Số người đang online : 64 Bắc Giang: Hội đình Thái Đào - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Bắc Giang: Hội đình Thái Đào
post image
Bắc Giang: Hội đình Thái Đào

Thái Đào, xưa là một xã của tổng Thái Đào, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang gồm 5 thôn: Chùa, Gia, Ghép, Mỹ, Then. Nay Thái Đào thuộc huyện Lạng Giang. Hội của xã Thái Đào được mở vào mồng 9, mồng 10 tháng Giêng âm lịch. Đó là ngày hội chính, cũng là hội xuân. Trong năm, Thái Đào còn hai sự lệ nữa vào ngày 15 tháng 5 gọi là ngày Giỗ Thánh và ngày 23 tháng chạp âm lịch, gọi là ngày “ cắt keo”.

Hội xuân của Thái Đào được tổ chức ở khu đình, đền, chùa Thái Đào. Chùa Thái Đào xưa kia là một ngôi chùa lớn, có tên chữ là Long Quang Tự ( chùa Long Quang ).Xã Thái Đào xưa có 5 thôn, chia làm 5 giáp gọi là giáp Đông, giáp Tây, giáp Nam, giáp Bắc và giáp Ghép. Các giáp này bao gồm các họ: Nguyễn, Lê, Hà…trong đó họ Hà là to nhất. Giáp Ghép tuy chung đình với các giáp khác nhưng lại riêng chùa.

Theo lệ thì cứ vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch năm trước dân xã Thái Đào làm lễ cỗ xôi, con gà, hoa, quả, trầu, cau, rượu, nước lên đình làm lễ “ cắt keo” để xin chủ tế. Lễ “ cắt keo” có đủ cả năm thôn, lần lượt từng thôn lên lễ. Qua tết âm lịch, dân xã cho chuẩn bị vào hội từ ngày mồng 6 tháng giêng. Trong ngày này, bãi hội trước đình được bố trí định đặt các điểm tổ chức trò chơi chư vật, đu, cờ người, cờ tướng, cướp cầu…Đồng thời chủ tế cùng dân làng lên đình làm lễ xin đài cho rước kiệu, về đóng kiệu thờ tại xóm thôn của mình, đến ngày mồng chín tháng Giêng thì rước lên. Giáp đương cai tổ chức rước kiệu thánh cùng các đồ nghi trượng… từ làng xóm mình lên đình, chùa. Từ đây các quan viên, các giáp khác sẽ hợp cùng giáp cai rước kiệu lên thôn Ghép để ra giếng Chằm La lấy nước vào chéo sư đem về thờ ở đình. Đình Thái Đào nằm trên trục đường cổ nên khi rước, đám rước của dân thôn được người thập phương đến dự rất đông. Kết thúc cuộc rước, kiệu được đóng tại sân đình. Làng sẽ tổ chức tế lễ ở thánh cung. Việc tế lễ do chủ tế cùng các viên bồi tế chịu trách nhiệm. Trong ngày này, có lệ thi cỗ. Cỗ thi do các gia đình làm rồi đem lên lễ đình để thi. Các quan viên tổ chức chấm cỗ. Cỗ thi ở hội Thái Đào có các món: Xôi, thịt, giò, chả, măng, miến, bánh chưng, bánh dày, bánh xu xuê, bánh dợm, bánh gai, chè lam, chè đường, chè con ong…tất cả các món ấy đều được sắp đặt lên mâm đồng, hai, ba tầng sao cho thật đẹp, thật ngon thì mới được giải. Cỗ ngon, giải nhất dành để mâm trên cho các cụ thượng xơi, còn các cỗ khác dù được giải hay không cũng đều để lại đình bày lễ nhà thánh cho sang trọng. Tế lễ xong thì làng cho ngả cỗ để mọi người thụ lộc thánh. Mỗi cỗ đóng 4 người một mâm tại đình. Các cụ tuổi từ 100 trở lên thì được mỗi người một cỗ. Nếu không thụ hết thì mới lấy phần cho con cháu ở nhà.

Sau cuộc tế, buổi chiều mồng 9 tháng Giêng, quan chủ tế làm lễ cầu ở đình. Quả cầu bằng gỗ to, có đường kính khoảng 50 – 60 cm. Ngày thường cầu được cất trong hậu cung, đến ngày mồng 6 tháng Giêng đem ra dán giấy đỏ kín quả cầu rồi mang ra thờ ở đình. Sau khi tế cầu, xin cho dân mở hội cướp cầu. Ông chủ tế bưng quả cầu ra bãi hội trước sân đình. Giai của các giáp chia làm hai phe, mỗi phe đứng một bên sân. Cuối sân có lỗ đất lớn để khi cướp thì quả cầu vào gôn nhau, bên nào bị bỏ vào gôn là thua. Ông chủ tế đội mũ phốc đầu, mặc áo thụng, mang quả cầu lên rồi nói rằng:

“ Bớ các giai làng, đầu xuân năm mới, dân mở hội gieo cầu cho lúa tốt khoai to, cho vụ mùa thắng lợi, nào các giai hãy vào cướp cầu”.

Nói xong ông chủ tế gieo quả cầu xuống đất, hai bên xô nhau vào tranh cầu. Quả cầu cứ chuyển từ tay người này sang tay người khác không kịp rơi xuống đất. Người ta chen nhau huỳnh huỵnh trên sân cầu. Trống thúc tùng tùng lúc mau lúc chậm. Tiếng chiêng, tiếng cồng hoà theo, cho đến khi có một bên thắng, nhưng thường là hoà.

Sau cuộc cướp cầu, làng mở hội vật, chọi gà, hát trò. Hội kéo dài cho đến hết ngày mồng 10 thì giã hội.

 

Theo Bacgiang.gov.vn

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành