Số người đang online : 18 Điện Biên: Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao Quần chẹt - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Điện Biên: Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao Quần chẹt
post image
Điện Biên: Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao Quần chẹt

Lễ Tủ Cải thường được tổ chức sau thu hoạch vụ mùa vào cuối năm cũ hay đầu năm mới là thời gian nông nhàn. Lễ không diễn ra theo thời gian nhất định mà phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình.

Theo nghĩa Nôm Dao, Tủ là báo cáo, Cải là đặt tên, Tủ Cải tức là lễ báo cáo với các thần linh, tổ tiên về việc đặt tên thứ hai (tên âm) cho người con trai trong dòng tộc, bởi khi cúng lễ xưng tên với tổ tiên họ kiêng dùng tên thật.

Tủ Cải là lễ quan trọng nhất trong tập tục vòng đời người con trai Dao, đánh dấu sự trưởng thành như lễ thành đinh của người Kinh trong xã hội cổ truyền. Đồng bào quan niệm ai đã thụ lễ mới được coi là người đủ tư cách làm các công việc trong dòng tộc, cộng đồng và tất cả những người làm thầy mo đều phải trải qua nghi lễ này.Thường bé trai từ 8 tuổi trở lên, khi điều kiện kinh tế gia đình cho phép đều được làm lễ Tủ Cải.

Trước ngày diễn ra lễ từ 10 đến 15, gia chủ chuẩn bị các lễ vật, thực phẩm tùy theo nhu cầu, quy mô lễ lớn, nhỏ đồng thời mang lễ vật đến mời các thầy cúng có uy tín trong bản chọn ngày lành tháng tốt và tổ chức lễ.

Trước khi tổ chức lễ một ngày, các thầy cúng, họ hàng thân tộc đã có mặt đầy đủ. Thầy cả phân công các thầy cúng, những người giúp việc, họ hàng, dân bản cùng dựng đàn lễ trong nhà (nơi ngự của tổ tiên), đàn lễ ngoài trời (nơi ngự của các thần linh), dán sớ điệp và viết sớ báo cáo để trình báo với tổ tiên, thần linh.

Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, lễ Tủ Cải bắt đầu được tổ chức. Trong vòng từ 2 đến 4 ngày đêm, tất cả mọi người dự lễ đều cùng ăn chay. Lễ Tủ Cải tổ chức lớn trong vùng gồm 7 ông thầy cúng với quyền hạn và nhiệm vụ khác nhau. Thầy cả và thầy hai là linh hồn và là người điều khiển chính trong các lễ thức. Các thầy đọc thông viết thạo chữ Nôm Dao thuộc các quyển sách cúng, các bài diễn ca hay các bài tế các vị thánh thần.

Mở đầu, thầy cả đọc lời tuyên bố lý do tổ chức lễ Tủ Cải. Nội dung nghi lễ này thầy cả đề cập đến lịch sử người Dao, ai là con trai cũng phải làm cái lý này và xướng tên những người sẽ được thụ lễ. Tiến trình lễ diễn ra qua nhiều lễ thức khác nhau như: Lễ nhập tổ tiên, lễ báo cáo với các vị thần linh, lễ khai đàn, lễ đặt tên âm, mời tổ tiên trong đàn lễ nghe báo cáo, nghi thức cầu xin tổ tiên phù hộ cho gia đình người được thụ lễ (sư mới) làm ăn phát đạt, lễ quá tăng, nghi lễ thụ đèn, lễ cấp âm binh, nghi lễ cấp cầu, lễ cấp bằng sắc, lễ cấp đạo sắc, lễ thăm thiên đình, lễ tạ Thánh, lễ trình diện Ngọc Hoàng, nghi lễ ngã đàn hóa kiếp, nghi lễ cúng Ngọc Hoàng, Thần Nông, lễ tiễn Bàn Vương, nghi lễ tạ ơn và tiễn đưa tổ tiên.

Diễn trình lễ đặc biệt sinh động ở phần những người giúp việc nhập vai tổ tiên, thần linh về nghe báo cáo, nhảy múa, ăn cỗ sum vầy cùng con cháu và chia tay bịn rịn lưu luyến không muốn rời khi phải về trời. Hay cảnh ma ngoài rừng vào phá lễ, bị bắt nhốt và phần kết được thả ra nhảy múa vui mừng. Lễ thành công khiến cho người ta có thể tưởng tượng quanh ta luôn tồn tại song hành một thế giới vô hình bên thế giới thực tại với nền tảng là lấy cội nguồn tiên tổ, thần linh làm điểm tựa vững chắc đểvươn tới tương lai tươi sáng.

Trong phần lễ xen lẫn hội, phối hợp nhịp nhàng và có mối quan hệ khăng khít với nhau, tạo nên không khí linh thiêng mà ấm áp tình người, tràn đầy sự hứng khởi. Lời khấn cầu, những lời răn dạy của tổ tiên, thần linh thông qua các thầy cúng tới sư mới hòa trong âm thanh phụ họa của tiếng chiêng, tiếng trống không ngoài mục đích để tính thiêng của cõi tâm linh thâm nhập vào cõi trần gian. Tất cả được diễn ra sinh động theo một quy trình khá lôgic từ khâu chuẩn bị đến việc tiến hành các nghi lễ. Các lễ thức và cách trình diễn, bày tỏ tình cảm ước nguyện của mình với tổ tiên thông qua các thầy cúng và người giúp việc.

Các lễ thức diễn trình theo quy định kéo dài cho đến ngày cuối cùng của buổi lễ vừa mang ý nghĩa giáo huấn vừa mang màu sắc tâm linh huyền ảo, đồng thời phản ánh những ước mơ, khát vọng của con người lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn tâm, dưỡng đức.

Lễ thức quan trọng nhất trong lễ Tủ Cải là thầy cả cấp cho người được thụ lễ một bản đạo sắc viết bằng chữ Nôm Dao, ghi về lý lịch của sư mới, nguyên do thụ lễ và các điều răn dạy. Đạo sắc được coi là bằng chứng để sư mới được phép thực hiện các nghi lễ trong xã hội người Dao. Tên của chàng trai được ghi trong gia phả, sử dụng khi cúng lễ và lúc qua đời con cháu sẽ cúng theo tên âm này.

Kết thúc các nghi lễ, thầy thư ký đọc tổng kết báo cáo trước đàn lễ tổ tiên, báo cáo kết quả thành công của lễ, tạ ơn tổ tiên, thần linh, thỉnh cầu cho sư mới những điều tốt đẹp. Cuối cùng gia chủ cám ơn và mời mọi người dự bữa cơm đoàn kết, cùng nâng cốc chúc mừng sư mới.

Trải qua bao biến thiên lịch sử cùng, lễ Tủ Cải của đồng bào đến nay vẫn giữ được bản sắc riêng luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng. Lễ có tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây đắp nên sự gắn kết cộng đồng, bảo tồn những tinh hoa văn hóa dân tộc.

Theo SVHTTDLDienBien

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành