Số người đang online : 31 CHÙA NGỌA VÂN - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

CHÙA NGỌA VÂN
post image
CHÙA NGỌA VÂN

Đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo quyết định...

CHÙA NGỌA VÂN


1. Tên di tích: 
Chùa Ngọa Vân
2. Loại công trình: Chùa
3. Loại di tích: Di tích lịch sử
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo quyết định 55/2006/QĐ-BVHTT ngày 29 tháng 05 năm 2006
5. Địa chỉ di tích: xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
6. Tóm lược thông tin về di tích
    Chùa Ngọa Vân (Ngọa Vân tự) - “chùa nằm trên mây” tọa trên ngọn núi Bảo Đài, dãy Yên Tử thuộc vòng cung Đông Triều trên địa phận thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Đi qua thôn Tây sơn ven theo hướng núi về phía tây bắc chừng 4 km, ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, cụm di tích kiến trúc chùa Ngọa Vân nằm trên một địa thế rất đẹp cả về phương diện cảnh quan và phương diện phong thủy. Lưng tựa vào núi là đỉnh Ngọa Vân bốn mùa mây phủ, có hai dãy núi ôm vòng hai bên làm tay ngai, phía trước có ngọn núi nhỏ chắn làm án, xa hơn về phía nam là thung lũng lớn với dòng sông Cầm uốn lượn mềm mại. Với vị thế ở hình thế phong thủy “tả thanh long, hữu bạch hổ, sau có chẩm, trước có án, xa hơn là trường lưu thủy”, chùa Ngọa Vân quả là một nơi đắc địa, có thể ví như núi Linh Thíu ở Ấn Độ, nơi Phật Thích Ca đắc đạo vậy. Cùng với sự biến thiên của lịch sử, tuy hiện nay các công trình cũ của chùa Ngọa Vân đã bị tàn phá nghiêm trọng nhưng tên tuổi của nó đã gắn bó sâu sắc với cuộc đời và qúa trình tu hành của đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm.
Theo các tư liệu lịch sử thì ngay từ buổi đầu giành và củng cố quyền lực đất nước, triều Trần đã dựa vào Phật giáo, lấy Yên Tử làm cơ sở của mình. Trong thời gian tu khổ hạnh ở núi Yên Tử, Trần Nhân Tông đã chọn am Ngọa Vân trên ngọn núi Bảo Đài của dãy Yên Tử làm nơi tĩnh thiền và cũng là nơi ông trút hơi thở cuối cùng để nhập cõi Niết bàn. Sau khi đệ nhất tổ Trúc Lâm qua đời, các thế hệ sau đã xây dựng lại am Ngọa Vân để thờ cúng Ngài, đồng thời cũng xây dựng chùa và các công trình kiến trúc tôn giáo khác để thờ Phật và thực hiện việc hành đạo.
Khảo sát thực địa khu di tích Ngọa Vân, tìm hiểu văn bia và các tài liệu thư tịch cổ ta thấy am và chùa Ngọa Vân đều được xây dựng vào thời Trần, thời hậu Lê được tôn tạo với quy mô lớn hơn. Theo dấu tích kiến trúc còn lại ở đây thì chùa Ngọa Vân xây dựng thời Trần có quy mô nhỏ, quay hướng Tây Nam. Thời Lê sơ do sự phát triển mạnh của Nho giáo, chùa không được quan tâm nên xuống cấp nghiêm trọng. sang thời Lê Trung Hưng, Phật giáo trở lại hưng thịnh, chùa chiền, am tháp được quý tộc quan tâm hỗ trợ nên chùa Ngọa Vân được các nhà sư đứng ra tu tạo khang trang. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm Đinh Hợi ( 1707) niên hiệu Vĩnh thịnh 9 hiện còn bia đá ghi nhận. Thời kì chống Pháp, nơi đây trở thành căn cứ hoạt động bí mật của du kích huyện Đông Triều và quân Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Khi thực dân Pháp phát hiện chúng đã đánh phá hư hỏng nặng và đổ nát. Năm 2002 chùa mới được khôi phục lại như hiện nay.
Chùa Ngọa Vân được bố trí thành 03 lớp.
Lớp cao nhất: Trên cùng là am Ngọa Vân, kiến trúc chữ Nhất. Trong am có bệ thờ, trên đặt tượng đồng đại sĩ Trần Nhân Tông trong tư thế nhập Niết bàn và tượng nhà sư Bảo Sái ngồi chầu.
Lớp thứ hai: Cách chùa Ngọa Vân về phía tây nam chừng 200m ở độ cao thấp hơn sân chùa hiện tại khoảng 30m có một mặt bằng lớn chừng 1.000m2 (chiều đông - tây 50m, chiều bắc - nam 20m) có một kiến trúc đã mất phần mái chỉ còn 4 bức tường có trổ cửa sổ nhỏ, trên cửa còn đọc được chữ Hán “Ngọa Vân tự”. Trên mặt bằng khu vực này còn xuất lộ nhiều dấu vết kiến trúc có niên đại sớm hơn như những hàng đá xây bó vỉa theo chiều đông - tây; những lớp móng nền đầm gạch và ngói vụn hình ngói mũi lá và ngói mũi hài, gạch các thời Trần, Lê sơ, nhiều tảng đá kế chân cột.
Lớp dưới cùng trên đường lên am Ngọa Vân, qua khu vực Đá Chồng còn dấu tích một quần thể kiến trúc gồm 1 ngôi tháp đá đã bị đổ, cửa quay hướng nam (đặc trưng của cấu kiện đá này tương đồng với hai ngôi tháp ở chùa Ngọa Vân).
Cách tháp đá này 20m là một dấu tích kiến trúc chữ “nhị”, ở hai cấp nền chênh nhau 1,5m, diện tích rộng 30 m2 có 4 hàng cột với  6 vì 5 gian, trên nền còn những chân tảng đá khá nguyên vẹn và vô số ngói mũi hài thời Lê.
     Với vị trí quan trọng và giá trị lịch sử- văn hóa to lớn như vậy, chùa Ngọa Vân xứng đáng và đang nhận được sự quan tâm của nhân dân cả nước để nơi cõi Phật linh thiêng này mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước.

 














 
 
 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành