Số người đang online : 41 CHIẾN THẮNG ẤP BẮC - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

CHIẾN THẮNG ẤP BẮC
post image
CHIẾN THẮNG ẤP BẮC

Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định 43-VH/QĐ...

CHIẾN THẮNG ẤP BẮC


1. Tên di tích:
Chiến thắng Ấp Bắc
2. Loại công trình: Công cộng
3. Loại di tích: lịch sử
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định 43-VH/QĐ ngày 07 tháng 01 năm 1993
5. Địa chỉ: Ấp Bắc là một ấp của xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho nay là tỉnh Tiền Giang
 

6. Thông tin về di tích: Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nơi diễn ra trận đánh lớn nhất miền Nam kể từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 02 tháng 01 năm 1963, báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Do thất bại nặng nề trong trận đánh, chúng cho pháo và máy bay ném bom vào trận địa Ấp Bắc, làm cháy trụi nhiều nhà của nhân dân. Mặc dù vậy, các mẹ, các chị vẫn nấu cơm tiếp tế cho bộ đội. Từ đấy đã vang lên những câu ca dao ca ngợi tấm lòng của người dân Ấp Bắc:
"Bom rơi thì mặc bom rơi
Chị em Ấp Bắc vẫn khơi bếp hồng
Thổi nồi cơm dẻo thơm nồng
Giúp anh bộ đội no lòng đánh hăng"
Từ trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Tân Phú đến khu di tích chừng 500 m. Chính tại nơi đây hơn 40 năm về trước, đã diễn ra trận đánh ác liệt, dồn dập, đi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Đống Đa hay Chi Lăng. Khu di tích là một quần thể kiến trúc nằm trong khuôn viên chừng 2 ha bao gồm 2 khu vực:
 Khu vực 1 gồm có tượng đài, nhà mộ ba chiến sĩ gang thép, 3 hồ sen lớn, nhà trưng bày xe tăng, máy bay, công viên với nhiều loại cây kiểng. Có lẽ ấn tượng nhất trong khuôn viên này là tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép cao sừng sửng, nặng 18 tấn: người cầm súng, người cầm thủ pháo hiên ngang đứng trên xe tăng địch, làm cho ta phảng phất hình ảnh của những chiến sĩ cầm cờ Tổ quốc trên nóc hầm tướng De Castrie ở trận Điện Biên Phủ năm nào. Tác giả là nhà điêu khắc Nguyễn Hải, do cơ sở đúc đồng Phương Nam (Thủ Đức -  TPHCM) thực hiện, khánh thành năm 1998 nhân kỷ niệm 35 năm chiến thắng Ấp Bắc. Phía trước tượng đài khoảng 3m là một ngôi mộ cổ sơn màu trắng còn chi chít những vết đạn. Theo những cụ cao niên ta kể lại thì đây là ngôi mộ của một bà Cả. Ba chiến sĩ Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch và Hùng (không biết họ) đã nấp ở ngôi mộ này cầm cự suốt, không cho địch tiến vào trận địa rồi bất ngờ nhảy lên xe M113 ném thủ pháo phá huỷ 1 xe, diệt 5 tên địch trên xe, 2 xe còn lại hốt hoảng tháo chạy trở ra. Khi 3 đồng chí quay về công sự thì bị địch chặn đánh và đã hy sinh anh dũng. Nhân dân đặt cho tổ cái tên trìu mến và đầy tự hào Tổ gang thép Nguyễn Văn Đừng, riêng 3 chiến sĩ ấy tôn vinh Ba chiến sĩ gang thép.
Tại nhà mộ 3 chiến sĩ gang thép. Ba ,ngôi mộ nằm song song nhau, phía trên lúc nào cũng nghi ngút khói hương của khách tham quan, các anh đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Sát ngôi mộ là bảng thành tích của trận đánh Ấp Bắc: 450 tên ngụy quân Sài Gòn chết và bị thương, 3 cố vấn Mỹ chết và 4 tên khác bị thương, 8 máy bay trục thăng bị bắn hạ, 3 xe lội nước M113 bị cháy, 1 tàu chiến bị đánh chìm.
 Khu vực 2 gồm có Nhà trưng bày hiện vật.Tại đây, các hiện vật như súng, vỏ đạn, xác máy bay của địch, các trang phục của bộ đội ta trong trận đánh này vẫn được gìn giữ. Ngoài ra còn có hình ảnh các chiến sĩ, những người anh hùng đã làm  nên trận Ấp Bắc.
Phía dưới nhà trưng bày là hồ sen, bên trái là quảng trường và công viên được trồng cây cảnh, tạo cảnh quan chung quanh khu di tích rất khang trang sạch đẹp. Phía sau là những mô hình được phục chế tái hiện lại như cảnh dân quân tải thương, nấu cơm, trảng xê, hầm bí mật. Ngoài cánh đồng rộng lớn là những biểu tượng máy bay, xe tăng địch bị bốc cháy.
Hàng năm, vào ngày 2/1 Tỉnh ủy và UBND Tỉnh Tiền Giang, huyện ủy và UBND huyện Cai Lậy cùng đồng bào địa phương long trọng làm lễ mít tinh tại khu di tích này. Những năm chẵn làm lế hội “Chiến thắng Ấp Bắc” được diễn ra nhiều ngày, thu hút hàng vạn người đến tham gia.
Di tích Ấp Bắc được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia theo quyết định số 43/QĐBT ngày 7 tháng 1 năm 1993.
 
 

 






 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành