Số người đang online : 16 Chùa Bái Đính - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Chùa Bái Đính
post image
Chùa Bái Đính

Núi Bái Đính thuộc địa phận Xã Gia Sinh, huyện...

Lên thăm hang động ở núi Bái Đính, bước trên 300 bậc đá đước xếp theo độ dốc vừa phải, càng lên cao không khí càng trong lành và thoáng mát, mọi lo toan trong cuộc sống đời thường như bị quên lãng giữa đường lên động có Hang Voi phục ở bên phải, hang thờ Đức Ông Mặt Đỏ là người canh giữ khu chuà Bái Đính. Theo lộ trình du khách lên hết dốc là tới ngã ba: Bên phải là động thờ Phật, bên trái là động thờ Tiên. Bước khoảng vài chục bước chân, du khách sẽ phải sửng sốt đến kinh ngạc trước Động thờ Phật (Hay còn gọi là Động sáng ).

Phía trên cửa động có 4 chữ đại tự khắc trên đá: “Minh Đỉnh Danh Lam” có nghĩa là: “Lưu Danh Thơm Cảnh Đẹp”. Động dài 25m, rộng 15m, cao trung bình là 2m, nền và trần của động bằng phẳng, ven thành động đôi chỗ có đá đẹp nhô ra. Đó là điều ít thấy ở nhiều hang động hiện nay. Tương truyền rằng nơi đây, Ông Nguyễn Minh Không-Người Đàm Xá, phủ Trường Yên (nay thuộc xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn) - đi tìm cây thuốc đã phát hiện ra hang động này. Ông liền lập bàn hương nhang, dựng chùa thờ phật.

Từ đó đến nay hang chùa này vẫn được lưu giữ, nhân dân trong vùng vẫn thường tới chăm nom tu bổ. Với sự hiện diện của các pho tượng uy nghiêm hiện, ẩn trong làn hương trầm đang lưu chuyển ở nơi động cao. Cắm hương nhang, niệm điều tâm phúc xong, du khách đi tiếp theo ngách đá bên trái cuối động sẽ dẫn tới một hang nhỏ hơn, đó là hang thờ Thần Cao Sơn - một vị tướng tài của Vua Hùng. Nếu du khách bước tiếp sẽ tới một cửa hang sáng và rộng, một thung lũng xanh hiện ra.

Tương truyền rằng đây là nơi có nhiều cây thuốc quý mà Thánh Nguyễn Minh Không thường xuống hái lượm mang về chế “thuốc tiên”. Sau này nhiều lương y ở khắp nơi cũng tìm đến kiếm cây thuốc quý về chữa bệnh cho nhân dân. Trở lại ngã ba đầu dốc, du khách theo đường rẽ trái khoảng 50m là tới Động Tiên ( Hay còn gọi là Hang Tối). Động Tiên lớn hơn động Phật nhiều lần, gồm 7 “buồng” tức là 7 hang, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu, các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang nền bằng phẳng, có hang nền trũng xuống như lòng chảo, có hang trần bằng, có hang được tạo hoá ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng lung linh huyền ảo...

Bà Chúa Thượng Ngàn được đặt thờ giữa hang chính với các tượng bằng đá được sơn son thiếp vàng. Xung quanh Chúa Thượng ngàn là rừng nhũ, rừng hoa nhũ đá đẹp như mê hồn. Bằng sự tưởng tượng tinh tế, với một cái nhìn xa rộng, du khách có thể dễ dàng đặt tên cho từng cây nhũ, mỏm đá ở Động Tiên này. Mỗi nhũ đá, mỗi mỗi hòn đá trong Động Tiên là một kiệt tác của tạo hoá, là một tinh hoa của thời gian trên đá, chỉ có “ nước chảy, đá mòn” hàng ngàn vạn năm mới tạo nên những điều kì diệu đó.

Nơi đây, không chỉ có phong cảnh đẹp mà còn là nơi gắn liền với chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu. Ngày 06 tháng riêng năm 1943, nhân ngày lễ hội chùa Bái Đính, Ông Trần Tử Bình - Là Uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ phụ trách chiến khu Quỳnh Lưu - đã diễn thuyết tại thung chùa Bái Đính trước hàng vạn nhân dân để tuyên truyền cách mạng.

Và cuối năm 1997 vừa qua, một tin vui đến với cán bộ và nhân xã Gia Sinh nói riêng, cũng như Tỉnh ta nói chung là Bộ Văn Hoá - Thông tin đã công nhận và cấp bằng “Di Tích Lịch Sử - Văn Hóa” cho núi Chùa Bái Đính, ghi nhận quá trình hình thành và đời sống văn hoá nơi đây. Đó cũng là biểu tượng về sự hài hoà giữa thiên nhiên và cuộc sống ở Gia Sinh.

Bái Đính - Khu chùa lớn nhất Việt Nam

Khu Văn hóa tâm linh chùa Bái Đính

Đây là một khu chùa lớn nhất Việt Nam, đang được xây dựng, dự kiến đến năm 2010 sẽ hoàn thành để kỷ niệm 1.000 năm Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng long (1010 – 2010), (tháng 4/2008 khánh thành giai đoạn 1).

Khu chùa Bái Đính được xây dựng trên đồi núi cao tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, gần chùa Bái Đính có từ xa xưa nằm trong hang động núi Bái Đính (gọi là chùa Bái Đính cũ). Lấy tên là Bái Đính để ghi nhận khu chùa ở gần chùa Bái Đính cũ, cũng là tên núi.

Vị trí đó là một địa điểm rất tuyệt vời. Vì xây dựng chùa mới, thường nằm trên nền chùa cũ, hoặc gần chùa cũ, lại toạ lạc ở đồi núi là điều mà các ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam đã như thế.

Địa điểm này cách cố đô Hoa Lư và khu hang động Tràng An không xa, rất thuận tiện cho du khách sau khi thăm cố đô Hoa Lư xong sẽ đi vãn cảnh Khu chùa Bái Đính. Khu chùa Bái Đính sau này sẽ là tâm điểm du lịch của cả vùng du lịch Hoa Lư.

Khu chùa Bái Đính gồm có những công trình chính sau:

Nằm trên đồi cao là Điện Tam Thế, 3 tầng mái cong có 12 mái ở bốn phía, cao 30m, dài 52m, rộng 47m. Ba tầng mái có hai hàng cổ lâu có tác dụng nâng độ cao của Điện thờ lên, đồng thời vừa lấy ánh sáng vừa để thông khí. Bốn phía nền của Điện Tam Thế đều xây các tường đá thấp, tam cấp theo độ dốc của đồi và xây nhiều bậc đá để đi lên, tạo cho không gian Điện thờ hoành tráng, trang trọng. Trong Địên Tam Thế đặt 3 tượng Tam Thế bằng đồng, mỗi tượng nặng 50 tấn. Đây là các pho tượng đồng lớn chỉ mới có ở Khu chùa Bái Đính.

Xuống thấp hơn, theo đường chính đạo, là một vườn sinh vật cảnh quý hiếm. Tại đây dựng các hòn non bộ độc đáo và những cây cảnh đẹp. Theo độ dốc của đồi là đến Điện thờ Pháp Chủ gồm hai tầng mái cong, có 8 mái ở 4 phía, cũng có một hàng cổ lâu. Điện thờ Pháp Chủ cao 27m, dài 47,7m, rộng 43,2m. Điều đặc biệt ở Điện thờ Pháp Chủ là đặt một tượng A Di Đà bằng đồng rất to lớn, nặng 100 tấn. Pho tượng đồng này chỉ mới có ở Khu chùa Bái Đính và cũng là tượng phật to lớn nhất Việt Nam.

Tiếp đó là một sân chùa rộng, dựng một tượng Quan âm bồ tát bằng đá to cao, rồi đến Điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, một tầng mái cong. Lại có một sân chùa và một vườn cây nữa, rồi mới đến tháp chuông lớn, kiến trúc bát giác theo kiểu chồng diêm, gồm 3 tầng mái cong, tất cả là 24 mái ở tám phía với các đầu đao. Trong tháp chuông này, treo một quả chuông nặng 36 tấn. trên đồi cao về phía bên trái toà Tam Thế cũng treo một quả chuông cao 5,6m, nặng 27 tấn. Cũng theo đường chính đạo, hai bên đường là hai vườn chùa rộng lớn, xuống thấp hơn nữa mới có Tam quan, 3 tầng mái cong. Từ hai phía của Tam quan xây các dãy nhà hành lang bao bọc khu chùa lên đến Điện Tam Thế. Trong các nhà hành lang này đặt 500 vị La Hán bằng đá, mỗi tượng một dáng hình khác nhau nhưng đều cao to đồ sộ.

Độ dài từ thấp đến cao tính từ Tam quan ở dưới lên đến Điện Tam Thế ở trên là gần 800m.

Khu vực chùa Bái Đính còn lan ra một không gian rộng lớn hơn nữa, có Giếng Ngọc, hồ Phóng Sinh, hồ Đàm Thị, khu thờ Mẫu, khu thờ Tổ, khu tháp mộ sư, khu nhà Tăng thiền viện, khu nhà khách, Bảo tháp 14 tầng và khu Bảo tàng Phật giáo Việt Nam.


Có thể nói, Khu chùa Bái Đính sắp tới đây là một chùa có quy mô hoành tráng, to lớn, đầy đủ và đẹp đẽ nhất từ trước cho đến nay ở đất nước ta.

Theo NinhbinhTourism

 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành