩa.
Trong đền còn có bức hoành phi “Hoài đức duy hinh”. Ngoài ra còn có câu đối ca ngợi, tưởng nhớ công lao to lớn của các vị Tiên Công:
“ Thiên cổ khai tiên công vĩnh tại
Ức niên phụng tự phúc du đồng”
Gian trái của đền đặt một khán thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, trong có một bài vị  thờ ghi dòng chữ: “Phụ khẩn hậu đồng liệt vị Tiên Công thần vị” Sang bên gian phải cũng có một khán thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, trong có một bài vị  thờ ghi dòng chữ: “Phụ khẩn tiền đồng liệt vị Tiên Công thần vị”.
Phía trên còn  có đôi câu đối được treo trên cột cái gian trái và gian phải, câu đối mang dòng chữ:
“ Lãi tư vũ, nãi úy, nãi cương, nãi mẫu
Tu kì miêu dĩ thược, dĩ dê, dĩ thường, dĩ chung”
Ngoài ra, trong nhà thờ tổ còn có tấm bia đá nói về Hồ Mạch, nơi phát nguyên của các vị Tiên Công
Đền Thập Cửu Tiên Công là ngôi đền thờ 19 vị Tiên Công có công đầu tiên quai đê lấn biển lập nên khu đảo Hà Nam- Yên Hưng vào năm 1434. Đó là các vị: Vũ Song, Vũ Hồng Tiệm, Bùi Huy Ngoạn, Ngô Bách Đoan, Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn phúc Vinh, Lê Khép, Lê Mở, Vũ Tam Tỉnh, Vũ Giai, Nguyễn Nghệ, Nguyễn Thực, Bùi Bách Niên, Phạm Việt, Dương Quang Tín, Dương Quang Tấn, Hoàng Nông, Hoàng Nênh. Nhưng hiện nay còn 17 vị có quê gốc ở phường Kim Hoa, phủ Hoài Đức phía nam thành Thăng Long được thờ tại đền, vì nhân dân thôn Trung Bản đưa bài vị của 2 vị Tiên Công là Hoàng Nông và Hoàng Nênh là tổ họ của xã mình về thờ tại “ Tiên Công Cổ Miếu”  thuộc thôn Trung Bản.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của các vị Tiên Công đã có công khai đất, lập làng. Hàng năm, cứ đến ngày mồng 7 tháng giêng, tại Miếu Tiên Công nhân dân vùng đảo Hà Nam nô nức hướng về lễ hội. Trong ngày hội, các gia đình có cụ thượng thọ (80 tuổi, 90 tuổi, 100 tuổi) làm lễ khao Thượng Thọ sau đó thì rước các cụ lên Miếu Tiên Công để làm lễ. Ngoài phần lễ thì phần hội cũng có nhiều hoạt động vui chơi bổ ích như: cờ người, chọi gà, chơi đu, kéo co, vật…mang đậm màu sắc dân gian.
Với những nét đặc sắc riêng, Miếu Tiên Công không chỉ là nơi tưởng nhớ, tri ân công đức của tổ tiên mà còn là nơi để mỗi người dân trên hòn đảo tỏ lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Chính nét đẹp truyền thống đó, Miếu Tiên Công- lễ hội Tiên Công đã trở thành niềm tự hào và nỗi nhớ của bất kì ai đã từng sinh ra và lớn lên trên hòn đảo Hà Nam thân yêu này.
7. Một số hoạt động nhà trường đã làm trong nội dung chăm sóc di tích
Chăm sóc và tôn tạo khu di tích là một việc làm thường niên của mọi người dân trên đất đảo Hà nam. Đối với trường THCS Cẩm La, chăm sóc Miếu Tiên Công đã được cán bộ giáo viên, học sinh của nhà trường thực hiện thường xuyên và đi vào nề nếp. Mỗi tuần học sinh lớp trực ban sẽ quét dọn xung quang khu vực Miếu. Mỗi dịp tết đến xuân về thì khu vực Miếu lại nhộn dịp bởi các em học sinh ngoài việc quét dọn bên ngoài khu vực Miếu thì các em còn quét, dọn, lau chùi bên trong các gian thờ.
Nhằm giúp các em ghi nhớ công lao to lớn của các vị Tiên Công, tri ân công đức của tổ tiên, trong các năm học nhà trường luôn tổ chức các hoạt động ngoại khóa để còn mời các cụ lão thành hiểu biết nhiều về lịch sử của Miếu ra kể lại cho các em học sinh của nhà trường. Thông qua các hoạt động này làm cho các em thêm hiểu, biết nhiều về lịch sử của khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia này. Để từ đó, các em thêm yêu mến quê hương, chăm chỉ học tập để xây dựng quê hương, tỏ lòng hiếu thuận với ông, bà, bố mẹ.
8. Đề xuất kiến nghị
Đây là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia, cần có những đầu tư về cơ sở vật chất nhằm tôn tạo xung quanh khu Miếu Tiên Công như: đường đi, sân chơi.....
Lễ hội Tiên Công là một trong những hoạt động đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân vùng đảo Hà nam, lễ hội này là một nét văn hóa đặc sắc riêng, cần được trân trọng và lưu truyền để không chỉ người dân nơi này mà khắp mọi nơi trên cả nước đều biết đến thông qua chương trình thông tin đại chúng.
9. Thông tin về nhà trường
- Họ và tên hiệu trưởng:
Đặng Thị Anh Tài
Chuyên ngành đào tạo: Cao đẳng Lý, năm tốt nghiệp CĐ: 1984
ĐT cố định: 033 6 505 176               ĐT Di động 01666 843 568
Địa chỉ email: anhtai@quangyen.edu.vn
- Họ và tên Tổng phụ trách Đội: Bùi Đức Mạnh
Chuyên ngành đào tạo Đại học Âm nhạc, năm tốt nghiệp: 2005
DT di động: 0979 904 666
- Địa chỉ trường: Trường THCS Cẩm La, xóm Cẩm Lũy, xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh
ĐT cố đinh: 033 3 688 847
 









 
 


 
 
 
                                
 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành