Số người đang online : 23 ĐỊA ĐIỂM TRƯỜNG NGUYỄN ÁI QUỐC - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐỊA ĐIỂM TRƯỜNG NGUYỄN ÁI QUỐC
post image
ĐỊA ĐIỂM TRƯỜNG NGUYỄN ÁI QUỐC

Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số...

ĐỊA ĐIỂM TRƯỜNG NGUYỄN ÁI QUỐC



1. Tên di tích:  
   Địa điểm trường Nguyễn Ái Quốc
2. Loại công trình:   Khu lưu niệm
3. Loại di tích:    Di tích Lịch sử  cách mạng
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 04/2001/QĐ-BVHTT ngày 19 tháng 01 năm 2001


 
5. Địa chỉ di tích:   Xóm 7 xã Tân Tiến - Yên Sơn – Tuyên Quang
6. Tóm lược thông tin về di tích
         Trường Nguyễn Ái Quốc nay là học viện chính trị Quốc gia HỒ CHÍ MINH được thành lập vào tháng 3/1949 ( sau hội nghị Tuyên huyến TW lần thứ II) ở huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Nhận chỉ thị của Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh, đồng chí Lê Tất Đắc (là học viện xuất sắc trong khoá học đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc) cùng một số cán bộ của trường đã thực thi nhiệm vụ tổ chức xây dựng cơ sở vật chất đầu tiên của nhà trường tại nơi trường thành lập.      
          Trường Nguyễn Ái Quốc  ra đời có nhiệm vụ trang bị và bồi dưỡng lí luận chính trị cho cán bộ Đảng, nhà nước và Quân đội.         
          Vào đầu tháng 8/1950, trường Nguyễn Ái Quốc từ huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên đến đóng tại xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim bình, Huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang). Trường đã tổ chức đào tạo khoá III tại hội trường Đại hội II của Đảng ở Kim Bình, huyện Chiêm Hoá.
       Sau khi kết thúc khoá III, trường Nuyễn Ái Quốc chuyển đến địa điểm mới tại Xóm 7 xã Tân Tiến, Huyện Yên Sơn, Tỉnh Tuyên Quang.
       Sau nhiều ngày trèo đèo, lội suối, băng rừng, hơn 30 cán bộ nhân viên nhà trường đã dừng chân tại Làng Ha (Nay là xóm 7), xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang vào đầu năm 1952.        
       Đến địa điểm mới cán bộ và nhân viên nhà trường bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất tại nhà trường được giao cho đ/c Nguyễn Văn Thu, Đào Duy Giai, Đỗ Văn Khánh, Phí Văn Thịnh và một số anh chị em khác. Đội ngũ cán bộ này là những người đã từng có kinh nghiệm được tham gia xây dựng hai địa điểm của trường tại Định Hoá (Thái Nguyên) và khu vực Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II tại Kim Bình (Chiêm Hoá)       
         Sau khi công việc xây dựng trường đã hoàn tất. Tháng 4/1952, trường Nguyễn Ái Quốc tiếp tục khai giảng khoá IV, mở các lớp cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng. Nội dung giảng dạy chính là chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng như chủ trương “ Trường kì kháng chiến tự lực cánh sinh”, đường lối“ cách mạng dân tộc dân chủ”.       
        Trực tiếp phụ trách mọi công việc của khoá IV trường Nguyễn Ái Quốc tại xã Tân Tiến là đ/c Nguyễn Chương (phó giám đốc nhà trường).       
        Giảng viên đến trường giảng bài là cán bộ cao cấp của Đảng như các đ/c Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương.       
        Học viên khoá IV trường Nguyễn Ái Quốc có khoảng 300 người. Đối tượng học viên là những cán bộ trung cao cấp của Đảng. Các đ/c Đàm Trung, Bằng Giang, đ/c Sĩ Nguyên, Hoàng Sâm, Trường Minh, Lê Thuỳ,... cũng tham dự khoá học này.        
         Vào khoảng tháng 12/1952, trong khi chưa kết thúc khoá IV ở xã Tân Tiến thì một bộ phận cán bộ nhân viên nhà trường được lệnh khẩn trương lên đường đến Sơn Dương xây dựng địa điểm mới tại xóm Bòng, thôn Hồng Thái, xã Tân Trào, lấy tên là trường Chỉnh Huấn TW.       
          Trong thời gian này, trường Nguyễn Ái Quốc có hai cơ sở chính ngoài cơ sở tại xã Tân Tiến còn có một cơ sở tại địa điểm xóm Bòng, thôn Hồng Thái, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Đồng chí Lê Văn Lương làm giám đốc, chỉ đạo điều hành công việc chung cho cả hai cơ sở của trường. Trong đó cơ sở tại xã Tân Tiến chuyên đào tạo các cán bộ nòng cốt của Đảng, nhà nước, quân đội, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc sau khi hoà bình lập lại.      
         Vào khoảng tháng 10/1953, trong lúc các lớp ở địa điểm xóm Bòng đang học thì có một bộ phận cán bộ nhân viên nhà trường gồm 22 anh chị em quay về địa điểm trường Nguyễn Ái Quốc tại xã Tân Tiến, Huyện Yên Sơn. Tại đây, các cán bộ nhân viên nhà trường đã sửa chữa, tu bổ lại nhà cửa, hội trường và làm mới một số nhà ở, xưởng in, trại chăn nuôi… Làm việc ở xưởng in có 4 người là các Đ/c Duyên, Luân, Sĩ, Thịnh có nhiệm vụ in ấn tài liệu phục vụ cho giảng viên và học viên học tập.      
         Sau khi sửa sang, tu bổ lại cơ sở vật chất Trường Nguyễn Ái Quốc mở lớp “đặc biệt” trực tiếp phụ trách trường thời kì này là Đ/c Lê Mạnh Chinh ( bí danh là Tiến) – Phó giám đốc nhà trường.     
         Khi có chủ trương mở lớp “đặc biệt” , các đ/c lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của trường được biết đây là lớp “ Thẩm tra sau khi chỉnh huấn, chỉnh Đảng, Chỉnh Quân”. Để giữ bí mật, lớp lấy tên công khai là “lớp lí luận”, bí số của lớp là trạm 1111( trạm một ngàn một trăm mười một). Lớp có nhiệm vụ đào tạo, giảng dạy cho học viên những kiến thức về chính trị lí luận cho cán bộ trung cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội, đồng thưòi chỉnh huấn cho một số cán bộ ở các cơ quan ban ngành.       
        Cán bộ nhân viên và học viên trường Nguyễn Ái Quốc đóng ở xã Tân Tiến rất vinh dự đã có dịp được đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện. Khi đến trường Bác mặc quần áo màu chàm, đội nón Tày, đầu chùm khăn, ung dung trên lưng ngựa. Cùng đi với Bác có 4 Đ/c làm nhiệm vụ bảo vệ. Đến thăm bệnh xá, Bác Hồ trò chuyện với anh em cán bộ y tế và khen: “ Các cô các chú làm nhà ở nơi sơn thuỷ hữa tình…” . Sau đó Bác đi thăm nhà vệ sinh  và nhắc nhở đ/c y sĩ phụ trách về sức khoẻ phải đôn đốc cán bộ học viên làm nhà vệ sinh ra xa nơi ở để giữ vệ sinh đảm bảo sức khoẻ cho thật tốt.      
             Ngay từ đầu khoá IV năm 1952, trong một lần Bác đến thăm trường, Bác đã đặt tên cho quả đồi nơi dựng nhà hội trường là đồi Staline.        
           Một lần khác Bác đến thăm trường và gặp gỡ hai chuyên gia người Trung Quốc tên là Lý và Trần. Bác đến, có Đ/c Thắng cùng đi vừa là cần vụ vừa bảo vệ Bác. Lần này, Bác ngủ lại trường một tối, tại nhà gian gành cho khách ở khu nhà hiệu bộ ( khu nhà của cán bộ và giảng viên)        
          Cuối tháng 7/1954 Trường Nguyễn Ái Quốc và nhân viên địa phương xã Tân Tiến tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại cánh đồng Tà Lạn ( Nay thuộc xóm 10 Tân Tiến). Trong cuộc mit tinh này, đ/c Lê Văn Lương giám đốc trường Nguyễn Ái Quốc đã đến dự. Đ/c nói chuyện với cán bộ nhà trường và nhân dân địa phương về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi của Việt Nam trên bàn đàm phán tại hội nghị Giơnevơ, buộc thực dân Pháp phải kí hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương. Cuộc kháng chiến của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng lao động Việt Nam đã đạt được kết quả to lớn.      
           Trong không khí hoà bình tự do. Tháng 10/1954 trường Nguyễn Ái Quốc có kế hoạch chuyển về xuôi cùng các cơ quan của Đảng, nhà nước và quân đội.       
           Từng đoàn cán bộ nhân viên nhà trường gồng gánh đồ dùng đi bộ ra gềnh Quýt xã Tràng Đà, về xuôi xây dựng cơ sở mới. Ra đến đây, một bộ phận cán bộ học viên lên ôtô theo đường Tuyên Quang – Thái Nguyên về thủ đô Hà Nội, một bộ phận cán bộ và tất cả vật dụng đồ đạc hành lí cá nhân cùng chiếc máy in và hai con ngựa được đưa lên hai chiếc bè lớn. Hai chiếc bè này do nhân dân địa phương đã làm sẵn, trên bè có cả bếp nấu ăn để đảm bảo sinh hoạt ăn uống cho chuyến đi dài ngày xuôi theo đường Sông Lô     
         Trong thời gian trường Nguyễn Ái Quốc đóng tại xã Tân Tiến từ năm 1952 đến tháng 10/1954, cán bộ học viên nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học do TW Đảng giao phó, góp phần đào tạo thế hệ cán bộ nòng cốt, đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, quản lí đất nước sau hoà bình lập lại.  



0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành