Số người đang online : 13 Nguyễn Hữu Chỉnh - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Nguyễn Hữu Chỉnh
post image
Nguyễn Hữu Chỉnh

Nguyễn Hữu Chỉnh (… - Đinh Mùi 1787)

Danh tướng cuối đời Hậu Lê, quê làng Cổ Đan, xã Đông Hải, huyện Chân Phúc, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Nghệ An), con nhà phú thương Nguyễn Mẫn.

Năm 16 tuổi đỗ Hương cống, 18 tuổi thi đỗ Tam trường, ông có cơ trí và có tài biện bác, giỏi văn thơ. Trước theo Hoàng Ngũ Phúc đánh chúa Nguyễn ở Thuận Hóa. Khi Hoàng Ngũ Phúc mất, ông dựa vào Hoàng Đình Bảo, lúc kêu binh nổi lên giết Hoàng Đình Bảo, ông chạy vào Nghệ An, rồi theo Tây Sơn đánh chúa Trịnh. Nhưng Tây Sơn không tin ông, chẳng bao lâu ông lại dựa vào vua Lê, đánh dẹp nhóm Trịnh Bồng, được phong làm Đại Tư Đồ, giữ việc quân quốc trọng yếu, tước Bằng Trung Công, rồi thăng Bằng Quận Công.

Có thế lực, ông xin vua Lê đòi Tây Sơn trả đất Nghệ An, và xúi giục Nguyễn Văn Duệ chống lại Tây Sơn.

Khoảng cuối năm Đinh Mùi 1787, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm đánh bắt ông, rồi giết đi bằng cực hình bốn ngựa phân thây.

Nguyễn Hữu Chỉnh (?-1787) là tướng thời Lê trung hưng và Tây Sơn, một nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tới lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 18. Ông là người huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, Trấn Nghệ An nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, Việt Nam.


Báo thù cho chủ

Nguyễn Hữu Chỉnh thi đỗ Hương cống lúc mới 16 tuổi, nên còn gọi là Cống Chỉnh. Chỉnh dung mạo tuấn tú lại có tài ứng đối, lên 9 tuổi đã ứng khẩu làm được bài thơ "Vịnh cái pháo". Ông nổi tiếng ở kinh kỳ là người có tài ứng đối chữ nghĩa. Về võ, ông thi đỗ Tam trường.

Sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chép: "Hữu Chỉnh, lúc trẻ tuổi đỗ hương tiến, là người hào phóng không bó buộc vào khuôn phép. Du lịch kinh sư, Hữu Chỉnh vào yết kiến Hoàng Ngũ Phúc. Ngũ Phúc khen là có tài khác thường, dùng làm gia khách. Khi Ngũ Phúc vào xâm lấn trong Nam, cho Hữu Chỉnh đi theo quân thứ, giữ công việc thư kí, rồi sai đến Tây Sơn khuyên Văn Nhạc (tức Nguyễn Nhạc) quy thuận với triều đình, được Văn Nhạc kính trọng".

Nguyễn Hữu Chỉnh từng làm thuộc hạ của quận Việp Hoàng Ngũ Phúc ở Đàng Ngoài. Sau khi quận Việp mất, ông tiếp tục làm thủ hạ cho cháu quận Việp là quận Huy Hoàng Đình Bảo, người được giao làm phụ chính cho Điện Đô vương Trịnh Cán, con nhỏ của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm lên ngôi lúc mới 5 tuổi.

Năm 1782, phe người con lớn của Trịnh Sâm là Trịnh Tông làm binh biến lật đổ Trịnh Cán, giết Hoàng Đình Bảo.

Nguyễn Hữu Chỉnh không hợp tác với Trịnh Tông, bỏ trốn vào Nam theo Tây Sơn và được vua Thái Đức Nguyễn Nhạc rất tín nhiệm.

Năm 1786, nhân có người bạn ở Phú Xuân vào chơi, Nguyễn Hữu Chỉnh hỏi dò tình hình Thuận Hóa bấy giờ đã thuộc về chúa Trịnh. Biết quân Trịnh chểnh mảng, ông hiến kế cho vua Thái Đức đánh ra Phú Xuân. Vua Thái Đức nghe theo, sai Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cùng Nguyễn Hữu Chỉnh mang quân bắc tiến.

Hữu Chỉnh lập kế ly gián giữa chủ tướng thành Phú Xuân là Phạm Ngô Cầu và phó tướng là Hoàng Đình Thể. Chỉnh vờ viết thư dụ hàng phó tướng Hoàng Đình Thể, nhưng lại cố ý gửi nhầm cho Cầu khiến Cầu nghi Thể và có ý hàng Tây Sơn. Quả nhiên khi quân Tây Sơn tập kích thành Phú Xuân, Cầu bỏ mặc Thể đánh nhau với quân Tây Sơn, không tiếp ứng. Thể chết trận, Cầu đầu hàng quân Tây Sơn nhưng cũng bị giết.

Trong lúc khí thế quân Tây Sơn đang hăng, Nguyễn Hữu Chỉnh hiến kế cho Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc Hà diệt chúa Trịnh, lấy danh nghĩa "phù Lê". Nguyễn Huệ nghe theo, bèn để Nguyễn Lữ ở lại, còn mình cùng Chỉnh mang quân bắc tiến. Chỉnh làm tiên phong đi thẳng ra tập kích Vị Hoàng, đại quân Tây Sơn đánh như gió cuốn ra bắc. Quân Trịnh rệu rã thua trận, tan vỡ chạy. Chỉ sau 1 tháng, quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long, Trịnh Tông bỏ chạy không thoát bèn tự sát.

Sau khi Nguyễn Huệ yết kiến vua Lê Hiển Tông, Nguyễn Hữu Chỉnh lại sắp đặt Nguyễn Huệ lấy công chúa Lê Ngọc Hân, con gái thứ của vua Lê. Tại kinh kỳ, phe cánh họ Trịnh còn đông, nhiều người nói Hữu Chỉnh rước Tây Sơn ra để trả thù cho chủ.
Anh hùng thời loạn
Dẹp Án Đô vương

Vua Thái Đức không muốn Nguyễn Huệ đánh ra Bắc Hà nên thân hành ra bắc gọi em về. Anh em vua Tây Sơn biết Nguyễn Hữu Chỉnh là người dễ thay lòng đổi dạ nên không muốn dung nạp, lập kế đột ngột rút quân về nam. Nguyễn Hữu Chỉnh biết người ở Bắc Hà ghét mình (vì dẫn đường cho quân Tây Sơn), sợ bị họ giết nên khi phát hiện quân Tây Sơn rút đi, ông vội vã chạy theo. Nguyễn Huệ thấy vậy liền sai ông trấn thủ Nghệ An là đất giáp ranh giữa Tây Sơn và đất nhà Lê.

Ở Bắc Hà sau khi Tây Sơn rút, các tướng ủng hộ họ Trịnh như Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ, Dương Trọng Tế nổi dậy, dựng Trịnh Bồng làm chúa mới, tức là Án Đô vương, lại lấn át vua Lê mới là Chiêu Thống (cháu nội Hiển Tông).

Vua Lê nghe theo lời các văn thần, liền sai người vào Nghệ An mời Nguyễn Hữu Chỉnh dẹp họ Trịnh. Được danh chính là lời gọi của vua Lê, ông chiêu tập hơn 1 vạn quân, bắc tiến như chẻ tre. Quân Trịnh do Lê Trung Nghĩa, Phan Huy Ích được cử đi đánh bị bại, Nghĩa bị giết, Ích bị Chỉnh bắt sống. Sau đó quân Chỉnh đánh thốc ra Thăng Long, các tướng Trịnh thua trận bỏ chạy, Án Đô vương Trịnh Bồng bỏ đi mất tích. Chiêu Thống sai đốt phủ chúa. Họ Trịnh từ đó không quay lại ngôi vị được nữa.

Dẹp được chúa Trịnh, Nguyễn Hữu Chỉnh được vua Chiêu Thống phong là Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Ðại Tư Ðồ, Bằng Trung công.

Các tướng họ Trịnh cũ vẫn hoạt động chống lại nhà Lê. Nguyễn Hữu Chỉnh một tay đánh dẹp lần lượt đánh bại và giết cả Đinh Tích Nhưỡng, Dương Trọng Tế và Hoàng Phùng Cơ. Cả Bắc Hà khi đó không còn đối thủ, Nguyễn Hữu Chỉnh cậy quyền thế lại coi thường lấn át vua Lê.
Chim bằng gãy cánh

Sau đó, biết tin anh em Tây Sơn bất hoà, Hữu Chỉnh có ý chống đối lại Tây Sơn, mưu lập thế lực riêng như chúa Trịnh trước đây. Muốn mở rộng ảnh hưởng vào Nam, Nguyễn Hữu Chỉnh thông đồng với Nguyễn Duệ chiếm đất Nghệ An, sửa lũy Hoành Sơn, lấy Linh Giang (tức sông Gianh) làm giới hạn với Thuận Hóa. Tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm (con rể Nguyễn Nhạc) hay được, bèn gửi thư cáo biến với Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Vì vậy ý định của Hữu Chỉnh không thành. Từ khi đó, Văn Nhậm là người được cử ra Nghệ An để tăng cường lực lượng của Tây Sơn.

Nguyễn Hữu Chỉnh lại sai Trần Công Xán vào Nam đòi Tây Sơn đất Nghệ An do Nguyễn Văn Duệ, Vũ Văn Dũng đang trấn thủ. Vì thế, Nguyễn Huệ cử Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân mang quân ra Nghệ An, hợp sức cùng Vũ Văn Nhậm tiến ra Bắc đánh Nguyễn Hữu Chỉnh.

Cuối năm 1787, quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy tiến ra bắc. Hữu Chỉnh có phần chủ quan, bị Vũ Văn Nhậm đánh bại nhanh chóng. Tháng 11, Vũ Văn Nhậm đánh ra Thanh Hóa. Nguyễn Hữu Chỉnh vẫn sợ Vũ Văn Nhậm, và vì vợ con ông còn ở lại bên Tây Sơn, nên muốn liệu chiều để đi đến chỗ nghị hòa, nhưng còn do dự, chưa quyết định.

Ông mang 3 vạn quân đi chống cự ở sông Thanh Quyết, lại sai Nguyễn Hữu Du đem hơn 50 chiếc chiến thuyền chở hết các chiến cụ như đại pháo và hỏa khí đỗ ở cửa sông đối diện với quân Tây Sơn một con sông. Hữu Du không hề lo phòng bị. Ban đêm, quân Tây Sơn, ngầm bơi sang, dùng thừng chão dài buộc thuyền của Hữu Du kéo qua bờ phía nam. Quân Bắc Hà sợ hãi chạy trốn. Bao nhiêu đại pháo trong thuyền đều lọt vào tay quân Tây Sơn.

Quân Bắc Hà thua chạy. Nguyễn Hữu Chỉnh nửa đêm trốn từ Thanh Quyết về Thăng Long, thu gom được vài ngàn quân, hộ tống Lê Chiêu Thống chạy sang Kinh Bắc. Nhưng trấn thủ Nguyễn Cảnh Thước hàng Tây Sơn, không đón rước vua Lê nên ông phải mang Chiêu Thống qua đò sông Đáy chạy đi huyện Yên Dũng (Bắc Giang).

Khi Chiêu Thống và Hữu Chỉnh đến Mục Sơn thì quân Tây Sơn đuổi kịp. Bộ tướng của Vũ Văn Nhậm là Nguyễn Văn Hòa chia quân đánh mặt trước, rồi bí mật điều một cánh quân vòng phía sau núi đánh úp. Quân Hữu Chỉnh rối loạn, tự tan vỡ. Hữu Chỉnh thua chạy, vì ngựa què nên bị quân Tây Sơn bắt được.

Nguyễn Văn Hòa đưa Nguyễn Hữu Chỉnh về Thăng Long. Vũ Văn Nhậm kể tội ông là bất trung rồi sai xé xác ông ở cửa thành.

"Loạn thế xuất anh hùng", thời đại loạn lạc đã sản sinh Nguyễn Hữu Chỉnh, và đến lượt mình, Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đã kịp để lại dấu ấn đậm trên gương mặt thời đại.

Mô hình nhân cách mà Nguyễn Hữu Chỉnh tự thể hiện, tự bộc lộ bằng chính cuộc đời mình, đó là kiểu con người vượt thoát ra ngoài sự ràng buộc của những tiêu chí thông thường, con người hành động với khát vọng tìm kiếm mọi con đường giải phóng năng lực và tham vọng của mình - con người tự do.

Chung cục không may mắn của cánh chim bằng giữa trời loạn này không có nghĩa là sự lựa chọn ấy sai lầm, mà chỉ có nghĩa là tầm cỡ tài năng ấy chưa đủ cho một sự lựa chọn như vậy mà thôi.
Tác phẩm

Ông là tác giả tập thơ Nôm Cung Oán Thi, mấy bài phú Nôm như Quách Tử Nghi Phú, Trương Lưu Hầu Phú và tập thơ Ngôn Ẩn Thi Tập bằng chữ Hán.

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành
купить диплом магистра