Số người đang online : 59 ĐÌNH BÌNH THUỶ - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐÌNH BÌNH THUỶ
post image
ĐÌNH BÌNH THUỶ

Đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết...

ĐÌNH BÌNH THUỶ



 

1. Tên di tích:  Đình Bình Thủy
2. Loại công trình: Đình
3. Loại di tích: Di tích kiến trúc nghệ thuật
4. Quyết định: Đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 1570-VH/QĐ, ngày 05 tháng 09 năm 1989
5. Địa chỉ di tích:  phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ
6. Tóm lược thông tin về di tích:
         Đình Bình Thủy tọa lạc tại phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Đình nằm sát với khu cư dân được bao quanh bởi hàng rào tứ giác: Mặt Bắc cách bờ sông Hậu khoảng 200 m, mặt Đông là bờ con rạch Bình Thủy, còn mặt Nam sát đường Lê Hồng Phong. Từ trung tâm thành phố Cần Thơ đi theo đường Nguyễn Trãi 5 km là tới đình Bình Thủy.
         Đình được dựng vào năm Giáp Thìn (1844), nguyên thủy thờ Thành hoàng của làng Bình Hưng, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang. Ban đầu, nhân dân trong làng lập ngôi đình bằng tre, gỗ, lợp lá để cầu nguyện thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hoà để giúp bà con luôn được an lành. Năm 1853,  nhân dân địa phương đã cùng nhau cất lại đình. Lần này đình được lợp ngói phía trước để xây thêm một nhà võ ca (thường dùng để làm Nhà hát bộ, trong đó có một sân khấu nhỏ, thấp, bằng gỗ để cho các đoàn hát đến biểu diễn cho bà con thưởng ngoạn). Theo cuốn "Cần Thơ xưa và nay" của tác giả Huỳnh Minh thì đình này còn thờ Trầm Hương công chúa và Huệ Cơ công chúa nhưng cũng không có sự tích. Sau này nhân dân còn đưa thêm những người có công với nước vào thờ như: Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Huy Tập...Đến năm 1909, đình Bình Thuỷ được xây lại mới hoàn toàn và  năm 1910 thì hoàn thành.
          Đình Bình Thủy thuộc loại di tích kiến trúc tôn giáo và công trình nghệ thuật độc đáo. Nay đình nằm trên khoảnh đất rộng hơn 4000 m². Đình được cất trên một nền cao ráo và có chiều sâu, nhà trước và nhà sau đều là hình vuông nên chiều nào cũng có 6 hàng cột, các chân cột đều choãi ra làm cho đình càng thêm vững chắc.
Về trang trí ngoại thất, nhìn trên nóc đình nhà trước hai mái chồng lên nhau, nhà chánh điện sau 3 mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc "thượng lầu hạ hiên". Trên nóc đình có gắn tượng hình người, hình kỳ lân, hình cá hóa rồng. Nhìn sang bên trái nóc đình có mảng trang trí bằng xi măng, giữa là quyển thư, bên cạnh đó là giỏ lam đào và bình hoa. Ở bìa mái ngói dưới cùng có ốp lá xoài màu xanh đen và ống ngói cũng được bịt lại bằng sành tráng men xanh. Mặt trước nhà là các cột xi măng trang trí các hình hoa lá đắp nổi thật tinh tế.
          Trong đình, các bàn thờ được bố trí như sau: Tại tòa tiền đường có bàn thờ Nghi Hạ, Nghi Trung đặt ở gian giữa. Nơi nhà vuông nhỏ đặt bàn thờ Nghi Thượng dùng làm lễ chính của các ngày lễ hội.
Ở tòa chính điện, chính giữa nhà là bàn thờ chính, bên trái sát vách phía ngoài là bàn thờ Hương chức Tiên Giác, phía trong là bàn thờ Hậu tiền. Đối diện ở sát vách bên phải là bàn thờ chức sắc Tiên Giác và bàn thờ Tiền Hiền. Sát vách trong cùng ở gian giữa có bàn thờ Hậu thần, hai bên là hai bàn thờ Hữu Bang và Tả Bang.
Bên ngoài đình có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước.
           Đình Bình thủy là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Tuy được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, nhưng kiến trúc của đình còn giữ được nhiều yếu tố kiến trúc truyền thống của dân tộc. Đình còn giữ được những mảng chạm, những họa tiết trang trí gần gũi với nghệ thuật dân tộc. Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở nơi đây hết sức tinh tế và sinh động. Tiềm ẩn dưới mái đình này không chỉ là lịch sử truyền thống cội nguồn của một làng cổ Nam Bộ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung.
          Cùng với những sinh hoạt văn hóa khác, đình Bình Thủy đã tạo nên một bản sắc riêng của ngôi đình làng ở một vùng đất mới khai phá năm xưa. Nay Đình Bình Thủy vẫn được giữ gìn, trùng tu và bảo vệ tốt.




0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành