Số người đang online : 17 Đồng Nai: Lễ cúng Yang Koi của người Mạ - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Đồng Nai: Lễ cúng Yang Koi của người Mạ
post image
Đồng Nai: Lễ cúng Yang Koi của người Mạ

Dân tộc Châu Mạ được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Chau Mạ, Chê Mạ, Mạ Ngan, Mạ Xôp, Mạ Tô, Mạ Xrê… Theo số liệu thống kê năm 1999, số người Châu Mạ trong toàn tỉnh xếp thứ 10 trong số hơn 40 dân tộc anh em. Họ tập trung đông nhất tại ấp Hiệp Nghĩa (thị trấn Định Quán) và Tà Lài (huyện Tân Phú) và các xã khác như Phú Bình, Phú Sơn…Trong một năm, người Mạ có rất nhiều lễ cúng. Lễ cúng Yang Koi là lễ cúng lớn nhất của người Mạ. Thời gian cúng thường vào tháng 2 đến tháng 3 Âm lịch, khi mà người Mạ đã thu hoạch xong mùa màng.Trước đây lễ cúng được tổ chức tại nhà dài nhưng gần đây do kết cấu cộng đồng có sự thay đổi nên mỗi nhà tùy theo điều kiện tự tổ chức.

Để tổ chức lễ cúng, đàn ông Mạ vào rừng chọn những cây tre cao, thẳng đem về khoảng sân để hành lễ. Họ lấy hai cây tre non cao từ 3 đến 4 mét chẻ ngọn thành các nhánh được trang trí bằng những hình vuông với các chùm bông tỉa ra. Chính giữa cây tre cắm chùm gai mây tượng trưng cho bông lúa. Những hoa văn hình học trên các vật trang trí thể hiện qua các tay dan, các dây nối kết từ gốc đến ngọn thẳng lên trời cao. Cây tre được phân chia thành nhiều nấc với các hình vuông, tròn bao trùm và tỏa xuống phía dưới gốc có nhiều dây trang trí các hình tượng con dê bằng lạt tre rất sinh động. Hai cây tre này được chôn trước sân, ở mỗi bông xòe ra cài một chén cơm nhỏ. Dưới gốc cây tre là những chóe rượu cần được bày sẵn. Lễ vật thùy theo điều kiện kinh tế của buôn làng mà già làng đứng ra làm chủ tế. Ở từng hộ riêng, tùy khả năng mà gia chủ giết gà, vịt, heo, dê hoặc trâu để làm lễ cúng và gia chủ tự cúng, không mời Thầy Cúng hoặc Bà Bóng.

Lời khấn vái có nhịp điệu, tiết tấu nội dung cụ thể và không có tính van lơn như lời khấn vái của người Kinh: “Ơ Thần Lúa! Lúa dưới nước, dưới bùn hãy về nhà tôi ăn gà vịt với tôi. Đây là lần cuối tôi thu được mùa. Tôi lạy Thần Lúa, Thần Đất đã cho tôi được mùa vừa qua” hoặc “Năm nay tôi uống mừng lúa. Tôi cúng heo cho Thần Lúa mong cho lúa ăn đừng hết. Tới năm sau làm nữa thì có nữa. Mong Thần Lúa đứng làm cho tôi đói, tôi làm rẫy có cơm ăn. Tôi mời Thần Lúa ăn con heo, uống rượu, ăn cơm nếp. Tôi mừng Thần Lúa. Tôi ăn đến mùa tới. Sang năm tôi lại làm ba lần cho Thần Lúa ăn. Trước tháng 4 cúng con gà. Bắt đầu tháng 7 cúng Thần con vịt. Tháng 11 tôi có lúa nhiều, tôi cúng Thần Lúa con heo. Năm nay Thần Lúa cho tôi ăn, tôi làm nữa để lại có cơm ăn…”

Sau lễ cúng, mọi người cùng chung vui dự tiệc. Đêm xuống họ đốt lửa vui ca nhảy múa, thể hiện sức mạnh qua các trò chơi của thanh niên… Nhạc cụ hòa nhịp theo các bài hát, điệu nhảy múa. Theo truyền thống, việc vui chơi kéo dài đến 3 ngày đêm, có khi cả tuần lễ. Nhưng ngày nay thường diễn ra trong một ngày đêm. Dẫu quy mô, nghi thức đã giản tiện hơn trước đây nhưng lễ cúng Yang Koi vẫn được tôn trọng trong đời sống tâm linh dân tộc Mạ. Đây là lễ cúng mà người Mạ quan niệm rằng vị thần này liên quan trực tiếp đến lương thực của cuộc sống cộng đồng họ.

 

Theo svttt-dongnai.gov.vn

 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành