Số người đang online : 36 Vũ Thị Thục - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Vũ Thị Thục
post image
Vũ Thị Thục

Bát Nạn (Đinh Sửu 17 – Quí Mão 43)

Công chúa, cũng gọi là Bát Nàn, có sách chép là Bát Não.

Theo truyền thuyết và thần tích làng Tiên La, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, cùng thần tích thờ miếu ở xã Phượng Lâu, huyện Phù Ninh, nay thuộc Vĩnh Phú (thần tích do danh thần thời hậu lê là Hàn Lâm đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn): Bát Nạn công chúa là vị anh hùng như thời Trưng Vương, Bà Vốn là con của Võ Công Chất và Hoàng Thị Mầu. Thân phụ bà là hào trưởng ở Phượng Lâu khi bà chào đời cha mẹ đặt tên là thục. Về sau bà nổi tiếng tài sắc, tục gọi là Thục nương. Bà có chồng là Phạm Danh Hương (có sách chép là vị Lạc hầu Trương Quán) quê ở Đức Bác (tức Liệp Trang, huyện Lập Thạch). Vợ chồng bà đều có lòng yêu nước, ngầm lo việc cứu nước giúp dân.

Bấy giờ có tên hào mục là Trần căm tức vì không cưới được Thục nương có ý “làm phản”, nên bắt giết đi.

Năm Kỉ Hợi 39, khi Đặng Thi Sánh bị giết ở Châu Diên, thì chồng bà cũng bị giết ở Duyên Hà. Quân Tô Định vây dinh trại, chồng bà bị hại, nửa đêm bà cầm dao sông đao, mở đường máu chạy đến làng Tiên La, vào chùa ẩn thân. Từ ấy, nặng nợ nước thù nhà bà quyết chí báo phục, đêm ngày chiêu tập hào kiệt dựng cờ khởi nghĩa.

Năm Canh tí 40, tháng 3, Hai Bà Trưng lãnh đạo quân dân toàn quận phát động cuộc khởi nghĩa. Bà theo giúp cùng với nữ tướng Lê Chân thống lãnh quân tiên phong.

Cứu quốc thành công, nước nhà độc lập, Trưng vương phong bà làm Bát Nạn đại tướng quân Trinh thục công chúa. Bà từ chối tước lộc, chỉ xin đem đầu giặc tế chồng một tuần. Tế xong, bà cởi bỏ nhung trang trở lại chùa làng Tiên La. Nhưng chẳng bao lâu nghe tin Mã Viện kéo binh sang, bà dấn chân cứu nước lần nữa. Chị em Trưng vương tuẫn quốc trong ngày 6 tháng 2, bà cũng tử tiết trong ngày 16 tháng 3 năm Quí mão 43.

Các triều đại sau đều có truy phong bà làm thần:

+ Đời Lê Thánh tông, sắc phong: Ý đức đoan trang Trinh thục công chúa.

+ Đời Minh Mạng nhà Nguyễn sắc phong: Dực bảo trung hưng linh phù chi thần.

+ Đời Khải Định sắc phong: Dực bảo trung hưng linh phù thượng đẳng thần.

Vì khi cầm binh đuổi giặc, từ cửa sông Đáy về ngã ba sông Nông, bà thường cai quản những 18 cửa ngàn, nên tục gọi bà là Thượng ngàn. Và ngôi chùa mà bà ở tu, sách chép là chùa Nam Liên ở trên núi, nên tục cũng gọi bà là sư nữ Nam Liên.

Bà Cao Tổ Vũ thị Thục Nương sinh vào giờ Dần ngày Rằm tháng Tám năm Đinh Sửu ( Năm 17 sau Công nguyên) tại xã Phượng Lâu – Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đầu Công Nguyên nơi đây là cố đô nước Văn Lang độc lập. Bà là Nữ Tướng xuất chúng, văn võ song toàn đứng đầu các Vị Nữ Tướng của Hai Bà Trưng, ngày 17/3 Âm lịch năm Quý Mão (43 sau Công Nguyên) trong trận chiến cuối cùng chống với hàng vạn quân Đông Hán do Mã Viện cầm quân, Bà đã quyết chiến đến cùng và tử tiết khi mới 26 tuổi, đến nay đã là 1969 năm.

Lịch sử và Thần phả còn ghi lại Bà là con gái của Cụ Cao Cao Tổ Vũ Công Chất, Mẹ là Bà Hoàng thị Mầu, cả hai vợ chồng Cụ đều là người gốc Việt Thường. Sinh thời Bà là một người phụ nữ có nhan sắc tuyệt vời, đoan trang, trung hậu và đảm đang, văn hay võ giỏi nên hiệu là Ngọc Hoa Công chúa. Bà đã dậy dân phát triển nghề Nông, dậy hát đối, hát xoan, hát đúm nay vẫn còn truyền lại. Bà còn chỉ bảo dân thời ấy quần tụ lại để xây dựng, phát triển Xã – Thôn Việt từ những năm đầu Công nguyên.

Thời ấy, bên kia sông Bạch Hạc ở xã Nam Chân có chàng trai rất có tài đức là Phạm Danh Hương đã đặt lễ đính hôn Bà, chờ đến mùa Thu thì làm lễ rước dâu. Bên Châu Bạch Hạc có một Tù trưởng họ Trần giầu sang quyền thế nhất vùng đã nhiều lần mang lễ vật lớn xin cưới Bà không được, khi biết Bà đã hứa hôn với Phạm Danh Hương, họ Trần liền xui giục Tô Định chiếm đoạt Bà. Tô Định được vua Quang Vũ Nhà Đông Hán sai làm Thái thú Quận Giao chỉ từ năm Giáp Ngọ (Năm 34 sau Công nguyên).Được mưu, Tô Định bèn giả làm khách buôn đến tận nơi chiêm ngưỡng dung nhan Bà thấy như Tiên Nữ giáng trần liền sai quân lính bắt Cha Bà – Cụ Cao Tổ Vũ Công Chất và Phạm Danh Hương tới phủ đường bắt dâng Bà và từ hôn, dụ dỗ không được, Tô Định đã dùng cực hình giết cả hai người rồi kéo quân tới bắt Bà. Được tai mắt dân cả Châu báo, đang đêm Bà vượt sông về đến Tiên La là vùng đất chưa bị quân Đông Hán chiếm đóng, thì dừng lại. Dân thấy Bà hiệu triệu nô nức kéo về kể có hàng vạn, Bà chỉ kén phụ nữ làm binh sỹ, luyện tập ngày đêm thành một đội quân tinh nhuệ. Vừa chiêu binh mãi mã, vừa dậy dân khai khẩn đất hoang,…. chỉ mấy năm Tiên La trở thành một vùng trù phú, binh lực ngày một mạnh.

Tô Định càng bạo ngược, chính trị tàn ác, dân Việt đã oán giận chồng chất. Năm Canh Tý
( 40 sau Công nguyên) Tô Định lại giết Thi Sách Quận Châu Diên Phủ Vĩnh Tường (Nay thuộc Vĩnh Yên) . Vợ Thi Sách là Trưng Trắc ở làng Hạ Lôi,huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc yên) là con gái lạc Tướng Mê Linh cùng với em là Trưng Nhị cất quân khởi nghĩa.

Bà Cao Tổ Vũ thị Thục Nương cùng dấy binh hưởng ứng đánh Tô Định bại trận phải chạy về quận Nam Hải. Là Nữ Tướng xuất sắc nhất, lại là Người dấy tinh binh khởi nghĩa đầu tiên của Hai Bà Trưng, Bà Cao Tổ Vũ thị Thục Nương cùng với Nữ Tướng Lê Chân giải phóng cả một vùng duyên hải từ Thái Bình lên đến Hải Phòng, Quảng Ninh đã cùng với quân của Hai Bà Trưng hạ được 65 thành trì, sau khi Hai Bà Trưng lên ngôi Vua có phong cho Bà Cao Tổ Vũ thị Thục Nương làm Đông Nhung Đại Tướng quân – xếp hạng công đầu. Nhưng Bà xin từ quan về Tiên La.

Năm Tân Sửu ( Năm 41 sau Công Nguyên) vua Quang Vũ nhà Đông Hán lại sai Mã Viện làm Phục Ba Tướng quân, Lưu Long làm phó tướng cùng với Lâu thuyền Tướng quân là Đoàn Chí kéo mấy mươi vạn quân sang đánh Hai Bà Trưng. Bà Cao Tổ Vũ Thị Thục Nương cùng quân Hai Bà Trưng đón đánh quân Đông Hán.Nhưng thế quân Đông Hán quá lớn, quân Hai Bà Trưng đánh mấy trận không đương nổi phải tan vỡ. Hai Bà Trưng chạy về đến xã Hát Môn thuộc huyện Phúc Lộc tỉnh Sơn Tây thì thế phải bức quá, Hai Bà gieo mình xuống sông tự tận, bấy giờ nhằm ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão ( Năm 43 sau Công nguyên). Bà Cao Tổ Vũ thị Thục Nương tiếp tục cầm cự. Quân Đông Hán kéo tất cả đến vây kín mấy vòng, quân của Bà Cao Tổ hết lương, cầm binh khí ngắn quyết tử không còn một người nào. Ngày 17 tháng 3 năm Quý Mão ( Năm 43 sau Công nguyên), Bà Cao Tổ tay cầm song kiếm, một mình một ngựa xông vào tả xung hữu đột chém giết quân Đông Hán như vào chỗ không người, khi sức đã kiệt Bà tự vẫn không để giặc bắt.

Thần phả và truyền thuyết kể rằng Bà vốn là Thượng Đẳng Thần Ngọc Hoa Công chúa nhiều lần giáng trần cứu Nước, yên Dân, diệt ác, trừ tà bảo vệ sinh linh khỏi nhiều tai họa. Sau khi Bà Cao Tổ tự vẫn, tương truyền thân Bà tan thành tám mảnh về tám phương, một là ở ngay mộ phần của Bà trong hậu cung Đền Tiên La, còn hóa thân là các bậc Thánh khác trong Đạo Thánh Mẫu Việt Nam. Phong tục cổ Việt cho rằng khi người con gái lấy chồng thì theo phúc lộc nhà chồng, vì Bà chỉ mới hứa hôn chưa xuất giá, tử tiết khi còn là con gái nên được tôn là Bà Cao Cô Tổ hiệu Ngọc Hoa Công chúa – Vũ thị Thục Nương làm Tổ Mẫu họ Vũ gốc Việt.

Dân gian truyền tụng hậu thân Bà Cao Tổ là Bà Chúa Đồng Mỏ đã dấy binh cùng với các tướng của Lê Lợi là Lê Sát, Trần Lựu, Lê Lý, Trần Nguyên Hãn, Phạm Vấn, Lê Khôi, Nguyễn Xí …. vây đánh viện quân nhà Minh, chém Chinh Lỗ Phó Tướng quân An Viễn Hầu Liễu Thăng tại núi Đảo Mã Pha ( Giờ là núi Mã Yên làng Mai sao – Ải Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) ngày 20 tháng 9 năm Đinh Vị 1428. Ghi nhớ công lao, ơn đức của Bà Cao Tổ Vũ thị Thục Nương là Người đã cùng Hai Bà Trưng giành độc lập đầu tiên cho Nước Nhà chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất ( Năm 111 đến 39 sau Công nguyên) nhân dân Thái Bình đã lập đền thờ ngay trên mộ Bà Cao Tổ hương khói không dứt trải suốt 1969 năm qua. Đến nay Lễ Hội Bà Cao Tổ Vũ thị Thục Nương tháng 3 Âm lịch hàng năm đã trở thành Lễ Hội Quốc gia được đồng bào cả Nước về dự.

Xét trong sử sách từ trước Công nguyên đến nay, họ Vũ – Võ Việt Nam đời nào cũng có người có người ra giúp Dân, giúp Nước. Chi họ Vũ gốc Việt Thường tính từ đời Cụ Cao Cao Tổ Vũ Công Chất đến Bà cao Tổ hiệu Ngọc Hoa Công chúa Vũ Thị Thục Nương là hơn 2000 năm. Sau hơn một nghìn năm, có chi họ Vũ Mân Việt lập nghiệp tại Giao chỉ – Âu Lạc mở đầu là Cụ Vũ Hồn được Đường Vũ tôn Viêm – Hội Xương năm thứ 1 bổ làm Kinh lược sứ thay Hàn Ước vào năm Tân Dậu ( Năm 841 sau Công nguyên – Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ – quyển V trang 134 sách đã dẫn ), con cháu Cụ Vũ Hồn khẩn hoang mở ấp tại làng Mộ Trạch, huyện Bình Gia, tỉnh Hải Dương. Các bậc Danh Nho người Mộ trạch mà sử sách,bia ký lưu danh tại Văn Miếu Quốc tử giám, Hà nội có 82 bia độc lập thì làng Mộ Trạch có tới 18 bia ghi danh 25 vị Tiến sỹ.
Nước Nam Việt xưa bị vua Vũ Đế nhà Tây Hán sai Lộ Bác Đức và Dương Mộc sang đánh chiếm năm Canh Ngọ ( Năm 111 trước Công Nguyên) cải làm Giao Chỉ Bộ gồm chín Quận bao gồm từ Quảng Đông, Quảng Tây đến miền Bắc và mấy tỉnh ở bắc miền Trung Việt Nam. Các Chi họ Vũ nước Nam Việt đã về quần tụ, định cư trên cả giải đất Việt Nam ngày nay cùng các dòng họ khác chung sức xây dựng bảo vệ phát triển Nước nhà.

Đến đời Nhà Trần, chi họ Bà Cao Tổ Vũ thị Thục Nương có Cụ Cao Tổ Vũ Hải sinh năm 1257 cùng năm với Vua Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo, Cụ là người mưu lược, tài trí hơn người được phong là Phó Đô Ngự sử Bát Hải Hữu tướng quân. Ngày 10 tháng 3 năm Mậu tý (1288) trong trận Bạch Đằng giang đánh Ô Mã Nhi trong kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, Cụ đã anh dũng hy sinh khi mới 31 tuổi. Ghi nhớ công đức Cụ, Vua Trần Thánh Tông cho lập đền thờ Bát Hải Đại Vương Vũ Hải nay còn ở Du Lễ, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Tương truyền đến thời Nhà Minh xâm lược nước ta, có Cụ Cao Tổ làm Đại Tướng giúp Lê Lợi đánh quân Minh, khi chiến thắng quân Minh đã làm quan Đại thần trải mấy triều Lê. Sau khi từ trần ngày 10 tháng 10 năm 1465 được vua Lê Thánh Tông lập Đền Thánh Đức Tự thờ Cụ. Đền này, sau nhiều biến động lịch sử đến nay Đền thành chùa Hà hiện ở Hà Nội.
Đến biến động thời Nhà Mạc nổi lên năm Đinh Hợi (1527), có Cụ Vũ Hộ ra giúp Nhà Mạc bớt điều bạo nghịch, khuyên Nhà Mạc giữ nguyên phép cũ Nhà Lê, trọng dụng nhân tài,…..vì thế Nhà Mạc sau còn về giữ được đất Cao Bằng đến năm Đinh Tỵ ( 1667) mới mất hẳn, tất cả 140 năm.

Chi họ Vũ Bà Cao Tổ Vũ thị Thục Nương sau về lập nghiệp ở Đông Cao, Thiên thai, Bắc Ninh được Triều Lê Trung Hưng ban cho giấy Sắc Phong Thần để viết Gia phả, bản gốc hiện còn lưu giữ được bằng chữ Hán ghi rõ như sau:
” Cụ Tổ 7 đời ( tính đến Danh Nhân Văn hóa – Nhà văn Vũ ngọc Phan ) là Cụ Vũ Bân làm quan đến Quản trấn hậu cơ Tứ thành Mật sát – Thai Lĩnh Hầu đời Lê Trung Hưng. Cụ (Vũ Bân) nạp một người thiếp sinh được một con gái tên là Nguyên,về sau cùng chồng tuẫn nạn. Nguyên chồng Thị Nguyên làm quan Tư đồ Thiếu phó,Đại tướng Tây Sơn,không rõ họ tên,lúc đó giữ thành Bình Định. Đại tướng triều Nguyễn là quan Phò mã Võ Tánh vây đánh rất gấp, Thị Nguyên đích thân thống xuất đạo quân tinh nhuệ giải vây cho chồng rồi vây lại Võ Tánh. Võ Tánh dùng thuốc súng tự vẫn.Vua Gia Long đi xuyên sơn ra lấy Bắc Thành. Nhà Tây Sơn bị diệt. Quân ở Bình Định bị vỡ. Vợ chồng quan Thiếu phó mưu việc đi Ai Lao, tính việc khôi phục. Quân nhà Nguyễn (Gia Long) dò biết được, đón đường bắt được, quấn nến vào người ( Vũ Thị Nguyên) đốt, tế Võ Tánh để báo thù. Cụ Thai Lĩnh Hầu ăn mặc giả thường dân tới tận nơi,mục kích việc xẩy ra về thuật lại. Việc này có chép trong chuyện Võ Tánh – Quyển Hoàng Nguyễn Thực lục.” (Sách đã dẫn).
Có nhiều cứ liệu Lịch sử cho biết, Thái sư Bùi Đắc Tuyên Nhà Tây Sơn có nhận Bà Vũ Thị Nguyên làm con nuôi rồi đổi tên, sau này Bà là Nữ Tướng xuất chúng của Nhà Tây Sơn chính là Đô đốc Bùi Thị Xuân.

Con là Cụ Thông Mẫn Công Vũ Diệm về lập Phường Đồng Lạc góp phần xây dựng Đông Đô – Hà nội nay ở 90 phố Hàng Đào có Đình thờ Cụ làm Thành Hoàng.
Cuối đời Lê đầu Nguyễn, cháu đích tôn là Đoan Hậu Công Vũ Đức Quang nổi tiếng là Danh sỹ Bắc Hà đi khắp nơi cứu độ dân nghèo được đương thời tôn là Phật sống. Cụ còn để lại đôi câu đối nổi tiếng nay vẫn còn ghi trên cổng đền Trung Liệt Gò Đống đa, Hà Nội:
Thử thành quách, thử giang san.
Bách chiến phong trần dư xích địa.
Vi nhật tinh vi hà nhạc
Thập niên tâm sự cộng thiên thanh.
Tạm dịch:
Thành quách này giang sơn này
Trăm trận phong trần còn
Vì trời sao vì sông núi
Mười năm tâm sự cùng trời xanh.

Đến thời Nguyễn, có Cụ Văn Khiêm Tướng Công Vũ Cẩn đã cùng với Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết giữ thành Hà nội năm Quý Dậu (1873) chống quân Pháp, Hà nội thất thủ, Cụ xin cáo quan về dậy học ở Bắc Ninh. Sau khi chết, mộ Cụ được học trò chôn cất trên núi Phúc Đức tục gọi là núi Nác hiện phần mộ trên sân trường Cao đẳng kỹ thuật Bắc Ninh hàng năm vẫn được tế lễ.

Sang những năm đầu thế kỷ XX, Chi họ Vũ Đồng Kỵ , Gia Lâm, Hà Nội có Vũ Nguyên Bác được Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh (lúc đó bí danh là Lý Thụy) đặt bí danh là Lý Anh Tự, đưa sang tham gia Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1923, học trường quân sự Hoàng phố cùng với các Nhà tiền bối cách mạng Trung Quốc như Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức,… Sau Vũ Nguyên Bác còn có tên là Hồng Thủy, Nguyễn Sơn – Lưỡng Quốc Tướng quân hai nước Việt – Trung, tham gia Vạn lý trường chinh do Mao Trạch Đông lãnh đạo, công rất to lớn. Ngày nay tại Bát Bảo sơn, Bắc Kinh, Trung Quốc có bài vị thờ ông là một trong tám khai quốc công thần thành lập nước Trung Hoa mới.
Lãnh đạo quân sự trong nước ta qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ còn có Đại Tướng Võ (Vũ) Nguyên Giáp mà công trạng hiển hách không ai không biết.

Về văn hóa, có Danh nhân Văn hóa – Nhà văn Vũ Ngọc Phan đã có công mở đầu cho phê bình văn học hiện đại nước nhà và là người đầu tiên nghiên cứu phân loại Văn học Dân gian Việt Nam một cách hệ thống, khoa học. Đóng góp cho khoa học quân sự hóa học, vũ khí nguyên tử đầu tiên của quân đội Nhân dân Việt Nam có Liệt sỹ Vũ Hoài Tuân, đóng góp cho khoa học Nông nghiệp, sinh học có Giáo sư Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng,….Sau Công cuộc Đổi Mới do Đảng ta lãnh đạo mở ra thời đại chấn hưng phát triển kinh tế – xã hội đất nước đã làm xuất hiện nhiều Nhân tài trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội.Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, các Doanh nhân kinh tế được vinh danh trong đó phải kể đến Doanh nhân Vũ Quang Hội đã từ tài năng, ý chí và nghị lực tham gia xây dựng kinh tế tỉnh Thái Bình, đồng thời đóng góp Tâm Đức cho công cuộc bảo tồn, phát huy Văn hóa Tâm linh Dân tộc.

Tại Lễ tưởng niệm về Bát Nạn Đại Tướng quân Đông Nhung hôm nay, chúng ta giới thiệu sơ lược về sự đóng góp của Chi họ Vũ – có Tổ Mẫu là Bà Cao cô Tổ Vũ thị Thục Nương trải gần hai nghìn năm, đời nào cũng có người họ Vũ ” Vì Nước quên thân, Vì Dân phục vụ”. Càng vinh dự bao nhiêu, chúng ta càng tâm niệm cố gắng bấy nhiêu noi gương các bậc tiền bối Chi họ Vũ phát tích từ Phượng Lâu – Vĩnh Phú trong Gia tộc Vũ – Võ Bách Việt đã cứ trú nghìn đời trên dải đất Việt Nam cùng với các dòng họ khác trong Đại gia đình Dân tộc Việt Nam để chung sức xây dựng nước ta mãi mãi vững bền.

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành