Số người đang online : 58 Phan Thanh Giản - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Phan Thanh Giản
post image
Phan Thanh Giản

Phan Thanh Giản (Bính Thìn 1796 - Đinh Mão 1867)

Danh sĩ, Đại thần triều Nguyễn, tự Tĩnh Bá, Đạm Như, hiệu là Lương Khê và Ước Phu, biệt hiệu Mai Xuyên. Quê làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Đậu cử nhân năm 1825, năm 1826 đậu tiến sĩ, ông là người đạt học vị cao nhất đầu tiên ở Nam Kỳ. Năm 1862, ông cùng với Lâm Duy Hiệp đại diện cho triều đình Tự Đức kí Hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862) giao 3 tỉnh miền Đông Nam Kì cho Pháp.

Năm 1863, ông được cử làm Chánh sứ (Phó sứ Phạm Phú Thứ và Nguỵ Khắc Đản) sang Pháp thương nghị chuộc 3 tỉnh miền Đông Nam Kì.

Năm 1867, quân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ trong lúc ông đang nhậm chức Kinh lược sứ. Thấy tình thế không chống cự nổi, ông nộp thành Vĩnh Long cho Pháp, rồi nhịn ăn 17 ngày, kế đố uống thuốc độc tự tử vào ngày 4-8-1867, thọ 71 tuổi.

Phan Thanh Giản sáng tác khá nhiều. Những năm đi thi hội, ông có làm tập thơ Du kinh. Khi người bạn là Lê Bích Ngô chết, ông có tập Toái cầm. Thời gian đi sứ sang Trung Quốc, có tập Kim đài (1832). Khi đi sứ sang Pháp để thương lượng chuộc lại ba tỉnh miền Đông, ông viết Sứ trình nhật ký (1863). Hầu hết các sáng tác của Phan Thanh Giản sau này được tập hợp lại trong hai bộ sách Lương Khê thi thảo (in 1876) có 103 bài.

Bài Giã biệt cho thấy ông là con người nặng tình, nặng nghĩa với cha già, em nhỏ, với người cô bị bệnh và vợ mới cưới. Văn thơ ông phản ánh nhân cách, tư tưởng của một nhà nho chính thống, đồng thời cũng bàn bạc một tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước như trong bài Quá đảo Côn Lôn. Bài thơ nôm cuối cùng Tuyệt cốc chính là phiên bản trung thành tâm trạng đầy bi kịch của ông, một vị đại thần đầu bạc, suốt đời lận đận trong vòng trói buộc của hai chữ "trung quân", mà cứ đinh ninh là mình yêu nước, thương dân một cách đúng đắn.

Nỗi đau và tính bi kịch của Phan Thanh Giản là một mặt ông rất mực trung thành với nhà vua, đồng tình cũng là người thực thi đường đối “chủ hòa” của triều đình, mặt khác ông lại nặng lòng yêu nước thương dân. Mâu thuẫn đó đã đẩy ông đến chỗ bế tắc, chỉ còn biết lấy cái chết để kết thúc cuộc đời và bày tỏ nỗi lòng của mình. Chính đấy cũng là chỗ gây ra nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu khi đánh giá về ông trong nhiều thập kỷ qua.

Từ điển văn học(1) nhận xét về Phan Thanh Giản như sau: "Nhìn chung, con người Phan Thanh Giản trong thơ là con người giàu tình cảm... Ở lĩnh vực khác, thơ văn Phan Thanh Giản cho thấy một nhà nho chính thống "an bần lạc đạo", sống có tình với bạn bè, anh em, biết coi "trí quân trạch dân" là mục đích chân chính của đời mình. Tuy nhiên, con người đó, về một phương diện khác, lại là người buồn nản trước thế cuộc, có phần sợ phục trước văn minh tư bản, và từ sợ phục đi đến nhẫn nhục, rồi đành khuất phục bọn cướp nước. Bài thơ nôm cuối cùng Tuyệt cốc có thể là bài thơ tập hợp đầy đủ mọi mâu thuẫn trong con người Phan Thanh Giản”.

Phan Thanh Giản xuất thân trong một gia đình nghèo khổ. Tương truyền tổ phụ Phan Thanh Giản là Phan Thanh Tập, hiệu Ngẫu Cừ, sống thời nhà Minh. Sau khi nhà Minh bị nhà Mãn Thanh tiêu diệt, Phan Thanh Tập di cư sang phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Việt Nam). Nơi đây ông cưới vợ tên Huỳnh Thị Học, sinh được một trai tên là Phan Thanh Ngạn tục gọi là Xán.

Năm 1771, gia đình ông Ngạn vào Nam tạm cư ở Thang Trông, thuộc tỉnh Định Tường Sau dó lại dời về Mân Thít, trấn Vĩnh Thanh (thuộc Vĩnh Long ngày nay), rồi lại dời về ở huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, cũng thuộc tỉnh Vĩnh Long. Cuối cùng ông Ngạn đến lập nghiệp tại thôn An Hòa, làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thạnh (nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).

Ở đây, ông cưới người vợ tên Lâm Thị Bút. Ngày 11 tháng 11 năm 1796, bà hạ sinh được một trai tên Phan Thanh Giản. Năm Phan Thanh Giản lên 7 (1802), thì mẹ qua đời, cha cưới người vợ nữa tên Trần Thị Dưỡng để có người chăm sóc con. Bà mẹ kế này rất thương yêu con chống. Đến tuổi đi học, ông theo học với nhà sư Nguyễn Văn Noa ở chùa làng Phú Ngãi.

Năm 1815, vì sự cáo gian của kẻ có thù riêng với gia đình, cha Phan Thanh Giản lúc ấy đang làm Thủ hạp (một viên chức nhỏ), phải ngồi tù.

Nóng lòng vì cha bị hàm oan, ông đệ đơn lên Hiệp trấn Lương (không rõ họ) ở Vĩnh Long xin được thay cha vào tù. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo, viên quan này đã cho ông ở gần nơi cha bị giam cầm, để vừa trao giồi kinh sử, vừa có cơ hội thăm cha mỗi ngày [1]. Sau khi cha được mãn tù, nghe lời Hiệp trấn Lương, Phan Thanh Giản ở lại Vĩnh Long để tiếp tục học và chờ đợi khoa thi. Tại đây, ông gặp một người đàn bà nhân hậu tên Ân. Bà này đã giúp ông tiền và cơm, áo...để tiếp tục theo đuổi việc đèn sách.

Ra làm quan


Năm 1825, ông đậu Cử nhân khoa Ất Dậu. Sau đó một năm, ông đậu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826), vào năm 30 tuổi. Ông là người đậu Tiến sĩ khai khoa ở Nam bộ.

Từ đấy, ông làm quan trải ba triều, là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

    Dưới triều Minh Mạng, ông lần lượt giữ các chức vụ: Hàn lâm viện biên tu, Lang trung bộ Hình (1827), Tham hiệp tỉnh Quảng Bình (1828), Hiệp trấn tỉnh Quảng Nam (1828), Quyền nhiếp Tham hiệp tỉnh Nghệ An (1829), Lễ bộ tả thị lang và tham gia nội các (1830), Hàn lâm viện kiểm thảo sung Nội các hành tẩu và Hộ bộ viên ngoại lang (1832), Đại lý tự khanh sung Cơ mật viện đại thần (1834), Kinh lược trấn Tây (1835), Tuần phủ Quảng Nam (1836), Thống chánh sứ và Phó sứ rồi Hộ bộ thị lang (1839). Dưới triều Minh Mạng, ông đã ba lần bị giáng chức, trong đó có lần ông phải làm "Lục phẩm thuộc viên", tức giữ việc quét dọn, sắp đặt bàn ghế ở chốn công đường (1836).
    Dưới triều Thiệu Trị, ông làm Phó chủ khảo trường thi Thừa Thiên (1840), Phó đô ngự sử Đô sát viện (1847).
    Dưới triều Tự Đức, ông phụ trách giảng dạy và điều khiển trường Kinh Diên, Thượng thư bộ Lại, sung Cơ mật viện đại thần (1849). Năm 1850, ông được cử vào trấn nhậm miền Tây Nam Kỳ cùng với tướng Nguyễn Tri Phương. Sau đó, được phong làm Kinh lược sứ Nam Kỳ.

    Ông được vua Tự Đức giao làm Tổng tài Quốc sử quán coi việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục phụ tá có một Phó Tổng tài, 6 Toản tu góp tài liệu, viết lên, 6 Khảo hiệu xét lại và 6 Đằng tả viết chữ ngay ngắn. Sách soạn trong 3 năm 1856-1859, dâng lên Tự Đức coi lại các lần 1871, 1872, 1876, 1878 và có lời phê bên trên.

Thương nghị với người Pháp


Năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đổ bộ và tấn công tại cửa biển Đà Nẵng rồi lần lượt đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Ông Phan Thanh Giản với vai trò là Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp là Phó sứ được cử đi điều đình với Pháp, sau đó đại diện cho triều đình Tự Đức ký kết hiệp ước hòa bình và hữu nghị Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn.

Hiệp ước gồm 12 khoản, theo đó, ba tỉnh Biên Hòa Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn (Côn Đảo) được nhượng cho Pháp (Khoản 3 Hiệp ước); triều đình phải trả cho Pháp và Tây Ban Nha một khoản bồi thường chiến phí là 4 triệu piastre trong 10 năm, mỗi năm 400.000 đồng (quy ra bạc là 288 nghìn lạng-Khoản 8 hiệp ước); đổi lại, người Pháp sẽ trả lại tỉnh Vĩnh Long cho triều đình Huế, nhưng kèm theo điều kiện là triều đình phải có biện pháp chấm dứt các cuộc khởi nghĩa chống lại người Pháp ở các tỉnh (Khoản 11 hiệp ước). Do hành động này mà dân gian có câu truyền "Phan Lâm mãi quốc, triều đình thí dân" (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước; triều đình bỏ dân chúng). Theo nhà sử học Phan Huy Lê, nguồn gốc và xuất xứ của câu này chưa được làm rõ, theo ông câu này không thấy ghi chép lại trong những tác phẩm viết về Trương Định của những tác giả đương thời, như Nguyễn Thông.


Tuy việc thương nghị với phía Pháp, vua Tự Đức có cho ông tùy nghi tình thế mà định đoạt nhưng về việc cắt đất, nhà vua có căn dặn Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ráng sức chuộc lại ba tỉnh với giá 1.300 vạn lạng, còn nếu phía Pháp đòi cắt đất luôn thì kiên quyết không nghe, nhưng Phan Thanh Giản đã phải cắt đất lại còn bồi thường chiến phí. Do đó mà hai ông khi trở về đã bị quở trách nặng nề.

Việc chuộc ba tỉnh không thành, Phan Thanh Giản bị cách lưu làm Tổng đốc Vĩnh Long, nhưng rồi lại được cử làm Chánh sứ (Phó sứ là Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản) sang nước Pháp để điều đình một lần nữa về việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông (1863), nhưng cũng không đạt được kết quả. Năm 1865, ông được phục chức Hiệp biện đại học sĩ, Hộ bộ thượng thư, sung Kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) và được tha tội cách lưu.

Ngày 20 tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long (vốn đã được trao trả triều đình Huế ngày 25 tháng 5 năm 1863), yêu cầu ông gửi mật thư cho thủ thành An Giang và Hà Tiên buông súng đầu hàng. Trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, biết thế không thể giữ nổi, nên để tránh đổ máu vô ích, Phan Thanh Giản đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Thế là chỉ trong 5 ngày (20-24 tháng 6 năm 1867), Pháp chiếm gọn ba tỉnh miền Tây không tốn một viên đạn. Sau khi thành mất ông tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4 tháng 8 năm 1867, hưởng thọ 72 tuổi.

Đền thờ Phan Thanh Giản hiện ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre. Và từ rất lâu, nhân dân ở vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang vẫn coi ông là một vị thần Thành Hoàng. Ngoài ra ông còn được thờ tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long
Nhận định về Phan Thanh Giản
Mộ Phan Thanh Giản

Phan Thanh Giản được nhiều người kính trọng vì tính cương trực, khẳng khái, hiếu nghĩa, thanh liêm. Tuy nhiên, trong cơn nước biến, thái độ ôn hòa của ông khiến không ít người đã phàn nàn. Tháng 11 năm 1868, vì làm mất Nam Kỳ, triều đình Huế đã xử ông án "trảm quyết" (nhưng vì chết nên được miễn), lột hết chức tước và cho đục bỏ tên ông ở bia tiến sĩ. Mãi đến 19 năm sau (1886) ông mới được vua Đồng Khánh khôi phục nguyên hàm Hiệp tá đại học sĩ và cho khắc lại tên ở bia tiến sĩ.

Ngược lại, cũng có nhiều trí thức đương thời đã tỏ lòng thông cảm cho ông. Như Nguyễn Thông đã từng dâng sớ lên vua Tự Đức để giãi bày nỗi oan cho ông. Và nhà thơ đương thời Nguyễn Đình Chiểu cũng đã tỏ thái độ thương tiếc, trân trọng ông qua bài thơ điếu:

    Minh tinh chín chữ lòng son tạc,
    Trời đất từ rày mặc gió thu.

Trong bài "Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong", một lần nữa Nguyễn Đình Chiểu lại nêu cao tinh thần của Phan Thanh Giản:

    Ý người đặng xem tấm bản phong trần, Phan học sĩ hết lòng cứu nước.

Hai con trai của ông, Phan Tôn (1837 - 1893), Phan Liêm (1833 - 1896), nổi lên chống Pháp tại tỉnh Vĩnh Long.

Một sĩ quan Pháp là Reunier, người đã từng tham gia chiến tranh ở Trung Quốc và Nam Kỳ, đã nhận xét về ông như sau:

    Sống trong 4 tháng gần vị lão thành cao thượng ấy, chúng tôi có thể đánh giá các đức tính của ông ta...trong thời gian vượt biển này (chuyến đi sứ sang Pháp) ông không ngớt được khuyến khích bởi lòng nhiệt thành ái quốc của ông, và thúc đẩy bởi nguyện vọng thực hiện được công chuyện hữu ích cho nước nhà...

Năm 1963, hành động giao nộp ba tỉnh miền Tây, được Trần Huy Liệu đem ra bàn luận, và đã kết tội ông là kẻ "bán nước".

Sau 1975, nhiều đường phố ở miền Nam Việt Nam mang tên Phan Thanh Giản đã bị đổi thành tên khác.

Cho tới những ngày đầu năm 2008, Viện Sử học Việt Nam mới thống nhất kết luận rằng "Phan Thanh Giản là người nổi tiếng về đạo đức, có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc; nên đề nghị tôn vinh ông, cho khôi phục, tôn tạo những di tích và những gì gắn liền với ông"; và đã được giới có thẩm quyền chấp thuận...

Trong sách Đi & ghi nhớ của Sơn Nam (xuất bản năm 2008), một lần nữa, nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản lại được đề cập trong một đoạn viết như sau:

    Hồi xưa, lúc còn nhỏ, tôi (lời thuật của một giáo viên lớn tuổi đi cùng với Sơn Nam) được dạy cẩn thận, khi đi ngang qua miếu Văn Thánh, học trò phải giở nón, cúi đầu để chào ông Phan. Chào ông Phan, (được xem như) là lời thề rửa hận cho ông, cho chớ không phải để bắt chước ông...Người có công nghiên cứu về Phan Thanh Giản là Lê Thọ Xuân, đăng báo Đồng Nai đâu từ năm 1931...với những chi tiết thú vị. Tuy làm quan to nhưng ông tự xem mình như người dân thường ở nông thôn, đối xử như người bình dân, không bao giờ phô trương quyền lực. Xin đề nghị: Trong chương trình Sử học cho học sinh, nên có một bài nói về ông, đủ lý đủ tình...Ông đã để lại cho đời sau chút gì khó quên, khó xóa nhòa, gọi là tâm linh, phóng khoáng, thơ mộng.

Tác phẩm

Phan Thanh Giản là một nhà văn lớn với nhiều tác phẩm giá trị.

    Lương Khê thi thảo
    Lương Khê văn thảo
    Sứ Thanh thi tập
    Tây phù nhật kí
    Ước Phu thi tập
    Tích Ung canh ca hội tập
    Sứ trình thi tập
    Việt sử thông giám cương mục (Chủ biên)
    Minh Mạng chính yếu (Chủ biên).

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành