Đinh Bộ Lĩnh (Ất Dậu 925 – Kĩ Mão 979).
tổ nhà Đinh, ông vốn họ Đinh, tên Hoàng, Bộ Lĩnh là tước quan của sứ quân Trần Lâm phong cho, quê ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), con quan Thứ sử Châu Hoan (Nghệ An) về đời Dương Diên Nghệ là Đinh Công Trứ.
Cha mất sớm, ông theo mẹ là Đàm thị về quê, nương thân với chú ruột là Đinh Dự, ở chăn trâu. Thường nhóm họp bạn bè lấy lau làm cờ, lập trận đánh nhau, ông tỏ ra có tài chỉ huy. Kết bạn rất thân với Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ và Trịnh Tú. Bị người chú ghét đuổi đi, ông sang đầu quân trong đạo binh của sứ quân Trần Lâm ở Bố hải Khẩu. Ít lâu, được Trần Lâm mến tài gả con cho, ông càng vững bước trên đường sự nghiệp. Không bao lâu, Trần Lâm mất, ông đem quân về giữ Hoa Lư, chiêu mộ hào kiệt, hùng cứ một phương, chống nhà Ngô và các sứ quân khác.
Năm Ất Sửu 965 Nam Tấn vương Xương Văn mất, con là Xương Xí nối nghiệp, quá suy yếu phải về đóng giữ đất Bình Kiều (thuộc Hưng Yên). Ông thừa thế hưng binh đánh lớn, chỉ trong một năm dẹp yên được các sứ quân. Được xưng tụng là Vạn Thắng vương. Năm Mậu Thìn 968 ông lên ngôi vua, tôn hiệu là Đại Thắng Minh, đặt hiệu nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Năm Canh ngọ 970, bắt đầu đặt hiệu năm là Thái Bình. Ông truyền cho đúc tiền đồng là tiền tệ xưa nhất ở nước ta, gọi là tiền đồng “Thái Bình”. Ông có công lớn trong việc thống nhất đất nước nhưng về chính trị trong nước lại có phần thiên về sử dụng hình phạt nghiêm khắc. Năm Quí Dậu 973 ông sai con là Nam Việt vương Liễn sang cống nhà Tống, được nhà Tống phong ông làm Giao Chỉ Quận vương.
Đến năm Kỉ Mão 979, ông và con lớn là Đinh Liễn bị tên hầu cận là Đỗ Thích ám sát chết. Ở ngôi 12 năm (968-979), thọ 56 tuổi, táng ở núi Mã Yên, xã Trường An thượng, huyện Gia Liễn, tỉnh Ninh Bình, đền thờ ông cũng xây dựng gần đấy.
Con thứ của ông là Đinh Tuệ nối ngôi, chỉ non một năm thì bị Lê Hoàn lật đổ, cơ nghiệp nhà Đinh dứt.
Share on Facebook 0 người thích - Thích