Số người đang online : 13 ĐÌNH XUÂN HỘI - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐÌNH XUÂN HỘI
post image
ĐÌNH XUÂN HỘI

Được công nhận di tích theo quyết định số 2233- VH/QĐ ngày 26 tháng...

ĐÌNH XUÂN HỘI

1.    Tên di tích: Đình Xuân Hội
2.    Loại công trình: Đình
3.    Loại di tích: Kiến trúc
4.    Quyết định: Được công nhận di tích theo quyết định số 2233- VH/QĐ ngày 26 tháng 06 năm 1995.
5.    Địa chỉ di tích: Khu Phố Xuân Hội – Thị Trấn Chợ Lầu – Huyện Bắc Bình  - Tỉnh Bình Thuận.
6.    Tóm lược thông tin về di tích
Đình làng Xuân Hội nằm ở một vị thế cao ráo, với diện tích 2800 mét vuông, cách đình về phía Tây và Nam chừng 300m có con sông Lũy chảy qua. Sông này vốn chảy thành lũy – một công trình phòng thủ cổ của người Chăm. Dưới triều Nguyễn, vào đời Gia Long đình làng Xuân Hội thuộc huyện hòa đa, phủ hàm thuận, trấn bình thuận. Đến năm 1910 đổi thành Huyện Phan Lý Chàm, phủ hòa đa, tỉnh bình thuận. Hiện nay Đình nằm trong địa phận Khu phố Xuân Hội – Thị trấn Chợ lầu – Bắc Bình – Bình Thuận.
Theo tài liệu cổ cho biết ông bà ta vào định cư năm 1763, sống đan xen với dân tộc Chăm, cho phép lấy phụ nữ Chăm theo quốc lễ Việt từ đó đặc thêm tục hiệu làng Kinh Cựu. Năm Quý Mão ( 1783 ) dựng nhà tranh vách đất thờ cúng Thành hoàng bổn cảnh và các bậc Tiền hiền, Hậu hiền. Năm 1803( Gia long thứ hai ) xây Tiền Điện. Năm Quý Mão( 1903 ) tu sửa, tôn tạo các phần hư hỏng và xây dựng các công trình phụ. Đây là phần tu sửa quan trọng nhất để kéo dài tuổi thọ di tích. Năm Canh ngọ( 1930) lần tái tu này họ đã sửa chữa phần hư hỏng của công trình chính, đồng thời sửa lại mặt tiền nhà tiền đường, lót gạch và chỉnh lý nội thất bên trong. Tiền hiền là những vị đóng góp nhiều công đức trong buổi đầu khai khẩn, có công quy tập dân chúng khai hoang mở đất lập làng. Hậu hiền là những người kế tục Tiền hiền trong việc đóng góp công đức của cải cho Đình làng. Hiện nay trong Đình làng còn giữ lại tấm bát quái đặt ở vị trí tôn nghiêm nhất của Đình – tại trung tâm thanh xà có nhà thờ thần. Ngoài việc thờ Thành hoàng bổn cảnh và các bậc Tiền hiền, Hậu hiền, đình Xuân Hội còn thờ nhiều vị thần của người Chăm được tôn vinh nhất là Bà Thiên Y A Na Diễn Ngọc.
Đình làng là biểu hiện của luật lệ, phong tục, đạo đức và niềm hy vọng của làng, đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc từ bao đời nay. Sinh hoạt đình làng là nhu cầu tín ngưỡng ăn sâu vào tâm thức của nhân dân, đặc trưng cho một thiết chế văn hóa tinh thần của hương thôn. Trước đây đình là một quần thể kiến trúc tôn giáo quy mô bao gồm có 9 nóc nhà: Đình chính, nhà Tiền hiền, Thanh minh, nhà khách, nhà nhóm, nhà ống, nhà âm công, nhà trù và nhiều bộ phận kiến trúc  phụ cận như: Cổng tiền, án phong, vòng thành, cột cờ, cổng hậu…Nhân dân coi đây là nơi thiêng liên nhất của làng nên tuân thủ một cách nhất quán những luật lệ của làng đặt ra.
Hiện nay Đình Làng Xuân Hội còn lưu giữ  rất nhiều chủng loại hiện vật quý có giá trị như: Lư hương bằng đồng pha với một số hợp chất quý của quốc vương chiêm thành, Bộ chén bạc trang trí hoa văn chìm, nổi, Tượng thần cổ được tạc từ trầm hương, Khánh lệnh được đúc bằng đồng, hình tròn có khắc nổi chữ hán, Bát quái được khắc nổi vào tấm gỗ quý hình chữ nhật 4 góc có khắc nổi 4 chữ hán “ Nguyên, Hanh, Lợi Trinh ” và được treo trên đoạn giữa của thượng lương đình thờ thần, ở vị trí khó nhìn thấy, Sắc phong được cất giữ cẩn thận, mỗi lần tế thần hay cá nghi lễ khác đều phải làm lễ thỉnh sắc mới đưa ra, Hoành phi gồm có 18 bức nội dung được khắc bằng chữ Hán lớn nửa chìm nửa nổi, Liên đối có 82 câu trong đó có  hơn một nửa là thuộc loại cổ cả về nội dung và niên đại, Hương án là tác phẩm chạm khắc, điêu khắc tiêu biểu, toàn bộ hương án đều được trạm trổ tỷ mỹ đôi rồng hay một cặp chim phượng quay đầu lại với nhau.
Đình làng Xuân Hội được xây dựng chủ yếu bằng gỗ căm xe, gạch ống, gạch thẻ, mật đường, dây tơ hồng, vôi…
Mặc dù đình đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng nhìn chung các công trình vẫn giữ được đặc trưng của kiến trúc ban đầu. Mặt khác một phần do thời gian đã làm hủy hoại các bộ phận, phần nửa do chiến tranh tàn phá nên một số công trình như: nhà nhóm, nhà trù, nhà âm công bị sụp đổ hoàn toàn, các vách bị lở, cột kèo bị mục, mối…
Hàng năm Đình làng Xuân Hội diễn ra 2 kỳ lễ hội chính là lễ hội tế Xuân
( ngày 22 tháng 2 âm lịch ) và lễ hội tế thu và giổ Tiền Hiền (ngày 28 tháng 8 âm lịch ). Lễ hội thu hút đông đảo bà con không chỉ trong làng mà còn ở các vùng lân cận. Những người đến dự đều thể hiện tấm lòng thành kính biết ơn các bậc tiền bối đã có công khai hoang mở đất lập làng. Sau và trước lễ tổ chức phần hội bằng các chơi dân gian và tổ chức một đêm văn nghệ.
Trải qua biết bao thăng trầm của đất nước qua chiến tranh cũng như phong hóa theo thời gian, một vài hạng mục kiến trúc của đình đã bị phá hủy bởi chiến tranh song đình làng Xuân Hội vẫn lưu giữ dáng vẻ vốn có của một công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo trang nghiêm. Với cách bố trí gian thờ, họa tiết trang trí nội ngoại thất, nội dung thờ phụng cùng các nghi lễ diễn ra hàng năm ở đây thể hiện rõ chức năng  tín ngưỡng tâm linh.      
 








0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành