Số người đang online : 15 CHÙA KHÁNH LONG - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

CHÙA KHÁNH LONG
post image
CHÙA KHÁNH LONG

CHÙA KHÁNH LONG


1. Tên di tích: Chùa Khánh Long
2. Loại công trình: Chùa
3. Loại di tích: Di tích kiến trúc nghệ thuật
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 04/2001-BVHTT ngày 19 tháng 01 năm 2001  
  
5. Địa chỉ di tích: xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ
6. Tóm lược thông tin về di tích
Chùa Khánh Long tọa lạc trên một quả đồi tròn hình bát úp xung quanh là cánh đồng ngô lúa quanh năm tươi tốt. Chùa được bao bọc bởi một số cây cổ thụ. Đây là di tích kiến trúc tôn giáo với chức năng thờ phật theo dòng Thiền Đại Thừa Việt Nam.
Chùa Khánh Long được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XVIII, do ba dòng họ Trần, họ Dương, họ Hà dựng nên. Chùa được dựng lên bằng tre nứa, lợp lá cọ, làm nơi thờ Phật của làng. Khi đời sống nhân dân đầy đủ no ấm, chùa được trùng tu theo kiểu kiến trúc chữ khẩu, mái chùa được lợp bằng ngói mũi hái vào thời nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX. Năm 1948, khi thực dân Pháp tấn công lên Phú Thọ, chúng càn quét làng Long Ân, đập phá chùa Long Khánh. Liên tiếp từ những năm 50 đến những năm 90 chùa được các cấp chính quyền và nhân dân quan tâm, đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo lại Tam quan, nhà tổ, nhà tăng, tiền đường và làm nhà khách.
Ban đầu, chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ khẩu, về sau chỉ còn lại ngôi chùa chính được tu bổ theo kiểu kiến trúc chữ nhất.
Chùa chính là một tòa nhà 5 gian dài 13,85m, rộng 9,5m, hai mái lợp ngói mũi hái, tường xây đá ong là loại vật liệu xây dựng của những công trình kiến trúc tôn giáo ở vùng trung du(thế kỷ XIX). Mở 3 cửa chính ở 3 gian giữa, mỗi cửa 4 cánh làm bằng gỗ lim chắc khỏe, nền chùa được lát bằng gạch bát đỏ.
Trong chùa được kết cấu kiến trúc 4 hàng chân cột gỗ, tổng số là 24 cái cột làm bằng gỗ lim kê trên đá xanh để chống ẩm, có 2 loại cột: 12 cái cột cao 3,65m đường kính 0,32m, 12 cái cao 2,5m đường kính 0,26m, riêng cái cột cái gian chính giữa được sơn son vẽ trang trí hình rồng cuốn quanh cột, các xà cột ăn mộng với nhau chặt khít tạo thành bộ khung chắc khỏe. Chùa có kết cấu theo kiểu thức “cột trụ chống bóng”, gồm cột cái đỡ cân đầu, trụ bóng đỡ cái nóc, hai xà chạy suốt đỡ cái đòn tay. Từ cột cái đến các cột quân là kẻ chuyền tạo cho mái chùa ở rộng. Các đầu bẩy hiên được đục chạm nổi hình dao mác, vân mây, đường nét đục chạm giản dị.
Tam quan của chùa (Gác chuông) làm kiểu 2 tầng mái ở cổng chính với quả chuông nặng 1 tấn.
Bên phải vào là Tiền đường, hai bên nối liền với tam quan, khép kín khuôn viên chùa theo kiểu chữ khẩu tả hữu.
Nhà thờ tổ nằm ở bên tả.
Giữa sân chùa là bể nước hình cánh sen, nước trong, có vòi phun, được thay rửa thường xuyên. Bên trên là tượng Bồ Tát màu trắng tinh khiết đứng trên đài sen, một tay cầm cành dương liễu, một tay là lọ nước cam lộ , gương mặt thánh thiện, nụ cười hiền hậu, ngón tay di ấn đang cứu độ chúng sinh, ban phước lành cho muôn dân. Sân chùa được lát bằng gạch bát đỏ lúc nào cũng sạch sẽ.
Giá trị nổi bật của chùa Khánh Long là nghệ thuật tạc tượng cổ ở chùa. Trong chùa hiện có 13 pho tượng cổ, đó là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu cho phong cách tạc tượng thời Nguyễn, 13 pho tượng được bày đặt đan sen với nhau thể hiện tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” của xã hội Việt Nam. Kết hợp với các tín ngưỡng dân gian, chính giữa chùa là 3 pho tượng tam thế tượng trưng cho chư phật 3 đời: phật quá khứ, phật hiện tại, và phật vị lai. Lớp dưới cùng đặt tượng Thích Ca Sơ Sinh, bên phải là tượng A Di Đà, bên tría là tượng Quan Âm. các gian bên là tượng Đức Ông, Đức Thánh Hiền và 2 ông Hộ Pháp, các pho tượng gian chính giữa tam bảo màu vàng dưới ánh sáng lung linh của nến làm cho các pho tượng rực rỡ. Hiện trên khuôn mặt các ngài là sự hiền dịu thánh thiện, bao dung,.Mùi hương trầm tỏa ngát hòa quyện với tiếng chuông, tiếng mõ làm cho không khí ngôi chùa lúc nào cũng trang nghiêm, linh thiêng.
Bên cạnh giá trị về kiến trúc và nghệ thuật tạc tượng, chùa Khánh Long còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị về lịch sử và nghệ thuật đó là quả chuông đồng đúc năm 1811: cao 1,35m đường kính 0,55m, thân chuông có hình trạm trổ rồng, phượng. 3 lư hương, 3 bát hương lớn thể hiện trình đọ phát triển nghề thủ công mĩ nghệ thế kỷ XVII (gốm sứ), mâm bồng, quả mõ gỗ được đục trạm hoa vân đơn giản.
Với vẻ đẹp kiến trúc và vị thế của mình, chùa Khánh Long xứng đáng là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia – một điểm tín ngưỡng tâm linh không chỉ của địa phương mà còn là nơi tĩnh tâm, hướng thiện của nhân dân cả nước.






 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành