Số người đang online : 60 ĐÌNH VÀ MỘ NGUYỄN TRUNG TRỰC - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐÌNH VÀ MỘ NGUYỄN TRUNG TRỰC
post image
ĐÌNH VÀ MỘ NGUYỄN TRUNG TRỰC

Được công nhận di tích theo quyết định số 191-VH/QĐ ngày 22 tháng 03...

ĐÌNH VÀ MỘ NGUYỄN TRUNG TRỰC

 

1.    Tên di tích: đình và mộ Nguyễn Trung Trực
2.    Loại công trình: 
3.    Loại di tích: lịch sử
4.    Quyết định: Được công nhận di tích theo quyết định số 191-VH/QĐ ngày 22 tháng 03 năm 1988
5.    Địa chỉ di tích: Số 8 đường Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, Tp Rạch Giá,  tỉnh Kiên Giang.
6.    Tóm lược thông tin về di tích
Đình và mộ Nguyễn Trung Trực là một di tích lịch sử văn hóa đồng thời là một biểu tượng của lòng dân với vị anh hùng dân tộc đã hi sinh vì nước. Ngôi đình hiện tọa lạc tại số 8 đường Nguyễn Công Trứ phường Vĩnh Thanh – thành phố Rạch Giá – tỉnh Kiên Giang. Đây là đình lớn nhất trong số 9 đình thờ Nguyễn Trung Trực  trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Trung Trực sinh năm Mậu Tuất (1838) tại làng Bình Nhựt Tổng Bình Cách huyện Thuận An phủ Tân An tỉnh Gia Định. Ông là thủ lĩnh phong trào kháng Pháp miền Tây Nam Bộ với 2 chiến công lẫy lừng: trận đốt chiếc Hải Hạm Espérance (Hy Vọng) tại vàm sông Nhật Tảo ngày 12/10/1861 và trận đánh chiếm đồn Kiên Giang ngày 16/06/1868, giết chết tên Chủ tỉnh Chánh Phèn và 15 quan lính khác. Nguyễn Trung Trực bị giặc bắt ở Phú Quốc, giam tại khám đường Sài Gòn . Nhân dân mãi ngưỡng mộ và nhắc về ông với câu nói  nói bất hủ trước mặt kẻ thù ngày 13 tháng 10 năm 1868: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Ông đã trở thành biểu tượng cho tinh thần quật khởi chống ngoại xâm của toàn  dân tộc. 
Sau khi Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp xử chém ngày 27 tháng 10 năm 1868 tại pháp trường Rạch Giá, những người dân yêu kính ông đã bí mật thờ ông trong đền thờ Nam Hải đại tướng quân (cá voi hay cá ông). Ban đầu, đây chỉ là một ngôi đền nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá do dân chài dựng nên bên dòng sông Kiên và chỉ cách biển Đông độ chừng trăm mét. Mỗi năm đến ngày mất của ông, nhân dân các nơi tụ hội về đây tổ chức cúng cơm như trong một gia đình.
 Qua lần sửa chữa vào năm 1881, ngôi đình đã khang trang hơn. Nhưng để có diện mạo như ngày hôm nay, chính là nhờ lần khởi công sửa chữa lớn vào ngày 20 tháng 12 năm 1964, khánh thành ngày 24 tháng 2 năm 1970,  với toàn bộ kinh phí xây dựng do nhân dân đóng góp. Nhân dịp này, nhân dân địa phương đã tạc tượng Nguyễn Trung Trực bằng đồng đen, đặt trước khu “chợ nhà lồng” Rạch Giá.
Đình có lối kiến trúc theo kiểu truyền thống, bao gồm chánh điện, Đông lang và Tây lang. Bên ngoài là cổng Tam quan cổ kính với mái ngói âm dương trên đỉnh trang trí hình lưỡng long tranh châu. Hai bên là đôi câu đối bằng chữ quốc ngữ được đắp nổi sơn vàng trên nền đỏ. Đó là hai câu thơ đầy hào khí trích từ bài “Điếu Nguyễn Trung Trực” của danh sĩ Huỳnh  Mẫn Đạt:
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.
Phía trước Chánh điện có đặt một lư hương lớn, lúc nào cũng nghi ngút khói hương và một bức tượng Nguyễn Trung Trực uy nghi lẫm liệt. Ngôi Chánh điện cũng được thiết kế trang nghiêm với mái ngói cong bốn góc, ở các viền góc đều có trang trí hoa văn hình rồng và lá cúc. Mặt trước chánh điện có hai trụ cột đắp nổi hình rồng uốn lượn từ dưới lên quấn quanh cột, biểu tượng cho uy quyền và sức mạnh. Trong chánh điện có rất nhiều bài vị thờ. Phía ngoài là bài vị Chánh soái Đại càn, di ảnh Nguyễn Trung Trực, chư vị hội đồng trăm quan cựu thần, thờ tiền hiền, đồng bào nghĩa quân liệt sĩ. Phía trong có ba ngai thờ chính của đền: chính giữa là ngai thờ Nguyễn Trung Trực; bên trái là ngai thờ cụ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều, Phó lãnh binh Lâm Quang Ky; bên phải là ngai thờ thần Nam Hải Ðại tướng quân. Phía trên bệ thờ Nguyễn Trung Trực, có bức hoành ghi bốn chữ: 英 气 如 虹 - Anh Khí Như Hồng, tức ca ngợi khí tiết hào hùng của ông sáng như cầu vồng 7 sắc.
Ở phía Tây đền thờ là mộ Nguyễn Trung Trực xây hình chữ nhật, đặt xuôi theo đình. Quanh mộ bốn mùa cây cối xanh tươi, râm mát.
Trong khuôn viên đình, bên phải là Đông Lang nơi làm phòng thuốc nam phước thiện. Các lương y tận tình xem mạch bốc thuốc. Tuy họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau nhưng có cùng mục đích là tự nguyện cứu chữa cho người nghèo. Bên Tây Lang là phòng làm việc của Ban quản lý di tích cũng là nơi tiếp khách và trưng bày những tư liệu về đình.
Hằng năm, tại đình diễn ra lễ kỷ niệm ngày hi sinh anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực vào các ngày 27, 28 và 29 tháng 8 âm lịch. Bà con từ các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ trở về đình góp sức góp công tổ chức lễ giỗ long trọng. Trong tâm thức của nhân dân, Nguyễn Trung Trực là vị thần để họ mãi ngưỡng vọng, tôn kính.  Kể từ năm 2003 trở đi, lễ hội đình được xem là một trong những sự kiện văn hoá lớn mang tầm cỡ quốc gia.
Ngày 22 tháng 03 năm 1988 Bộ văn hóa đã ra quyết định công nhận đình và mộ Nguyễn Trung Trực là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 191 VHQĐ.

 









    

 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành