Số người đang online : 42 ĐÌNH HIỆP NINH - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐÌNH HIỆP NINH
post image
ĐÌNH HIỆP NINH

Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số: 1430/ QĐ...

ĐÌNH HIỆP NINH
 
1.    Tên di tích: Đình Hiệp Ninh
2.    Loại công trình: Đình
3.    Loại di tích: Đình
4.    Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số: 1430/ QĐ – BT ngày 12 tháng 10 năm 1993 do Bộ Văn hóa và Thông tin ban hành
5.    Địa chỉ: Phường II Thị xã Tây Ninh Tỉnh Tây Ninh
6.    Thông tin về di tích
Đình Hiệp Ninh là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng cách nay trên 100 năm, còn lưu giữ nhiều công trình nghệ thuật điêu khắc tinh xảo.
        - Đình Hiệp Ninh tọa lạc tại ấp Thái Phú, phường II thị xã Tây Ninh, được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Văn hóa Quyết định số 1340/QĐ-BT ngày 12/10/1993 do Bộ Văn hóa và Thông tin ban hành.
       - Lịch sử mở đất phương Nam bắt đầu từ năm 1698 khi chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược hạ Chân Lạp lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia định), đổi xứ Đồng Nai thành huyện Phước Long, xứ Sài Gòn thành huyện Tân Bình và từng bước di dân mở đất lên phía Tây gồm Tân Ninh và Quang Hóa.
       - Ở khu vực Tây Ninh (Thị xã Tây Ninh ngày nay) lập ra các đình Thái Bình, Suối Đá, Thanh Điền và Hiệp Ninh ….
       - Đình Hiệp Ninh được lập trong thời kỳ mở đất khoảng những năm 1880, thờ Thành Hoàng bổn cảnh là người có công di dân khai hoang lập ấp, giữ gìn đất đai, bảo vệ biên thùy. Theo năm tháng đình được tu bổ tôn tạo năm 1901 (Giáp Tý niên, trung thu, cát nhân tạo). Hiện Bảo Tàng Tây Ninh còn lưu giữ tấm ảnh chụp Đình Hiệp Ninh vào năm 1910. So với ngôi đình hiện nay không có gì thay đổi. Sắc phong còn được lưu giữ, bảo quản tại đình do vua Khải Định năm thứ 2, ngày 18/03/1917 ban tặng. Đình được sửa chữa vào các năm 1923, 1926, 1927, 1928, năm 1943  xây thêm cổng chính cặp quốc lộ 22B, năm 1997 trùng tu, gia cố phần móng và các cột đình.
         - Đình Hiệp Ninh nằm trong khuôn viên gần một mẫu đất (200m x 40m) giữa tán hàng chục cây sao cổ thụ được trồng cùng thời với xây dựng đình. Giống như các ngôi đình Việt Nam khi bước vào cổng chính, đi giữa hàng cây sao cổ thụ để tới sân đình gặp bức bình phong rẻ vào tả, hữu tiền môn, có bàn thời Thần Nông, hai bên là am thờ chúa Tiên, chúa Sứ.
        - Kiến Trúc chữ Tam (≡) với ba lớp nhà nối tiếp nhau gồm tiền tế, tiền đình và hậu đình, và năm gian cột gỗ tường gạch, mái lợp ngói chạy suốt từ trước tới sau.
        - Mặt tiền đình qua mặt tam cấp, hai bên có lầu chuông, gác trống; cửa chính ba giang đóng gỗ bức màn, chạm lộng hoa dây, chữ thọ, bát quái, trên mặt dựng gian giữa đắp cuốn thư, trên nóc đắp lưỡng lông chầu nguyệt, kiểu dáng này được lặp lại hai lần trên nóc tiền đình và hậu đình (lưỡng long tranh châu và cá hóa rồng).
     - Điều khác biệt và các kiến trúc đình khác là lầu chuông gác trống được xây vuông, hai tầng chiếm hết phần hai gian đầu hồi, những cửa mái vòm - với lối kiến trúc này, tạo mặt dựng ngôi đình cân đối vững chắc.
        - Nội thất đình là kiến trúc gỗ với trên 50 cây cột tròn và vuông (đường kính 30cm) cột cao nhất là 6,50m liên kết với các vì kèo, xiên, đòn tay tạo thành một giá đỡ hết sức chắc chắn, vững chắc đỡ lấy mái ngói mũi hài nặng: Xung quanh tường xây tường gạch áp sát cột quân tạo ra một công trình kiến trúc gỗ bề thế, hoàn hảo và mỹ thuật.
        - Đình Hiệp Ninh là một công trình điêu khắc gỗ với nghệ thuật chạm nổi, chạm bông, sơn son, thiếp vàng tinh xảo với trình độ tạo tác mỹ thuật cao, lưu dấu lại tài hoa của cha ông ta khi xây dựng công trình nầy.
        - Từ hệ thống “cửa võng” với những mảng chạm bông, chạm lộng tinh xảo, và các họa tiết xen cách điệu, dây nho, tre trúc cùng tứ linh, tứ quý, các hoành phi, câu đối, trang thờ lại được bàn tay nghệ nhân tạo tác tinh xảo hơn bởi chạm nổi, chạm lộng khảm trai, đường nét uyển chuyển tinh tế và sắc sảo, sống động đến từng chi tiết nhỏ. Đến như mặt hổ phù, rùa đội hạc, bát bửu, các đồ thời tự cũng ngời lên những đường thẳng nét cong hài hòa như có sức sống.
  - Toàn bộ nội thất tiền đình được bố cục một cách hài hòa theo nghi thức đình thần toát lên sự lộng lẩy thuyền bí, nhưng cũng rất gần giũ với đời thường, trang nghiêm, tỏa sáng bởi ánh sáng tự nhiên, hòa sắc trong sắc vàng, sắc đỏ của sơn son thếp vàng. Đình Hiệp Ninh – Ngoài sự bề thế của kiến trúc, sự tinh xảo của điêu khắc gỗ, còn là nơi lưu giữ tương đối đầy đủ và nguyên vẹn các vật thờ cúng với những hiện vật quý hiếm như:
         + Sắc phong thần: Vua Khải Định (năm thứ 2) ban tặng Thành Hoàng bổn cảnh ngày 18/03/1917 cùng với mão thần bằng chất liệu quí vải lụa thêu kim tuyến đính hạt châu.
         + Nghi thờ “Thành Hoàng bổn xứ” được đóng bằng gỗ quí, có niên đại 1901, ba mặt trước và hai bên chạm lộng hoa lá, vân mây, sơn son thếp vàng, thếp bạc.
         + Ban thờ Thành Hoàng bổn cảnh lại là 1 tác phẩm gỗ điêu khắc thật tinh xảo. Với các đề tài lưỡng long chầu nguyệt, cùng với các họa tiết hoa lá, vân mây tạo nên sự trang nghiêm của bàn thờ.
         + Tủ thờ : “ Đương kim Thiên Tử Thượng vị” được làm năm 1902 cùng với cặp rùa đội hạc, hai bên là hàng bát bửu đặt dưới cửa võng được chạm trổ công phu sơn son thếp vàng.
         + Kiệu thỉnh sắc: được làm với 2 tầng mái cong 4 mặt, các trụ đổ đều chạm khắc các con rồng, hoa dây và cửa võng, hàng năm trong các ngày lễ kỳ yên và cầu bông được đưa đi thỉnh sắc ở đền về đình làm lễ tế Thành Hoàng.
         + Các ban thờ: Tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền cũng được thiết kế mỹ thuật trang trọng.
         + Cùng với cửa võng một trong những tác phẩm mỹ thuật tinh xảo, còn 9 bức hoành phi, mà mỗi bức là 1 đề áng trang trí điêu khắc gỗ chạm lộng sơn son thếp vàng thật độc đáo, các bức hoành phi có niên đại 1901, 1902 đến 1927.Được khắc hán tự gồm:
    - Thần Thánh uy linh.
    - Thánh thọ vô cương.
    - Đức mậu đường ấm.
    - Hiệp cảnh an ninh.
    - Khí tráng sơn hà.
    - Quốc thái dân an.
    - Hồng ân phố tế.
    - Phong điệu vũ thuận.
    - Thánh đức giao khai.
     - Đình Hiệp Ninh còn có 12 bộ câu đối (liễng) được treo trên 24 cột chính, được tạo tác công phu, nội dung các câu đối và hoành phi đều ca tụng công đức của tổ tiên, những người có công khai phá đất đai, mở mang bờ cõi. Bảo lưu được giá trị văn hóa của  dân tộc, lấy  trung hiếu, nhân nghĩa, lễ, trí, tín làm gốc.
- “Có tổ có tông, tổ tổ, tông tông, tông tổ phú; Còn non, còn nước, non non, nước nước, nước non nhà”. Mà mỗi ngôi đình là một di tích giữ gìn, bảo lưu các giá trị văn hóa và truyền thống dân tộc ở dạng “cúng” là vật thể, phần “mềm” lại được thể hiện qua các cuộc tế lễ, hội hè, đình đám cùng với các dạng văn hóa được bảo tồn.
- Đình Hiệp Ninh là một công trình bề thế, nội thất đình được giới hạn bởi tường gạch bao quanh 15x50m (750m2), lối kiến trúc khép kín toàn công trình từ trước tới sau, gồm nhiều lớp nhà; có sân nắng, khoảng trống mang đặc trưng kiến trúc đình thần Nam bộ. Với lối kiến trúc tạo được vẽ bề thế, thanh thoát, mái ngói phẳng, nền lát gạch tàu hòa quyện với màu vàng son của kiến trúc gỗ. Con  rồng vẫn là chủ đề chính của kiến trúc nghệ thuật, được các nghệ nhân tạo tác thành những tác phẩm mỹ thuật ở những mảng khắc chìm, chạm nổi, chạm bông, ở tất cả các trang thờ cúng, hoành phi, câu đối, cửa võng… còn lưu dấu và sự bảo tồn tay nghề truyền thống chạm khắc tinh tế, nước sơn son thếp vàng ngời sáng với những vật điêu khắc thể hiện tâm thức của người Việt về các linh vật (tứ linh) long, lân, quy, phụng, rùa đội hạc, cỏ cây hoa lá cách điệu nhưng vẫn gần gũi với đời thường.
     - Đình Hiệp Ninh là một ngôi đình cổ, một trong số  rất ít những ngôi đình xây dựng giữa thế kỷ XIX còn giữ được gần nguyên vẹn. Đây là một nhân chứng lịch sử mang nét đặc trưng của người Việt: Đình làng là nơi thờ người có công với dân với nước trong thời kỳ mở đất phương Nam.
     - Nơi đây còn là một địa điểm chứng kiến sự hiện diện của thanh niên tiền phong luyện tập và xuất phát đi hỗ trợ cho phong trào tổng khởi nghĩa của dân quân Tây Ninh trong giành chánh quyền 25/8/1945. Cũng nơi đây đã chứng kiến bao lần đi về của các chiến sĩ cộng sản, dù phải nằm gai, nếm mật vẫn trung kiên với Đảng với dân. Không sợ hy sinh gian khổ để lãnh đạo phong trào cách mạng. Trong những năm 1959-1960 nơi đây là cơ sở của Tỉnh ủy Tây Ninh do đồng chí Hoàng Lê Kha bám trụ được dân tin yêu và bảo vệ.
- Toàn bộ khối kiến trúc đình Hiệp Ninh còn bảo tồn được phong cách đình làng cổ xưa nhưng lại mang đặc trưng đình thần Nam bộ. Ngoài việc thờ cúng vị Thành Hoàng, Thần Nông, Chúa Sứ… Còn có lễ hội kỳ yên, cầu bông nêu bật được khát vọng của người dân trồng lúa nước mong cầu được mưa thuận gió hòa – Quốc thái dân an. Đó cũng là đặc trưng của văn hóa đình làng Nam bộ.
 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành