Số người đang online : 36 Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa
post image
Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa

 Sau hơn 3 năm đầu tư xây dựng, khu tưởng niệm Thủ khoa...

Cặp sư tử đá oai nghiêm trước cổng, những đôi hạc, cặp rồng”đậu” trên mái, trong từng đầu đao vươn cao đầy khát vọng, từng họa tiết được chạm khắc tinh xảo từ bàn tay những người thợ xứ Huế. Nét truyền thống văn hóa Việt phủ trùm từ nhà bia, nhà tưởng niệm, trưng bày, khu mộ… trong khuôn viên rộng đến 10.000m2… Đó là Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa ở phường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, Cần Thơ). Công trình vừa hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 141 năm ngày mất (21 tháng giêng) của Cụ có tổng mức đầu tư hơn 57 tỷ đồng.

Hàng năm, lễ giỗ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa được tổ chức đúng nghi thức dành cho các bậc danh nhân văn hóa. Các cụ cao niên tại địa phương đến hành lễ với những bài chầu, đưa rước linh vị, bày bàn lễ tế… Khu di tích lịch sử văn hóa mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa được xếp hạng di tích cấp Quốc gia từ năm 1994, nhưng trước đây do khu mộ nhỏ hẹp nên linh vị Cụ được đặt tại chùa Nam Nhã Đường. Cứ trước giỗ một ngày, Ban Quí tế tổ chức rước linh vị của Cụ Thủ khoa về khu mộ, sau lễ giỗ lại đưa về chùa. “Từ nay linh vị Cụ sẽ được thờ ở nơi hoành tráng này và lượng khách đến thăm Cụ sẽ ngày càng đông hơn. Ngày nào dân cũng vô thắp nhang cho Cụ”, cựu chiến binh Ba Sơn, 76 tuổi, ở gần Khu tưởng niệm Bùi Hữu Nghĩa phấn khởi.

Ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, nhấn mạnh khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa sẽ làm rạng rỡ thêm những trang sử vàng truyền thống quê hương; thắp sáng ngọn lửa về nguồn trước tài năng, đạo đức nhân cách của một trí thức chân chính cho thế hệ trẻ.

Nơi kinh quốc ba hồi trống gióng

Trong khu lưu niệm có nhiều hình ảnh tôn vinh vợ ông, bà Nguyễn Thị Tồn, một “liệt nữ” của trời Nam. Khi Bùi Hữu Nghĩa làm quan tri huyện Trà Vang (Trà Vinh), vì cương trực nên không được lòng quan trên. Nhân sự kiện dân chúng nổi dậy tranh chấp rạch Láng Thé, bọn quan trên ghép Bùi Hữu Nghĩa tội xúi giục, bắt giam rồi giải ông về Gia Định chờ xử tử. Bà Nguyễn Thị Tồn liền từ Trà Vang lên Mỹ Tho rồi quá giang ghe bầu ra Huế kêu oan cho chồng. Tại kinh thành Huế, bà được Thượng thư Bộ Lại Phan Thanh Giản giúp đỡ.

Canh năm, bà Tồn tới Tam pháp ty gióng trống “kích cổ đăng văn” (đánh trống, đội đơn) làm kinh động Tam cung lục viện. Sau sự kiện chấn động này, Bùi Hữu Nghĩa được vua Tự Đức tha tội chết, song phải chịu “quân tiền hiệu lực”, lưu đày làm lính ở đồn Vĩnh Thông (Châu Đốc), đoái công chuộc tội. Hoàng thái hậu Từ Dũ cảm kích tấm gương tiết nghĩa, ban tặng cho bà Tồn 4 chữ vàng “Liệt phụ khả phong”.

“Nơi kinh quốc ba hồi trống gióng, biện bạch này oan nọ ức, đấng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng. Chốn tỉnh đường một tiếng thét vang, hẳn hòi lẽ chánh lời nghiêm, lũ băng đăng tai nghe đà khiếp vía” (Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa). Văn thơ ông dành cho vợ cho con chân thật, cảm động từ cái nghĩa phu thê, phụ tử da diết, chung thủy đó.

Đầu tôi không sợ rơi

Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa hiệu Nghi Chi (1807 - 1872) sanh tại thôn Long Tuyền, tổng Định Thới, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) trong một gia đình nghèo. Năm 1835, Bùi Hữu Nghĩa đỗ đầu kỳ thi Hương ở Gia Định và ra làm quan dưới triều đình nhà Nguyễn. Tên tuổi của ông gắn liền với vụ án Láng Thé năm 1848 khi đứng lên bênh vực cho bà con người dân tộc người Khmer bị địa chủ cậy quyền ức hiếp. Vài năm sau, ông cáo quan về quê mở trường dạy học, làm thơ, hốt thuốc chữa bệnh cứu người.

Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là một trong những nhà thơ yêu nước, có uy tín lớn cuối thế kỷ 19. Cụ là một trong 4 “Rồng vàng” ở đất Nam bộ. Đặc biệt, vở tuồng ba hồi Kim Thạch kỳ duyên, được coi là một trong số những vở tuồng cổ nhất nước Việt, vở tuồng đầu tiên được dịch ra tiếng Pháp và từng lưu diễn khắp nơi. Cùng với các vở của Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, vở “Kim Thạch kỳ duyên” của Bùi Hữu Nghĩa đánh dấu sự chuyển biến của tuồng Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Với tài “cầm bút thay gươm” tên tuổi Cụ gắn liền với phong trào chống thực dân Pháp trên đất Nam kỳ lục tỉnh. Năm 1868, giặc Pháp bắt giam ông ở Vĩnh Long, rồi giải về Gia Định tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ, nhưng chỉ nhận được câu trả lời khẳng khái của Cụ: “Đầu tôi không sợ rơi mà chỉ sợ phải đội chung trời với những kẻ đang thiêu đốt giang sơn này”. Năm 1987, Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hội thảo khoa học nhằm góp phần khẳng định vai trò, vị trí của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa trong lịch sử Việt Nam thời cận đại.

Người xưa dạy rằng làm quan “Sống có nghĩa để an bang, sống có hiếu để trị quốc”. Làm “quan” thời nào cũng thế, giữ được cái hiếu cái nghĩa là trọn đạo làm người. Hơn 1 thế kỷ trôi qua, tên tuổi của Cụ vẫn tỏa sáng về tính thanh liêm, tinh thần đấu tranh chống áp bức, cường quyền, quan điểm tiến bộ về quần chúng, về đoàn kết dân tộc, về vấn đề phụ nữ, vượt xa khuôn khổ nho giáo phong kiến đương thời. Tên của Cụ được đặt cho những ngôi trường, con đường, công trình văn hóa trên khắp đất nước.

 

Nguồn: Vũ Thống Nhất/ Báo SGGP


0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành