Nguyễn Thị Định (1920-1992)
Nguyễn Thị Định quê Lương Hoà, Giồng Trôm, Bến Tre. Tham gia Cách mạng 1936. Nǎm 1940-1943 bị địch bắt giam tại Trạm giam Bà Rá. Nǎm 1945 Nguyễn Thị Định tham gia lãnh đạo chính quyền tỉnh Bến Tre. Nǎm 1960 Bí thư tỉnh uỷ Bến Tre. Nǎm 1965 nhập ngũ. Nǎm 1974 được phong quân hàm Thiếu tướng. Nǎm 1980 Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Đại biểu Quốc hội khoá VI, VII, VIII. Nǎm 1987-1992 Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Nguyễn Thị Định sinh ra trong một gia đình nông dân giầu truyền thống yêu nước. Là người phụ nữ thông minh, đôn hậu, khiêm nhường. Có sức thuyết phục đối với mọi tầng lớp phụ nữ và nhân dân trong nước và quốc tế.
Ngay từ những nǎm 1946, đất nước bị chia cắt hai miền. Nguyễn Thị Định đã là một phái viên của Nam Bộ bất chấp hiểu nguy trước phong ba bão tố và sự vây hãm của kẻ thù, bí mật vượt trên 3000km đường biển ra Hà Nội nhận chỉ thị của Trung ương và chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường. Trên đường về Nguyễn Thị Định đã hình thành được đưòng dây vận tải từ Bắc vào Nam. Chuyến vượt biển mở đường của Nguyễn Thị Định đã trở thành bài học kinh nghiệm hoạt động của phong trào chiến tranh du kích Việt Nam. Tháng 9/1972 chuyến hàng chi viện đầu tiên của Trung ương đến miền Nam đã mở ra "Con đường Hồ Chí Minh trên biển" và đoàn vận tải mang biển số "962" đã trở thành đơn vị vận tải anh hùng trên chiến trường ven biển Nam Bộ.
Nǎm 1959 hiệp định Giơnevơ về Việt Nam bị vi phạm nghiêm trọng, nguỵ quyền tay sai đế quốc với luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam để khủng bố phong trào Cách mạng. Nguyễn Thị Định là người khởi xướng và lãnh đạo chủ chốt phong trào Đồng Khởi ở Mỏ Cày, Bến Tre, mở đầu phong trào Đồng khởi trong toàn tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Từ phong trào Đồng khởi xuất hiện cái tên "Đội quân tóc dài" là những phụ nữ thuộc mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi không một tấc sắt trong tay song lại có sức mạnh phi thường đã phá vỡ nhiều thủ đonạ thâm độc, nhiều cuộc càn quét lớn của địch. Thắng lợi của "đôi quân tóc dài" đã hình thành phương châm "Hai chân, ba mũi giáp công" của đường lối chiến tranh nhân dân ở Việt nam. Đội quân tóc dài niềm tự hào của dân tộc nỗi khiếp sợ của kẻ thù đã ghi lại dấu ấn một thời kỳ lịch sử oanh liệt của dân tộc.
Từ 1976, đất nước thống nhất, Nguyễn Thị Định từ một nữ tướng kiên cường mưu lược trong chỉ huy chiến đấu, trong hoà bình xây dựng Nguyễn Thị Định đã trở thành nhà quản lý lãnh đạo đất nước trung thực và liêm khiết chǎm lo đến đời sống của những người dân nghèo khổ, những người bị oan ức. Nguyễn Thị Định đã dành nhiều tâm lực ở cuối đời vào ý tưởng nhân vǎn cao đẹp đỡ đầu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, - một công trình vǎn hoá có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với phụ nữ và nhân dân Việt Nam.
Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Thị Định đã được nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng nhiều huân chương cao quý và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Giải thưởng hoà bình Quốc tế Lê Nin. Giáo sư sử học Christine Whate trường Đại học Tổng hợp Hawai Mỹ đã viết thư gửi Nguyễn Thị Định bằng tiếng Việt Nam: "Tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi viết thư này gửi thǎm Bà - một người phụ nữ nổi tiếng và có một vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới, một tấm gương của người phụ nữ chân chính. Tôi rất sung sướng khi sử dụng cuốn hồi ký của Bà để dạy cho sinh viên nước mình về truyền thống Cách mạng Việt Nam".
Nǎm 1992 Nguyễn Thị Định qua đời sau một cơn đau tim đột ngột, hầu hết các tỉnh, thành Hội phụ nữ trong cả nước đều lập bàn thờ để tưởng nhớ đến Bà, theo triết lý dân gian: "Sống làm tướng chết thành thần". Nhân dân Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Tây nơi thờ Hai Bà Trưng đã rước bát hương thờ Bà Nguyễn Thị Định về thờ trong khu đền Hai Bà như một vị nhân thần mới. Nhiều địa phương đã đặt tên trường học Nguyễn Thị Định, quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học mang tên Nguyễn Thị Định.... Hình ảnh Nguyễn Thị Định đã trở thành bất tử trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Share on Facebook 0 người thích - Thích