Số người đang online : 3 KHU CĂN CỨ CÁCH MẠNG CAM ĐƯỜNG - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

KHU CĂN CỨ CÁCH MẠNG CAM ĐƯỜNG
post image
KHU CĂN CỨ CÁCH MẠNG CAM ĐƯỜNG

Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 1568 QĐ/BT...

KHU CĂN CỨ CÁCH MẠNG CAM ĐƯỜNG



1.    Tên di tích: Căn cứ cách mạng Cam Đường.
2.    Loại công trình: Khu căn cứ cách mạng
3.    Loại di tích: Di tích Lịch sử.
4.    Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 1568 QĐ/BT ngày 20 tháng 4 năm 1995.
5.    Địa chỉ di tích: Thôn Dạ I xã Cam Đường – thành phố Lao Cai – tỉnh Lao Cai
6.    Tóm lược thông tin về di tích.
       Cam Đường và các xã phụ cận Xuân Giao, Gia Phú là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, quật khởi chống ngoại xâm. Khi thực dân Pháp xâm lược vùng Tây Bắc, đồng bào Tày và Dao ở Cam Đường, Xuân giao, Gia Phú đã khởi nghĩa chống Pháp ( năm 1888-1892). Trong những năm đầu thập kỷ 40, công nhân Mỏ Cóc, Cam Đường nhiều lần tổ chức bãi công, lãn công. Ngày 27-8-1945, nhóm thanh niên yêu nước, chịu ảnh hưởng của cách mạng, đã vận động quần chúng phá kho dầu, kho gạo, tịch thu súng của lính dõng diệt trừ tay sai Nhật...
       Thực dân Pháp tái chiếm đóng Cam Đường, Lào Cai (12-1947), liên tiếp càn quét, tàn sát nhân dân ở các thôn Đá Đinh, Xuân Tăng. Trong vùng tạm chiếm, chúng lập chính quyền tay sai, đặt ra nhiều thứ thuế vô lý bóc lột nhân dân như thuế đánh vào súc vật, cây ăn quả... Đồng thời bắt nhân dân phải đi phu, đóng góp lương thực, thực phẩm...
       Trước tình hình đó, tháng 3-1948, Hội nghị cấp cán bộ tỉnh Lào Cai đã quyết định đưa cán bộ luồn sâu vùng địch hậu gây dựng cơ sở cách mạng Cam đường được chọn làm điểm chỉ đạo công tác gây dựng phong trào vùng địch hậu. Các cơ sở cách mạng được xây dựng ở các làng người Kinh, Tày, Dao, Giáy. Từ tháng 4 đến tháng 6-1948, các đoàn thể yêu nước ở Cam đường được thành lập; đa số kỳ hào, lý dịch và dõng các thôn bản đã ngả theo kháng chiến.Trong 3 tháng đã nổ ra 8 cuộc đấu tranh chính trị với chính quyền tay sai Pháp chống bắt lính, bắt phu, chống thu thuế, chống địch khủng bố, càn quét... Tháng 9-1948, đồng chí Hoàng Quy, Bí thư Tỉnh uỷ và đoàn cán bộ Tỉnh uỷ trực tiếp vào vùng địch hậu Bảo Thắng tăng cường xây dựng phong trào chống Pháp. Tại Cam đường, một số quần chúng trung kiên đã được giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, trở thành những hạt nhân lãnh đạo phong trào. Ngày 10-10-1948, chi bộ Cam đường - chi bộ nông thôn đầu tiên ở Lào Cai đã được thành lập tại thôn Soi Lần với 5 đảng viên. Có chi bộ lãnh đạo, phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh và rộng khắp toàn xã với nhiều hình thức : Vận động nhân dân làm đơn đòi giảm số phu làm sân bay, giảm thuế, giảm số gạo, thịt nộp cho các đồn; bỏ phu, lãn công, trốn lính.. Công tác binh vận được chi bộ hết sức chú ý, nhiều nguỵ binh đã liên lạc với các đoàn thể yêu nước, cung cấp tin tức. Các xã Cam đường, Gia Phú, Xuân Giao còn thành lập các Uỷ ban hành chính kháng chiến, Uỷ ban Việt Minh, lập các đội du kích bí mật, tích cực chuẩn bị lương thực, vũ khí tiến lên đấu thành vũ trang. Một số tề nguỵ gian ác bị cảnh cáo hoặc trừng trị, nguỵ quân, nguỵ quyền một số ngả theo kháng chiến hoặc giữ thái độ trung lập. Chính quyền cơ sở  của địch rệu rã, hoang mang, dao động. Xã Cam Đường đã lựa chọn quần chúng trung kiên xây dựng một trung đội du kích tập trung. Xã Xuân Giao, Gia Phú đều có từ một đến hai tiểu đội du kích. Các khu lán trại tích trữ lương thực được xây dựng . Hai trung đội cảnh vệ của tỉnh cũng trở về  vùng Cam Đường - Gia Phú hoạt động hỗ trợ cho cuộc phát động đấu thanh vũ trang. Đầu tháng 12-1948, địch phát hiện một số hoạt động của ta. Chúng tăng cường khủng bố, bắt một số cán bộ, đảng viên, quần chúng trung kiên ( trong đó có đồng chí Hoàng Sào, đảng viên dân tộc Tày).
         Nhận thấy công tác chuẩn bị cho cuộc phát động đấu tranh vũ trang đã sẵn sàng, địch lúng túng đối phó với hoạt động của bộ đội địa phương ở bên ngoài, Tỉnh uỷ Lào Cai quyết định phát động đấu tranh vũ trang sớm hơn kế hoạch 1 tuần lễ, nhằm đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ. Đêm 12-12-1948, cuộc khởi nghĩa vũ trang đã nổ ra. Các trung đội vũ trang tập kích đồn bến Đền, phối hợp với bộ đội địa phương phục kích các cánh quân chi viện của giặc Pháp, bẻ gãy các mũi tiến công của địch. Một số tên tay sai đắc lực bị trừng  trị. Bộ máy nguỵ quyền, tổ chức mật thám, gián điệp bị phá tan. Cuộc phát động đấu tranh vũ trang ở Cam Đường và hai xã Xuân Giao - Gia Phú bên hữu ngạn sông Hồng nổ ra thắng lợi. cả ba xã không còn bóng giặc, trở thành một khu du kích lớn, hơn 300km2.
         Khu du kích Cam Đường chỉ cách trung tâm đầu não của địch ở thị xã Lào Cai hơn 10 km. Từ khu du kích, các đoàn cán bộ, các đơn vị bộ đội tập kết, luồn sâu vào các  huyện bạn, tập kích thị xã Lào Cai , thị trấn Sa Pa . Tại khu du kích, các uỷ ban kháng chiến, các tổ chức Đảng các đoàn thể không ngừng được củng cố. Hai chi bộ Đảng của xã Gia Phú, Xuân Giao được thành lập, nhiều thôn bản đã có tổ đảng và đảng viên. Tại khu du kích, đường dây báo động liên hoàn được xây dựng khắp các thôn xóm, phát hiện kẻ địch từ xa, bố trí trận địa phục kích, sẵn sàng thực hiện làm vườn không nhà trống... tổ chức lực lượng ra vùng tự do chuyển muối, nông cụ, thuốc chữa bệnh vào khu căn cứ.
         Thực dân Pháp và tay sai tìm mọi biện pháp đánh phá khu du kích. Từ 2-1949 đến khi Lào Cai được giải pháp (1-11-950), thực dân Pháp đã tổ chức 17 đợt càn quét vào khu du kích Cam Đường  - Xuân Giao - Gia Phú. Có đợt tấn công, chúng kết hợp các thủ đoạn quân sự, kinh tế và mị dân; đưa đoàn “Hiểu dụ” do tên bang tá quận Cốc Lếu cầm đầu, đem muối vải, kim chỉ, thuốc lào, nông cụ... hòng lôi kéo nhân dân, nhưng bị du kích Cam Đường đánh bại. Ngày 14 và 15-7-1949, địch ở phân khu Lào Cai  huy động 220 tên Âu-Phí chia nhiều mũi tấn công vào Cam Đường. Ta vừa tổ chức phục kích, bám sát, tiêu hao sinh lực địch, vừa thực hiện “vườn không nhà trống”, đưa dân sơ tán vào rừng. Địch phải rút lui, ta trở về củng cố lực lượng. Địch dùng lực lượng lớn đóng chốt các đồn Pom Hán, Làng Cù, làng Nhớn, bến Đền... để  khống chế khu du kích. Các đoàn thể yêu nước, các đội du kích các làng ven đồn vẫn bám sát địch, đẩy mạnh hoạt động du kích. Khi chủ lực ta mở các chiến dịch lớn: Chiến dịch Lao Hà (3-1949), chiến dịch sông Thao ( từ tháng 5 đến tháng 7-1949), du kích Cam Đường-Xuân Giao-Gia Phú chớp thời cơ mở các trận tập kích, bức rút các đồn địch, tiến hành củng cố, xây dựng khu du kích toàn diện cả về chính trị, vũ trang, kinh tế và văn hoá - xã hội. Ta chủ động mở các hành làng hoạt động nối liền khu du kích với các vùng căn cứ ở Nhạc Sơn, Bát Xát , Mường Bo ( Sa Pa ), Phòng Niên ( Bảo Thắng ), Võ Lao (Văn Bàn )..., tạo thành thế liên hoàn. Nhờ đó, tuy bị địch tấn công ác liệt, càn đi quét lại nhiều lần, nhưng lượng ở khu du kích Cam Đường - Xuân Giao - Gia Phú vẫn được bảo toàn. Có những thời điểm, thực dân Pháp tạm thời kiểm soát Cam đường - Gia Phú - Xuân Giao ( cuối tháng 12-1949, tháng 5-1950), dồn dân các xã về sống ở ven đồn bốt để dễ kiểm soát. Các tổ công tác, các chi bộ , tổ Đảng vẫn duy trì hoạt động , vận động nhân dân tăng cường đấu tranh chính trị bằng các hình thức: đòi về làng cũ, phản đối bộ máy tề nguỵ, chống đi phu... Các tổ du kích vẫn bám sát dân, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh chính trị. Thậm chí có thời điểm địch càn đi quét  lại ác liệt, đóng thêm đồn bốt ở Pom Hán ( tháng 5-1950), nhưng do áp lực của quần chúng và lực lượng vũ trang bí mật của ta, chúng không lập nổi bộ máy nguỵ quyền; nhân dân vẫn tích cực tham gia các hoạt động , ủng hộ bộ đội; đi dân công, vận chuyển lương thực cho bộ đội.
          Khu du kích Cam Đường - Xuân Giao - Gia Phú đóng một vai trò rất quan trọng trong kháng chiến chống Pháp ở Lào Cai . Đó là căn cứ  địa đầu tiên kiên cường, là điểm chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh uỷ Lào Cai về công tác  xây dựng Đảng, thành lập chi bộ, thành lập Uỷ ban hành chính kháng chiến, xây dựng các đoàn thể yêu nước, thành lập đội du kích. Cam Đường là nơi nổi dậy đấu tranh vũ trang sớm nhất ở Lào Cai .
         Khu du kích Cam Đường được xây dựng giữa vùng địch hậu, lại nằm ở vị trí chiến lược quan trọng nên trở thành bàn đạp mở rộng xây dựng các khu du kích khác. Các đoàn cán bộ từ hậu phương (vùng Lục Yên-Yên Bái) trở về Lào Cai đã lấy Cam Đường làm nơi tập kết bí mật luồn sâu vào thị xã  Lào Cai , ngược lên Mường Bo, Bình Lư, Phong Thổ hoặc sang Nậm Pung, Bát Xát , xây dựng các khu căn cứ, gây dựng phong trào chống Pháp ở vùng địch hậu. Đặc biệt, Cam Đường thật sự là vành đai, vùng đệm áp sát trung tâm đầu não của địch ở thị xã Lào Cai . Trong chiến dịch Lê Hồng Phong giải phóng Lào Cai , các lực lượng trinh sát, quân báo và cả trung đoàn 148 đều xuất phát từ Cam Đường. Khu du kích Cam Đường - Xuân Giao - Gia Phú suốt một thời gian dài còn là điểm đặt cơ quan lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Tỉnh đội Lào Cai , nhiều cuộc họp quan trọng của Tỉnh được tổ chức ở đấy.
7.    Một số hoạt động nhà trường đã làm trong nội dung chăm sóc di tích.
        Học sinh tham gia chăm sóc bảo vệ di sản, di tích lịch sử văn hóa
Việc khuyến khích học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di sản văn hóa di tích lịch sử, cách mạng ở địa phương là một tiêu chí quan trọng trong phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã được thực hiện hiệu quả trong 3 năm qua.
        Chính vì vậy, trường THCS Cam Đường đã tổ chức cho học sinh tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa cách mạng ở địa phương, đây là mặt mạnh trong việc triển khai phong trào ở Nhà trường trong thời gian gần đây. Việc này đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và lịch sử, làm cho học sinh hiểu, thấm nhuần đi đến tôn vinh giá trị văn hoá dân tộc từ hoạt động thực tiễn.
        Nhà trường đảm nhận và chăm sóc di tích khu căn cứ cách mạng Cam Đường , trong quá trình thực hiện Nhà trường đã tổ chức tham quan giới thiệu cho các em học sinh hiểu và cảm nhận được tầm quan trọng của việc chung tay bảo tồn gìn giữ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương, đồng thời trường còn thường xuyên tổ chức cho học sinh quét dọn, chăm sóc và tổ chức trồng cây tại di tích lịch sử nơi đây, góp phần làm cho quang cảnh nơi đây ngày càng sạch đẹp hơn, tôn nghiêm hơn. Ngoài ra Nhà trường còn phối hợp cùng các cơ quan chức năng có liên quan, tích cực tuyên truyền giới thiệu khu di tích của địa phương với bạn bè, cộng đồng dân cư.
         Bằng những hành động thiết thực và việc làm cụ thể ở trên, các em học sinh trường THCS Cam Đường – Thành phố Lào Cai đã có thêm điều kiện để hiểu hơn về lịch sử của tỉnh nhà, chung tay góp sức tôn tạo bảo vệ di tích, di sản.
        Việc trường THCS Cam Đường – Thành phố Lào Cai nhận chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa ……. đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của các vị lão thành cách mạng và chính quyền địa phương. Nhà trường đã có kế hoạch tổ chức giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc và tinh thần cách mạng một cách hiệu quả cho tất cả các em học sinh.
        Qua việc chăm sóc di tích lịch sử này, các em còn được biết về một thời kì lịch sử đấu tranh kiên cường của cha ông trong việc bảo vệ quê hương, đất nước.
        Việc đưa học sinh đến với di tích, di sản lịch sử văn hóa đã tạo ra những hiệu ứng xã hội rất tốt. Học sinh được tạo cơ hội học tập thông qua hoạt động ngoại khóa, có hiệu quả hơn nhiều so với chỉ học lí thuyết đơn điệu. Học sinh sẽ hiểu sâu hơn, gần gũi hơn và nhận thức trách nhiệm hơn với quê hương đất nước, đây cũng là mục tiêu quan trọng của phong trào Xây dựng trường học thân thiện-học sinh tích cực theo chủ trương của Bộ GD&ĐT.







8.    Đề xuất kiến nghị: Không
9.    Thông tin về trường THCS Cam Đường.
a. Họ và tên hiệu trưởng :  Phạm Thị Mỵ
Chuyên ngành đào tạo: Đại học   năm tốt nghiệp đại học :2003
ĐT Di động: 01697115298
b. Họ và tên Tổng phụ trách Đội :  Lê Thị HươngChuyên ngành đào tạo: Đại học sư phạm - Tiếng Anh  .năm tốt nghiệp :     2001
ĐT cố định: 0203756710      ĐT di động: 01688479789
Địa chỉ email: lehuonglaocai@yahoo.com
c. Địa chỉ trường: Trường THCS Cam Đường – xã Cam Đường – thành phố Lao Cai – tỉnh Lao Cai.

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành