Số người đang online : 26 CHÙA BÀ (TUỆ THÀNH HỘI QUÁN) - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

CHÙA BÀ (TUỆ THÀNH HỘI QUÁN)
post image
CHÙA BÀ (TUỆ THÀNH HỘI QUÁN)

Được công nhận di tích theo quyết định số 43-VH/QĐ ngày 07/01/1993

CHÙA BÀ (TUỆ THÀNH HỘI QUÁN)
 
1. Tên di tích: Chùa Bà (Tuệ Thành hội quán)
2. Loại công trình: Miếu, chùa
3. Loại di tích: Di tích kiến trúc
4. Quyết định: Được công nhận di tích theo quyết định số 43-VH/QĐ ngày 07/01/1993
5. Địa chỉ di tích: phường 11, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh
6. Tóm lược thông tin về di tích
Chùa Bà hay Tuệ Thành hội quán thường được người dân địa phương gọi với cái tên là Miếu Thiên Hậu.
Miếu Thiên Hậu tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5. Đây là ngôi miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của cộng đồng người Hoa – Quảng Đông, gốc ở huyện Tuệ Thành (Trung Quốc).
Miếu được xây dựng vào năm 1760. Từ đó đến nay, miếu đã được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn còn giữ được phong cách của chùa Hoa từ đường nét, nghệ thuật kiến trúc, cấu tạo mặt bằng đến vật liệu xây dựng. Gạch, ngói, đồ gốm... đước đem từ vùng Nam Trung quốc sang. Miếu được xây theo hình chữ Quốc, gồm 3 điện thờ chính: tiền điện, trung điện và chính điện. Sát 2 bên miếu là Hội quán Tuệ Thành và truờng học.
Nóc miếu được trang trí hoa văn hình hoa lá, hình nhân bằng gốm sứ do hai lò Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm Mậu Dần (1908), có cảnh "đả võ đài", "bái tổ vinh quy", mô týp "lưỡng long tranh châu", có hình ảnh tiên đồng, tiên nữ với hàng chữ "hòa hợp nhị tiên"... Trong sân miếu có hai con lân đá được chạm từ một khối đá nguyên.
Gian tiền điện đặt hai trang thờ nhỏ ở hai bên cửa ra vào. Bên trái thờ môn quan Vương Tả, bên phải thờ Phúc Đức chánh thần. Tại đây cũng có 2 bia đá ghi truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu và bức tranh lớn vẽ cảnh Bà hiển linh xuất hiện trên sóng nước.
Gian trung điện đặt bộ lư phát lam mang niên hiệu Quang Tự thứ 12 (1886) là bộ lư lớn nhất so với những bộ lư ở những miếu khác trong Thành phố. Tại đây cũng có kiệu lớn sơn son thếp vàng bằng gỗ tốt, dành để rước Bà trong ngày vía. Tại trung điện có treo bức hoành phi "Hàm Hoằng Quang Đại" màu đỏ, kẻ chữ vàng ghi lại năm trùng tu xưa nhất của miếu (1800).
Chính điện là gian chính đặt thờ tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu. Trên trang thờ Bà có 3 tượng đặt theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Vào dịp vía Bà, tượng lớn nhất sẽ được cung nghinh ra sân cho bà ngự lãm lễ hội; tượng giữa đặt trên trang thờ và tượng dưới cùng sẽ được đặt vào kiệu đưa đi diễu hành quanh các khu phố vào ngày lễ hội. Trên trang thờ treo hàng chữ "Thiên hậu thánh mẫu" bằng vải, thêu chữ nổi. Phía trên điện thờ đặt lư hương và có 3 dãy bàn lớn dùng làm nơi để lễ vật cúng Bà.
Tại gian chính điện còn đặt 2 đại hồng chung bằng gang: một có niên đại 1795 (đời vua Càn Long thứ 60) và một được đúc năm Canh Tuất 1850. Trong "Thiên Hậu cung" có đặt một thuyền gỗ ở góc, treo cờ ghi 4 chữ "phổ độ chúng sanh" dùng để rước theo cùng kiệu Bà  vào ngày vía Bà hàng năm. Hai bên trang thờ Bà còn đặt trang thờ Kim Huê nương nương (Mẹ Sinh, Mẹ Đậu) bên phải và Long Mẫu nương nương bên trái. Gian phụ đặt thờ Quan Thánh, Địa Tạng, Thần Tài. Tủ kính lớn tại gian chính điện đặt tượng Bát Tiên và tướng lịnh của Ariès ký tên cấm các binh sĩ Pháp và Y-Pha-Nho phá phách miếu, tướng lịnh được lưu giữ từ năm 1860.
Ngoài các hiện vật quý, trong miếu còn có các pháp khí như: đỉnh trầm, lư trầm, lư hương bằng đá sa thạch... do người Hoa thành kính tín ngưỡng Bà đã dâng cúng.
Là ngôi miếu quan trọng nhất ở Thành phố đặt thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng một số hiện vật quý trong miếu, là một trong những ngôi miếu cổ của người Hoa thu hút đông đảo đồng bào Hoa - Việt đến lễ chùa, vãn cảnh. Miếu Bà có vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Hoa trong quá trình định cư ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
 
 





   
 
 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành