Nguyễn Văn Nguyễn (1910 - 1953)
Sinh tại xã Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), học Trường Sư phạm Sài Gòn.
Sớm giác ngộ cách mạng, ông được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng. Ông tham gia nhiều hoạt động do Đảng lãnh đạo như phong trào Đông Dương đại hội, làm thư ký báo L'Avant-garde (Tiền Phong) của Đảng, tham gia lãnh đạo cuộc giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25-8-1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đắc cử làm đại biểu Quốc hội khóa I.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông là ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Giám đốc Đài phát thanh Tiếng nói Nam Bộ, chủ bút tờ báo Cứu quốc Nam Bộ.
Trên đường ra miền Bắc nhận công tác, ông qua đời vì bệnh ngày 25-3-1953.
Ông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1910, người làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), con của một thầy giáo dạy chữ Nho kèm chữ quốc ngữ ở làng.
Cha mất sớm khi ông mới 10 tuổi. Tuy nhiên, nhờ sự tần tảo của mẹ, ông vẫn có một nền học vấn hoàn chỉnh. Sau khi tốt nghiệp Trung học với bằng Thành Chung tại trường Collège de Mytho, ông được cấp học bổng lên học Trường Sư phạm Sài Gòn.
Sự nghiệp cách mạng
Năm 1925, ông bị đuổi học do tham gia vào cuộc biểu dương lực lượng yêu nước của đồng bào Sài Gòn – Gia Định nhân đám tang cụ Phan Châu Trinh. Để sinh kế, ông xin vào làm việc ở Công ty xe lửa Đông Dương. Năm 1928, ông tham gia vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 11939, ông gia nhập An Nam Cộng sản Đảng và một năm sau đó, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 13 tháng 7 năm 1930, ông bị bắt giam, nhưng vì không đủ chứng cứ để buộc tội, nên chỉ bị kết án 3 tháng tù treo.
Tháng 5 năm 1931, khi đang là Trưởng ban cán sự Đảng tỉnh Bến Tre, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời khi Tỉnh ủy Bến Tre được thành lập, dưới sự chứng kiến của ông Phạm Hùng. Ông cũng được phân công làm chủ bút báo "Búa liềm".
Ngày 16 tháng 6 năm 1931, trong khi đi công tác ở Trà Vinh, ông bị mật thám Pháp bắt và bị kết án tù, đày đi Côn Lôn (nay là Côn Đảo).
Năm 1934, mãn hạn tù trở về Sài Gòn, thông qua Nguyễn Văn Tạo, một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp bị trục xuất về nước, đang ở trong ban biên tập báo La Lutte, ông đến xin cộng tác. Ông đã viết một loạt bài phóng sự về Côn Lôn vạch trần chế độ tù nhân dã man và hà khắc của thực dân.
Năm 1935, khi Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sài Gòn được khôi phục lại, ông liên lạc với Đảng và tiếp tục hoạt động công khai trên báo chí. Ông viết cho tờ báo Mai của Đào Trinh Nhất và tờ Dân quyền do Sandrieu, một người Pháp tiến bộ chủ trương. Thời gian này, ông sử dụng bút danh Ngũ Yến, chiết tự từ tên và họ Nguyễn của ông.
Năm 1937, Trung ương Đảng chủ trương ra báo L’Avant Garde, do ông Hà Huy Tập chỉ đạo, ông được phân công làm thư ký tòa soạn.
Ngày 19 tháng 7 năm 1937, ông bị bắt giam cùng Nguyễn An Ninh, bị kết án 2 năm tù giam và 5 năm biệt xứ. Cho đến đầu tháng 9 năm 1939, cả hai được phóng thích. Nhưng ra khỏi tù chưa đầy một tháng thì ông bị lại và lần này, ông bị đày ra Côn Lôn.
Cuối năm 1944, một số tù chính trị được chính quyền thực dân đưa từ Côn Lôn về Bà Rá, trong số đó có ông. Nhân cuộc đảo chính 9 tháng 3 năm 1945 của người Nhật tại Đông Dương, ông cùng với một số đồng chí vượt ngục về Sài Gòn, tham gia việc chuẩn bị cướp chính quyền.
Sau Cách mạng tháng 8, ông được bầu là Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, được bầu làm đại biểu Quốc hội tỉnh Mỹ Tho khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tham gia lãnh đạo Cuộc kháng chiến tại Nam Bộ
Trong Kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng:
Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ
Ủy viên ban Tuyên huấn Xứ Ủy Nam Bộ
Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ
Giám đốc Đài phát thanh Tiếng nói Nam Bộ
Chủ bút báo Cứu quốc Nam Bộ
Ông là một trong những người lãnh đạo đọc nhiều, viết nhiều và nhanh. Ông thường xuyên viết bài cho các báo Nhân dân miền Nam, Thống nhất, tạp chí Nghiên cứu… Là Giám đốc Đài phát thanh, nhiều lúc, ông viết một lúc cả bài tiếng Việt và bài tiếng Pháp dành cho buổi phát thanh bằng tiếng Pháp.
Năm 1953, nhận quyết định điều động của Trung ương Đảng, ông ra Bắc để nhận công tác mới. Trên đường đi, khi ra đến Bình Định, ông nhiễm bệnh sốt thương hàn và mất tại đây vào ngày 25 tháng 3 năm 1953, hưởng dương 43 tuổi.
Hai mươi ngày sau, khi ông qua đời, báo Nhân dân miền Nam số ra ngày 20 tháng 4 năm 1953, đã dành một trang báo đưa tin và tiểu sử, tỏ lòng thương tiếc một tài năng lớn đã mất, trong đó có nhận định: “Đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn là một chiến sĩ cốt cán, một nhà viết báo có tài, nhà văn nghệ nhân dân".
Vinh danh
Sau khi ông mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Quyết định ngày được vào sổ số 1 ngày 1 tháng 5 năm 1957.
Tên ông được đặt cho một con đường ở Phường 8, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang và ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (trước đây là đường Nguyễn Hữu Cảnh, gần Cầu Kiệu, khu vực Tân Định ).
Ngoài ra, tên ông còn được đặt cho một quỹ khuyến học và một trường Phổ thông Trung học tại Mỹ Tho.
Trước khi làm Thư ký tòa soạn tờ L’Avant Garde, một tờ báo thuộc cánh tả, anh đã lần lượt và đồng thời viết cho các báo Mai, La Lutte, Dân Quyền, Việt Nam. Ngay khi bị giam trong khám lớn, anh cũng tìm cách gởi bài ra cho báo Đảng lúc bấy giờ đang hoạt động bán công khai.
Những bài viết của Nguyễn Văn Nguyễn đều thể hiện một phong cách riêng rõ nét. Ngay cả văn chính luận của anh cũng giàu hình ảnh. Văn anh thường phảng phất màu sắc triết lý. Anh hay đưa chuyện cổ, kim, Đông, Tây, những ví dụ dễ hiểu, gần cuộc sống, chuyện ngụ ngôn... làm cho bài văn thêm sinh động và nổi bật câu chuyện mà anh định đưa đến cho độc giả hay cho người nghe đài một cách hấp dẫn, tự nhiên...
Sau đây một trong số hàng trăm bài viết dí dỏm, nhiều tính hài hước và văn học của anh. Tiểu phẩm này được đưa ra dưới dạng hai bài viết, một nói về chuyện một con heo nặng ký, một viết về một quan phủ “mẫu phụ chi dân” nào đó, làm như bị các thợ sắp chữ sắp lộn đoạn nọ sang thành đoạn kia thành ra một bài “đầu Ngô, mình Sở” như sau:
“Một cái tin chấn động dư luận nhân dân ở quận Bình Sùng: Quan phủ yêu quý là ông Vĩnh Thọ sắp lìa quận mình đi nơi khác xa xăm. Nó bị bán ở Mỹ Tho. Chủ nó là bà Lê Thị Năm có vui lòng cho chúng tôi biết rằng, bà rất thương yêu nó, vì bà nuôi nó từ nhỏ cho đến lớn. Thông minh, học rộng, khôn ngoan, sáng sủa, ông Vĩnh Thọ đi đến đâu cũng như Phật đem nước Cam Lồ rưới khắp dân chúng những sự thi ân, bố đức. Quyền cao, lộc cả, quan phủ chẳng vì đó mà kiêu căng, rất dễ nuôi, chỉ có chuối cây xắt nhỏ, trộn với cám mì và cho vào đó chút nước. Nó cũng thích tắm bùn. Đôi khi nó trầm mình trong những vũng trâu, phơi nắng cả ngày ngoài đồng. Ngài vốn xuất thân nơi nhà trâm anh thế phiệt và sự giáo dục của gia đình. Đây là một con heo phi thường, nặng tới 310 kí lô.
Giống heo cỏ, đít lớn đầu to, con heo khổng lồ ấy, bà Lê Thị Năm mua ở điền Gò Cát. Những tác phẩm của Ngài thiên hạ vẫn còn truyền tụng. Văn chương Ngài lưu loát, và ngon nhất ở nơi thủ vĩ, không kể bộ đồ lòng, ai ăn cũng thích...
”Tiểu phẩm nói trên đăng ở báo Mai số 12, ra ngày 19 tháng 5 năm 1936, quả là đã làm “chấn động dư luận”. Anh em thợ thuyền Sở Ba Son chuyền tay nhau đọc rúc rích cười, thích thú. Các tiểu công chức cũng như sinh viên, học sinh rất hả dạ khi tên mọt nước sâu dân bị Nguyễn phang cho một chùy chết tươi. Riêng bọn cầm quyền và các “quan chức, hội tề” thì hằn học ra mặt. Nhưng báo Mai do Đào Trinh Nhất chủ trương nên bọn chúng hậm hực chưa làm gì được, và uy tín của Đào Trinh Nhất hồi đó vang dội khắp Đông Dương.
Những bài viết của anh Nguyễn trong giai đoạn 1932-1945 và sau đó từ 1946-1953 được sưu tập trong tập “Tháng Tám trời mạnh thu” của nhiều soạn giả nhưng cũng còn thiếu nhiều bài xã luận anh viết cho Đài Tiếng nói Nam bộ và nhiều tiểu phẩm, tùy bút, truyện ngắn đăng trên các báo kháng chiến đặc biệt trên tờ Cứu quốc Nam bộ.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, anh được Trung ương phân công đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng và bất kể ở chức vụ nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh đã bị giam cầm 3 lần trong nhà tù đế quốc: ở khám lớn Sài Gòn 2 năm, ở Côn Đảo 2 lần 8 năm chưa kể những lần bị giam vài ba tháng ở nhà lao Mỹ Tho, Trà Vinh. Ở đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào anh cũng lấy ngòi bút làm vũ khí đấu tranh. Anh viết kịch, viết vè, soạn bài để giảng dạy. Anh không những gây được cảm tình với các tù nhân hình sự, với những anh em Quốc gia và Quốc dân Đảng mà ngay cả những tên chúa ngục khét tiếng tàn bạo cũng phải thán phục mỗi khi anh tranh luận.
Ngày 23-9-1945, Nam bộ kháng chiến, anh được lệnh đi sang Thái Lan rồi về Hà Nội và được điều vào Quảng Ngãi phụ trách Đài Tiếng nói Nam bộ để hỗ trợ cho cuộc kháng chiến Nam bộ đang trong thời kỳ chiến đấu ác liệt.
Đầu năm 1948, anh về Nam bộ và làm Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ, anh phụ trách luôn cả báo Cứu Quốc và Đài Tiếng nói Nam bộ. Anh tiếp tục có nhiều bài viết cho Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến và cho các báo Cứu Quốc, Thống Nhất, Nhân dân miền Nam, Lá Lúa, Kinh nghiệm tuyên truyền, tạp chí Nghiên cứu chủ nghĩa Mác xít và cả một số tờ báo công khai ở Sài Gòn.
Năm 1952, Trung ương điều anh ra Việt Bắc để nhận công tác mới. Anh đi đến Chiến khu V thì bị bệnh và mất tại Bình Định vào ngày 25-3-1952.
Cuộc đời hoạt động của anh với 43 năm đầy gian khổ, hy sinh nhưng đầy ý nghĩa, kiên cường. Công lao của anh đóng góp cho cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên dương bằng một Huân chương Độc lập hạng Nhất vào sổ số 1 ngày 1-5-1957.
của Hội Nhà báo Việt Nam 7- 1996)
Share on Facebook 0 người thích - Thích