Số người đang online : 10 ĐÌNH THƯỢNG ĐỒNG - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐÌNH THƯỢNG ĐỒNG
post image
ĐÌNH THƯỢNG ĐỒNG

Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 84...

ĐÌNH THƯỢNG ĐỒNG

 
 
1. Tên di tích:  Đình Thượng Đồng
2. Loại công trình: Đình
3. Loại di tích: Di tích kiến trúc nghệ thuật
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 84 –VH/QĐ  ngày 27/4/1990 của bộ Văn hóa -Thông tin Thể thao và Du lịch.
5. Địa chỉ di tích: Xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định
6. Tóm lược thông tin về di tích.
            Thế kỉ X (thời Đinh-Lê), Thượng Đồng là phần đất phía bắc của phường Quán Đổ. Thời đó dân cư ở đây còn thưa, ruộng đất bỏ hoang nhiều. Vào năm Quý Dậu(1333) có hai ông là Ngô Ân Ba và Phạm Đăng Lãnh tới đất này chiêu tập dân phiêu tán về đây khai khẩn đất hoang, mở mang làng xóm.
           Vào năm 1403(đời nhà Hồ), xã Thượng Đồng chính thức được thành lập.
Từ năm 1957 thành lập xã Yên Tiến, bao gồm 14 thôn. Đình Thượng Đồng nằm ở giữa thôn Thượng Đồng trên diện tích hơn ba mẵu Bắc Bộ (gồm cả diện tích ao).
            Từ thành phố Nam Định đi theo quốc lộ 10 vào Ninh Bình, tới cây số 22 rẽ trái theo đường 57, đi tiếp hơn 1 cây số nữa là tới đình Thượng Đồng xã Yên Tiến.
            Nhân dân xây dựng đình Thượng Đồng là để phụng thờ Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng-Người có công dẹp tan sứ quân của Phạm Phòng Át (Tức Phạm Bạch Hổ) ở phường Quán Đổ, đem lại sự bình yên cho nhân dân.
            Đình  Thượng Đồng  được xây dựng theo kiểu chữ nhị ,bao gồm tiền tế năm gian và chính cung năm gian. Nhà tiền tế đứng vững bởi một bộ khung gỗ chắc chắn làm toàn bằng gỗ lim sáu vì kèo đứng trên một hệ thống bốn hàng cột. Các hàng cột chạy song song được đặt trên một hệ thống chân tảng bằng đá.Nhà tiền tế hai bên xây bít đốc, đằng trước hai gian ngoài cùng xây gạch,để cửa sổ rộng trang trí hình chữ thọ cho thoáng. Ba gian giữa và toàn bộ mặt sau không làm cửa. Năm gian chính cung được xây dựng nối liền giáp mái với năm gian tiền tế. Tại gian giữa có bốn đầu dư được chạm khắc công phu, mỗi đầu dư đều mang một dáng vẻ khác nhau từ râu tóc mắt mũi đến phong cách thể hiện. Năm gian chính cung có bốn mái .Trên mái tại các góc gặp gỡ nhau đã tạo thành những góc đao.Với ba đừơng cong cùng chiều ,đều hướng về phía trên ,phía dưới cũng là đầu của một con rồng đang ngẩng cao, mỗi góc đao đã tạo thành một cụm mây. Chính vì tạo dáng như vậy nên đã làm cho toàn bộ công trình với kết cấu bằng gỗ, đá, đất nung vẫn không có cảm giác nặng nề.
             Đình Thượng Đồng đã được tu sửa nhiều lần nhưng hiện nay công trình vẵn mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn. Tuy vậy dấu ấn của kiến trúc thời hậu Lê thông qua những mảng chạm khắc còn lại và nhất là kiểu dáng vẫn còn giữ được những nét tiêu biểu của phong cách xây dựng từ thế kỉ XVIII trở về trước.Nhìn chung ngôi đình mang rõ nét kiến trúc Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu được truyền thống xây dựng của cha ông .
           Hàng năm cứ đến ngày 16 tháng 10 âm lịch dân làng Thượng Đồng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của Đinh Tiên Hoàng.
           Làng Thượng Đồng - vùng đất là nơi đã sinh ra những người con ưu tú:Lã xuân Oai, Phạm Đăng Giảng, Lã Xuân Huyên, Lã Xuân Lạc, Phạm Trung Thứ (cử Thứ)
            Cuộc khởi nghĩa của nhân dân làng Thượng Đồng ngày 10 tháng 12 năm 1889 (giờ tý ngày 18 tháng11 năm Kỷ Sửu) do Phạm Trung Thứ lãnh đạo đã gây tiếng vang lớn và làm cho bọn thực dân Pháp khiếp sợ.
             Ngày 20 tháng 8 năm 1945,sân đình Thượng Đồng là nơi tập hợp nhân dân miền hạ huyện Ý Yên để kéo lên giành chính quyền ở huyện, buộc viên quan huyện Nguyễn Bá Điều và lực lượng lính khố xanh phải giao nộp con dấu và vũ khí đầu hàng cách mạng.
            Cũng tại ngôi đình Thượng Đồng, ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã tổ chức cuộc mít tinh lớn tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời ở các xã miền hạ Ý Yên do đồng chí Lã Xuân Choát làm chủ tịch lâm thời và đồng chí Phạm Duy Mạc làm uỷ viên quân sự.
           10 giờ 30 phút ngày 13 tháng 8 năm 1958 nhân dân làng Thương Đồng nói riêng và nhân dân Yên Tiến  đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và dự Đại Hội sản xuất nông nghiệp của  tỉnh Nam Định. Bác đã ra thăm cánh đồng cấy lúa của hợp tác xã Đông Hưng và nói chuyện với nhân dân ,cán bộ tại sân đình  Thượng Đồng  .       .        Tại đây Bác đã căn dặn “Muốn thu hoạch được nhiều lúa, ta phải chú trọng tới các khâu: nước, phân, cần, giống và phải cải tiến kĩ thuật ”.
              Trưa ngày mùng 2 Tết năm Canh Tuất(1970),Đảng bộ và nhân dân xã Yên Tiến vinh dự được đón đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn về thăm, đồng chí đã trồng cây đa lưu niệm tại sân phía trước cửa đình Thượng Đồng.Cho tới nay cây đa vẫn toả bóng mát sum suê xuống sân đình, góp phần tạo nên cảnh quan xanh mát cho di tích.
              Đình  Thượng Đồng  đã được bộ Văn hoá-Thông tin Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử văn hoá” cấp Quốc gia ngày 27/4/1990.
 



 


 
 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành