
Nói đến chè ngọt thì người Huế có quyền tự hào vì chè của Huế ngọt ngon và có tới 86 thứ chè phổ biến hàng ngày trong chợ ngoài đường ở nhà. Song loại chè độc đáo nhất, Huế nhất vẫn là chè bắp xứ Cồn.

Ở thành phố Huế, chè bắp có bán ở nhiều nơi nhưng ngon nhất vẫn là tại cồn Hến một hòn đảo nhỏ nổi lên giữa dòng sông Hương phía dưới là cầu Tràng Tiền và thuộc về đất thôn Vĩ Dạ xưa. Cồn Hến bốn mùa cây trái tốt tươi xanh biếc nằm giữa vòng tay mềm mại của sông Hương.
Cồn Hến cũng là nơi hội tụ của các loài hến sống ở đáy Hương Giang và chỉ với con hến vớt lên từ đây người Huế mới tạo được các món ăn dân dã lừng danh cơm hến rồi bún hến.
Còn bắp dùng để nấu chè là loại bắp nếp mọc trên cồn hái lúc chưa già nhưng không phải là lúc còn quả non. Trái bắp sau khi bóc bỏ lớp áo bên ngoài, ấn nhẹ tay mặt hạt còn thấy mềm mại, ghé răng cắn thử thì hạt bắp liền vỡ ra ứa vào môi vào lưỡi một thứ sữa non quánh như nhựa tươi vừa ngọt vừa ngậy vừa thơm mùi xa lạ. Trái bắp sau khi nạo lấy phần hạt bên ngoài, phần lõi còn lại sẽ được dùng để luộc lấy nước nấu chè.
Chè bắp phải nấu rất kỹ, ít cũng phải 2 - 3 tiếng kể cả thời gian luộc nõn bắp. Khi nào múc lên thấy đặc sánh thì mới thả đường vào nồi rồi bắc xuống.
Chè nấu đã ngọt sẵn nên khi ăn có thể bỏ thêm nhiều đá bào. Trước đây, chè thường múc ra bát nhỏ nhưng bây giờ đã thay bằng loại ly lớn. Người ham ăn cũng chỉ nổi vài ba li không thể ăn no.
Đến Huế, muốn ăn chè bắp chính gốc cồn Hến xin cứ việc đi qua đập Đá vào đến Vĩ Dạ rồi đi tiếp tục dọc đường Thuận An cho đến khi gặp một cây cầu nhỏ bên trái bước qua cầu là sang đến cồn Hến. Song con đường thú vị nhất đi qua Cồn là đến đập đá xuống đò ngang cặp bến Cồn. Đây chính là chuyến đò ngang từ chợ Đông Ba qua đập đá rồi lại quay trở về Đông Ba chứ không "thẳng ngã ba sinh" như mô tả trong ca dao nhưng bạn yên tâm thế nào thuyền cũng ghé vào đất Cồn. Khi cô lái đò ghìm mái để con đò áp vào phía đầu Cồn Hến bạn sẽ thấy những vạt bắp xanh tốt đến mắt. Rồi len lỏi trong các mảnh vườn xum xuê của đất Cồn, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều tre trúc những hàng cau trong "nắng mới lên" của Hàn Mạc Tử, của Bích Khê.
Gần đây theo sự phát triển chung của thành phố Huế, thôn Vĩ Dạ xưa nay đã biến đổi nhiều nhưng tại đất Cồn Hến mọi vẻ chân quê cũ dường như vẫn còn nguyên vẹn. Khi ngồi dưới một mái tranh đơn sơ hay dưới một giàn đậu ván trĩu quả hay tuyệt nhất là dưới một gốc khế già sần sùi nhâm nhi một ly chè bắp để hương vị ngọt ngào của chốn đồng nội kết tinh trong từng hạt bắp non lan toả nơi đầu lưỡi, bạn sẽ cảm nhận rất rõ điều này.

Và rồi đến khi ra về, vị ngọt mát của bát chè bắp, hương thơm mơ hồ của ly nước đậu ván được uống sau khi ăn cạn bát chè sẽ còn đuổi theo mình rất lâu. Có cô gái Hà Nội sau lần thăm Huế trở về còn viết trong thư gửi người bạn Huế mới quen rằng: "mỗi khi nhớ Huế là mình lại nhớ ngay bát chè bắp Cồn Hến, nhớ tấm bánh khoái, miếng cơm hến và nhớ tà áo tím của ai bay theo chiều gió lướt nhẹ trên dòng Sông Hương". Thế đấy, nhớ nhau trước hết là miếng ngon xứ Huế, bát chè bắp được nhắc tới đầu tiên rồi, mới nhớ đến ai sau. Chè bắp cồn Hến liệu có xứng đáng với niềm tự hào của người dân Huế tài hoa không? Tôi nghĩ rằng rất xứng đáng, chắc rằng chẳng có ai phản đối lại tôi.
Share on facebook 0 người thích - Thích