
Giải vô địch đua ghe ngo toàn quốc năm 2011 tại Hậu Giang (trong 2 ngày 19 và 20-8) đã diễn ra thành công tốt đẹp, tạo nên một “ngày hội” thật sự cho mọi người.
Kênh xáng Xà No hiền hòa, tươi đẹp trở nên nhộn nhịp, đông vui hẳn lên trong 2 ngày diễn ra Giải vô địch đua ghe ngo toàn quốc. Thành phố Vị Thanh trở nên sôi động khác thường khi trở thành địa điểm thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến xem thi đấu. Cờ, hoa và những khẩu hiệu treo ở khắp nơi biến Vị Thanh, một thành phố trẻ bên bờ Xà No càng thêm trẻ trung, năng động. Người dân thành phố Vị Thanh nói riêng và Hậu Giang nói chung đã chào đón Giải vô địch đua ghe ngo toàn quốc năm 2011 do tỉnh nhà đăng cai bằng tất cả niềm hân hoan và hào hứng. Dù tất bật với công việc mưu sinh hằng ngày, nhưng đông đảo người dân Hậu Giang đã tập trung về Vị Thanh để thưởng thức giải đua ghe ngo cấp toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại quê nhà. Người dân ở các tỉnh, thành trong khu vực cũng nhiệt tình không kém. “Tôi đến Vị Thanh từ hôm khai mạc giải cho đến khi kết thúc. Dù bận rộn với nhiều việc nhưng tôi cũng cố gắng thu xếp để đi ủng hộ cho đội ghe ngo của tỉnh mình”- anh Danh Hải, cổ động viên đến từ xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang chia sẻ.
Chuẩn bị xuất phát
Quả thật, không khí trong 2 ngày diễn ra giải rất náo nhiệt. Có hàng ngàn người dân từ khắp nơi đến đây để “tận hưởng” sự thú vị, hấp dẫn của môn thể thao truyền thống. Khán giả đứng chen chúc nhau ở 2 bên bờ kênh xáng Xà No, trên cầu 30-4, cầu Đoàn Kết hay bất cứ nơi nào thuận tiện cho việc theo dõi giải đấu. Mỗi khi các đội ghe ngo tranh tài thì những tiếng reo hò, cổ vũ không ngừng vang lên, đặc biệt là thời điểm mà các đội đua về đến đích không khí càng trở nên náo nhiệt hơn khiến giải đấu trở thành một “ngày hội” thật sự cho tất cả mọi người.
Thông qua giải, khán giả còn biết thêm nhiều điều về nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer: từ trang trí hoa văn, hình vẽ mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình trên những chiếc ghe ngo đến những điệu múa đặc trưng của người Khmer cũng được vận động viên, cổ động viên thể hiện mọi người có cảm giác sống cùng “ngày hội văn hóa” của đồng bào dân tộc Khmer.
Theo nhận xét của Ban tổ chức giải và khán giả thì Giải vô địch đua ghe ngo năm 2011 tại Hậu Giang có chất lượng chuyên môn khá cao. Đặc biệt là ở các nội dung thi đấu giành cho nam. Vận động viên nam có được thể lực rất tốt. Dù thi đấu ở đường đua có chiều dài 1.200m, 800m với tính cạnh tranh quyết liệt nhưng họ vẫn tỏ ra sung sức và có những cú bứt phá về đích mạnh mẽ. Nhiều trận đấu diễn ra gay cấn suốt từ khi xuất phát cho đến đích và chỉ hơn thua nhau trong gang tấc như trận bán kết giữa đội ghe ngo Trà Vinh và đội ghe ngo Sóc Trăng và trận chung kết giữa đội ghe ngo Giồng Riềng - Kiên Giang gặp đội ghe ngo Sóc Trăng ở nội dung 800m nam. Các đội nữ cũng xuất sắc không kém. Không có được thể lực dồi dào như các “đấng mày râu”, nhưng các vận động viên nữ đã thi đấu hết mình để cống hiến cho khán giả nhiều cuộc tranh tài hấp dẫn.
Các đội ghe ngo của tỉnh Kiên Giang tiếp tục khẳng định sức mạnh vượt trội của mình. 2 đội ghe nam và 1 đội ghe nữ của Kiên Giang đều thi đấu rất thành công và đoạt gần hết thành tích tại giải. Không chỉ có thể lực, các đội ghe của Kiên Giang có kỹ thuật thi đấu rất tốt. Vận động viên của họ bơi rất đều tay nên tốc độ ghe đi rất nhanh.
Dù được thi đấu trên “sân nhà”, nhưng các đội ghe ngo của Hậu Giang thi đấu không thành công. Giống như Kiên Giang, Hậu Giang tham dự giải có 2 đội ghe ngo nam (1 của huyện Long Mỹ, 1 của thành phố Vị Thanh) và 1 đội ghe ngo nữ (của Long Mỹ). 2 đội ghe ngo nam của Hậu Giang không có thành tích, còn đội ghe ngo nữ giành được 2 huy chương đồng ở nội dung 1.000m và 600m (ở mỗi nội dung của nữ chỉ có 3 đội thi đấu). Thành tích khá khiêm tốn đó không thể đổ lỗi cho vận động viên, bởi họ đã tập luyện và thi đấu hết mình, nhưng do gặp phải những đối thủ mạnh đến từ Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh nên không thể cạnh tranh thành tích cao.
Sở dĩ, giải đấu năm nay đạt chất lượng là do các đội ghe ngo đã chuẩn bị tốt. Ông Hoàng Văn Bười, huấn luyện viên ghe ngo Kiên Giang cho biết: “3 đội ghe của chúng tôi đã tập luyện gần một tháng trước khi thi đấu với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao”. Còn đội ghe nam duy nhất của tỉnh Trà Vinh (chỉ xếp sau đội ghe ngo nam Giồng Riềng - Kiên Giang về thành tích) cũng tập luyện chuẩn bị cho giải gần một tháng. Những đội ghe còn lại đều có bước chuẩn bị tương tự. Một yếu tố không kém phần quan trọng tạo nên chất lượng giải đấu năm nay chính là tinh thần thi đấu của vận động viên. “Chúng tôi đã thi đấu bằng tất cả sự tập trung và sức lực của mình. Khi được đại diện cho tỉnh nhà tham dự giải thì chúng tôi đặt ra mục tiêu phải có thành ích để đáp lại sự kỳ vọng từ các cấp lãnh đạo và người dân trong tỉnh”- vận động viên Thị Phinh của đội ghe ngo nữ Bạc Liêu tâm sự. Những cánh tay cuồn cuộn sức lực, những ánh mắt tràn đầy quyết tâm cùng những tiếng cổ vũ vang dội luôn xuất hiện trong lúc thi đấu đã cho thấy quyết tâm rất lớn của vận động viên.
Một điều đáng được biểu dương chính là tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa vận động viên các đội đua. Khi “đọ sức” với nhau thì họ luôn quyết tâm để chiến thắng đối thủ, nhưng khi kết thúc thì họ lại chào nhau bằng những lời thân thiết và chúc mừng cho người chiến thắng. Hình ảnh 2 đội ghe ngo nữ Hậu Giang và Bạc Liêu tươi cười, chúc mừng đội ghe ngo nữ Kiên Giang giành huy chương vàng ở nội dung 1.000m nữ đã khiến cho khán giả rất xúc động và cảm phục. Qua giải đấu lần này, chắc chắn nhiều vận động viên sẽ có thêm những người bạn mới cùng chung chí hướng và niềm đam mê.
Nỗ lực giành chiến thắng
Có thể khẳng định, tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình khi được Tổng cục Thể dục, Thể thao thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy nhiệm cho tổ chức Giải vô địch đua ghe ngo toàn quốc năm 2011. Từ buổi lễ khai mạc cho đến lúc bế mạc giải đấu đều diễn ra rất an toàn, đúng theo tinh thần chỉ đạo từ các Bộ, ngành Trung ương. Đường đua trên kênh xáng Xà No thông thoáng đã giúp cho các đội đua phát huy hết khả năng của mình; lực lượng cứu hộ luôn túc trực để hỗ trợ khi xảy ra sự cố trong quá trình thi đấu giữa các đội; lực lượng công an, quân đội đã đảm bảo tốt tình hình an ninh - trật tự khi giải diễn ra... Tất cả đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè gần xa về vùng đất và con người Hậu Giang. “Tỉnh Hậu Giang đã tổ chức tốt Giải vô địch đua ghe ngo toàn quốc năm 2011, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi được thưởng thức bầu không khí náo nhiệt, hấp dẫn từ các cuộc đua của môn thể thao truyền thống. Nếu có điều kiện thì tôi sẽ đến Hậu Giang thêm nhiều lần nữa”- chị Lê Hồng Xuân, xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang chia sẻ.
Giải vô địch đua ghe ngo toàn quốc năm 2011 đã kết thúc với nhiều ý nghĩa tốt đẹp mà nó mang lại. Vận động viên các đội và khán giả lại trở về với cuộc sống đời thường của mình, nhưng trong lòng họ sẽ đọng lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ về giải do Hậu Giang tổ chức. Mọi người chia tay nhau trong niềm vui pha lẫn sự luyến tiếc. Họ hẹn gặp lại nhau trong lần tổ chức sau…
Share on facebook 0 người thích - Like