Số người đang online : 42 CHÙA VĨNH TRÀNG - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

CHÙA VĨNH TRÀNG
post image
CHÙA VĨNH TRÀNG

Đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo quyết định...

CHÙA VĨNH TRÀNG

1. Tên di tích:  CHÙA VĨNH TRÀNG
2. Loại công trình: Công cộng
3. Loại di tích: Kiến trúc nghệ thuật
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 14LCT/HĐND,  ngày 04 tháng 04 năm 1984.
5. Địa chỉ di tích: Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc tại xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 2 km.
 
6. Tóm lược thông tin về di tích:

Khởi nguyên, chùa Vĩnh Tràng chỉ là cái am lá của ông bà huyện Bùi Công Đạt,
làm quan dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840). Sau khi hưu trí, ông bà về
đây cất am tự để tu hành nên đồng bào quen gọi là “Chùa ông Huyện”. Ông bà
Huyện mời Đại sư Huệ Đăng – vị tổ sư thứ 38 dòng Lâm tế chánh tông - ở chùa
Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì chùa.
Sau khi ông bà Huyện qua đời, hòa thượng Huệ Đăng đã vận động tín đồ đóng
góp công, góp của xây dựng thành chùa Đại Tự vào năm 1849 lấy niên hiệu là
“Vĩnh Trường” với ngụ ý: “Vĩnh cửu đối với sơn hà, trường tồn về thiên địa”.
Nhưng về sau, chùa được gọi trại đi là “Vĩnh Tràng”.
Lịch sử hình thành chùa Vĩnh Tràng:
Năm 1864, hòa thượng Huệ Đăng viên tịch, hòa thượng Thiện Đề thay thế việc trụ trì.
Năm 1872, chùa được trùng tu.
Năm 1895, hòa thượng tòa Chánh Hậu về trụ trì chùa và cho khởi công cất gian chánh điện mới.
Năm 1907, chùa được trùng tu và tôn tạo thêm một số phần mới.
Năm 1930, hòa thượng Minh Đằng (Lê Ngọc Xuyên) cho trùng tu toàn diện theo kiểu kiến trúc Âu – Á để chùa có diện mạo như ngày hôm nay.
Năm 1994, chùa được trùng tu phần hậu liêu.
Năm 1998, chùa được gia cường phần cột gỗ ở gian chánh điện để đảm bảo độ bền vững trước sự biến chuyển của thời gian. Trải qua nhiều lần trùng tu chùa Vĩnh Tràng mới được nguy nga, tráng lệ như ngày hôm nay.
Về quang cảnh của chùa:
    Đường vào chùa là một hoa viên rất xanh, sạch, đẹp với hình tượng Phật Di Đà uy nghiêm đứng trên tòa sen cao 24m. Đó như là một lời nhắn gửi “Nhìn thấy Phật giúp cho mọi người hướng về cái Thiện”- một ý niệm “Tốt đời, đẹp đạo” của nhà Phật.
Phía sau hoa viên là hai cổng Tam Quan, được xây dựng năm 1933 theo kiểu cổ lầu cùa Trung Quốc rất tinh xảo, được làm bởi những đôi bàn tay của những nghệ nhân xứ Huế. Cổng chùa được ốp bằng vô số những mảnh sành, sứ màu sắc rất khác nhau theo chủ đề: Long – Lân – Qui – Phụng; Canh – Mục –Ngư – Tiều; Mai – Lan – Cúc – Trúc; hình tượng hoa sen, hoa cúc, chim trĩ, chim công, điểu, các bức cuốn thư, … – những sự tích mang điển tích của nhà Phật.
Sân thiên tĩnh rộng thênh thang, trồng nhiều loại hoa thơm cỏ lạ, tạo nên một vườn hoa tươi đẹp. Công trình kiến trúc và thiên nhiên có sự hài hòa làm nên một cảnh trí vừa nên thơ, vừa thâm nghiêm cổ kính, thích hợp với chốn thiền môn nhưng không kém phần lãng mạn. Vẻ đẹp, sự huyền dịu đó đã làm cho Chùa Vĩnh Tràng nổi tiếng gần xa, làm ngất ngây thi sĩ bao đời:           
“Mây tím rêu còn phủ lối xưa
Những ngày chuông nối những đêm mưa
Cành đa, ngọn cỏ, vườn râm đó
Trăng Vĩnh Tràng em mấy độ chờ ?
Cấu trúc của ngôi chùa
Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo dạng chữ “Quốc” của Hán tự, gồm có 4 gian nối tiếp nhau: tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu. Nằm trên khuôn viên gần 2000m2, dài 70m, ngang  gần 30m làm bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, chung quanh xây tường vững chắc.
Mặt trước của tiền đường được xây dựng theo lối kiến trúc dung hòa Âu-Á với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc. Trên nóc chùa có 5 mái nhô cao, tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) theo quan niệm của phương Đông.
Tại gian Chánh điện, chùa có 60 tượng quý, được tạo tác bằng đồng, gỗ, đất nung và tất cả đều được thiếp vàng rực rỡ. Trong đó tại bàn thờ tôn trí 3 tượng to nhất là: tượng Thích Ca; Văn Thù (tượng trưng cho trí tuệ) và Phổ Hiền (tượng trung cho hạnh nguyện) – gọi là bộ “Hoa nghiêm tam thánh”. Tại đây còn có hai đôi long trụ với 4 chiếc cột to, được chạm bằng gỗ quý có hình cá hóa long. Nhưng nổi bật và có giá trị nhất là bộ tượng  mười tám vị La Hán dược tạc từ gỗ mít năm 1909. Đây là bộ tượng được chạm khắc theo mô thức cảm hứng nhân gian nên rất sinh động, uyển chuyển và phóng khoáng thể hiện sự sáng tạo, nghệ thuật độc đáo qua đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân chạm gỗ ở Nam Bộ như: vị thì hoan hỉ, vị thì đâm chiêu, v.v… cởi trên mình những con thú như trâu, bò, ngựa, lạc đà, hà mã, tê giác, v.v… trong tư thế sẵn sàng phổ độ chúng sanh.
Ngoài ra tại gian Chánh điện, chùa còn có những di vật quý giá khác. Đó là 7 bộ bao lam được thiếp vàng, chạm hình Bát tiên, thần Mặt trời, thần Mặt trăng, hoa lá, điểu ngư, v.v… trông rất đẹp. Đó là chiếc “Đại Hồng Chung” mang tên Pháp Bảo Chuông cao 1,2m nặng 150kg được đúc bằng đồng vào năm 1854 thời Tự Đức, Giáp Dần niên trên có khắc “Vĩnh Trường Tự”.
Khung cảnh thiên nhiên với không gian kiến trúc uy nghiêm khiến chùa càng trở nên thâm nghiêm, cổ kính. Vì thế, ngôi chùa đã thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng.
Không chỉ có ý nghĩa tôn giáo và giá trị kiến trúc – nghệ thuật, chùa Vĩnh Tràng còn là nơi che giấu nhiều nhà yêu nước và tích cực cung cấp hậu cần cho phong trào cách mạng góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc.
          “Đức Phật giàu tình thương
         Nên chùa tên Vĩnh Tràng
         Nhà sư vốn yêu nước
         Lòng như dòng Tiền Giang”
                    (Xuân Thủy)
Vì thế, chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia vào năm 1984.
 
 



 



 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành