Số người đang online : 41 ĐÌNH – CHÙA VĨNH SƠN - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐÌNH – CHÙA VĨNH SƠN
post image
ĐÌNH – CHÙA VĨNH SƠN

ĐÌNH – CHÙA VĨNH SƠN



1. Tên di tích: Đình - Chùa Vĩnh Sơn
2. Loại công trình: Đình và chùa
3. Loại di tích: Di tích kiến trúc nghệ thuật
4. Quyết định: Đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo quyết định số 06/2000-QĐ/BVHTT ngày 13 tháng 4 năm 2000
 

 
5. Địa chỉ di tích: Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
6. Tóm lược thông tin về di tích
Đình Vĩnh Sơn được khởi tạo cách đây trên 300 năm và được thờ ba vị Thánh: Thánh Lân Hổ Đại Vương - quan võ mưu trí có tài thao lược và võ nghệ cao cường, Thánh Quý Minh Đại Vương - quan võ có lòng dũng cảm nhiệt huyết và Thánh Bạch Quan Đại Vương - quan tài về y thuật.
Tương truyền: Lân Hổ vốn là tướng lĩnh đời nhà Trần chống giặc Nguyên Mông, phụ trách bộ binh cai quản dải đất từ Bạch Hạc bày binh bố trận, lập một phòng tuyến đến tận Dục Mĩ - Sơn Vi để chống giặc giúp vua cứu nước. Thế giặc như chẻ tre, ông không hề nao núng đã chỉ huy phòng tuyến chiến đấu ngoan cường, dũng cảm tiêu diệt nhiều giặc bảo vệ cho kinh đô Thăng Long. Ông được sắc phong làm quan nhưng ông từ chối về quê. Không bao lâu quân Nguyên Mông sang báo thù ông lại tiếp tục được vời ra chỉ huy chiến tuyến, chiến đấu anh dũng và đã hi sinh ở Vĩnh Tường. Để tưởng nhớ người có công lớn vua Trần đã hạ chiếu xây lăng cho Lân Hổ và tổ chức lễ tế theo nghi lễ nhà nước.
Cùng chỉ huy trận tuyến mặt Bắc có cả Quý Minh tài về võ nghệ và thao lược, bên cạnh còn có một người làm nghề y rất giỏi cứu nhân dân và binh sĩ trong trận chiến là Bạch Quan. Không những tại Vĩnh Sơn mà nhân dân nhiều nơi trong phủ Vĩnh Tường đã lập đền thờ các ông để ghi nhớ công ơn của các ông và cầu mong sự hiển linh che chở. 
Ngôi đình rộng khoảng 1.100m2. Đình được đặt ở vị thế phong thủy, trước Đình là một ao rộng lớn, sân đình rộng trên 300 m2. Kiến trúc ngôi Đình hình chữ công và đồ sộ, trong ngôi Đình được chia thành hai khu là Đại Đình và Hậu cung. Đại Đình có chiều dài là 30m, chiều rộng 11m gồm 5 gian và hai trái được dựng bởi 4 bộ vì kèo trong đó 2 vì kèo gian giữa được làm theo kiểu chồng bồn con lợn. Các bộ vì kèo được liên kết với nhau bởi hệ thống xà trung, xà hạ. Các hàng chân cột cái bằng gỗ tốt, đại khoa có đường kính 0,8m, hàng cột con đường kính 0,6m. Các hàng cột đều được kê bằng đá tảng chống mối mọt, trông thật bề thế đồ sộ, cổ kính được gia cố bền chắc. Trên bức hoành phi của gian chính giữa có hàng chữ: “Sơn lộc hữu linh”. Phía dưới bức hoành phi là dải gỗ chạm khắc rất đẹp, rất sinh động với nhiều nội dung phong phú, sâu sắc với 4 chữ vàng nổi rất to: “Thánh cung vạn tuế”. Các đầu đao của gian chính giữa được trạm khắc hình rồng với những nét tinh xảo, nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian không chỉ thành công ở bố cục, tạo dáng, đục boong chạm thủng mà còn có nội dung rất sâu sắc-tỏ rõ trình độ tư duy cao của nhân dân ta thời cuối Lê đầu Nguyễn.
Tòa Hậu cung rộng khoảng 200m2 gồm 2 gian, dài 9m. Giữa Hậu cung được dựng thành hai tầng gỗ và được trạm trổ một cách tinh tế. Tầng hai làm khám thờ nên tòa Hậu cung rất bề thế, cổ kính và uy nghi.
Nằm cạnh Đình làng là một ngôi Chùa. Ngôi Chùa đó được chuyển về từ một ngôi Chùa cũ, đồ sộ, đẹp nhất của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời kì trước năm 1980. Ngôi chùa lúc đó có tới 21 gian, trên nghìn pho tượng (ngoài tượng phật còn có cả ông Di Lặc, Quan Âm Thị Kính, có Thần sấm, thần sét, vạc dầu, đầu trâu mặt ngựa…). Đến năm 1996 Chùa được xây mới trên nền đất bây giờ với nhiều hiện vật cổ được lưu giữ và được đưa về đúng nơi thờ tự. Đến với Chùa khách thập phương và nhân dân trong xã đều phải trầm trồ về nét tinh vi kĩ xảo của nghệ thuật đúc đồng đạt đến kĩ nghệ hiếm thấy của Chuông cổ bằng đồng cao 1,5m; đường kính chuông 0,7m; có tay chuông là hình dáng long buông vòm, trên thân chuông có rất nhiều hàng chữ Hán cổ và một chiếc Khánh bằng đồng cao 1,2m, đường kính 1,5m; trên mặt Khánh chạm chữ nho đầu Hổ phù, dưới Hổ phù khắc 4 chữ nho rất to, cánh 2 bên cong lên, phía dưới chuông khắc Rồng cưỡi mây...
Có thể nói Đình - Chùa là nơi linh thiêng thờ cúng, các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng dân gian. Mặc dù trải qua rất nhiều năm nhưng Đình - Chùa Vĩnh Sơn vẫn giữ được nét cổ xưa đáng quý về đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc gỗ và đúc đồng. Không những tiếp tục gắn bó với đời sống tâm linh của người dân nơi đây, mà sự hiện diện cổ kính của cụm Đình - Chùa Vĩnh Sơn còn là những dấu ấn đậm nét lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống tạo nên những cảnh quan đặc sắc của làng quê Vĩnh Sơn nói riêng và Việt nam nói chung.

 
















 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành