Số người đang online : 38 CÁC ĐỊA ĐIỂM LIÊN QUAN ĐẾN CUỘC KHỞI NGHĨA TRƯƠNG ĐỊNH: ĐỀN THỜ TRƯƠNG ĐỊNH, ĐÁM LÁ TỐI TRỜI, AO DINH - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

CÁC ĐỊA ĐIỂM LIÊN QUAN ĐẾN CUỘC KHỞI NGHĨA TRƯƠNG ĐỊNH: ĐỀN THỜ TRƯƠNG ĐỊNH, ĐÁM LÁ TỐI TRỜI, AO DINH
post image
CÁC ĐỊA ĐIỂM LIÊN QUAN ĐẾN CUỘC KHỞI NGHĨA TRƯƠNG ĐỊNH: ĐỀN THỜ TRƯƠNG ĐỊNH, ĐÁM LÁ TỐI TRỜI, AO DINH

Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 66 /2004/BVHTT...

CÁC ĐỊA ĐIỂM LIÊN QUAN ĐẾN CUỘC KHỞI NGHĨA TRƯƠNG ĐỊNH: ĐỀN THỜ TRƯƠNG ĐỊNH, ĐÁM LÁ TỐI TRỜI, AO DINH


1. Tên di tích: Các địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa Trương Định: Đền Thờ Trương Định, Đám Lá Tối Trời, Ao Dinh.
2. Loại công trình: Đền thờ, di tích
3. Loại di tích: Di tích lịch sử cách mạng
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 66 /2004/BVHTT ngày 10 tháng 8 năm 2004 của Bộ Văn Hoá Thông Tin.
5. Địa chỉ di tích:
- Đền thờ Trương Định: Ấp 2 Xã Gia Thuận - Gò Công Đông - Tiền Giang
- Ao Dinh: Ấp 3 Xã Tân Phước - Gò Công Đông - Tiền Giang
- Đám lá tối trời: Rừng Xã Gia Thuận - Gò Công Đông - Tiền Giang
6. Tóm lược thông tin về di tích:
 
Nằm về phía Đông của Thị Xã Gò Công, cách thị xã khoảng 13km, đền thờ anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định toạ lạc giữa cánh đồng của xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Sau ngày 20-8-1864 ngày AHDT Trương Định tuẫn tiết tại xã Tân Phước, cách nơi này khoảng 3km, nhân dân gia thuận lập đền thờ Trương Định để che mắt giặc, đền thờ được gọi là đình Gia Thuận, cho nên đến nay nhiều người vẫn gọi là đình Gia Thuận.
Đây là vùng đất mà ngày xưa Trương Định đã khai hoang lập đồn điền theo lời kêu gọi của Triều đình nhà Nguyễn. Đền thờ ban đầu chỉ là 1 miếu nhỏ bằng tre lá, dần dần được tu sửa và tôn tạo bằng các loại gỗ quí và lợp ngói âm dương có diện tích 50m2.
Vào những năm 20 của thế kỷ XX dân làng Gia Thuận lại trùng tu và làm thêm vỏ ca để làm nơi hội họp hát bội vào các ngày lễ bái. Năm 1949 giặc Pháp đốt cháy đền, chỉ còn lại những tảng đá làm chân cột .
Phía bên phải đền là một ao nước, nay đã  được làm bờ kè và nhà thuỷ tạ .
Tương truyền rằng ngày xưa Trương Định đã cho đào ao chứa nước mưa để dân khai hoang dùng vào mùa khô .
Năm 1956 dân làng Gia Thuận lại làm đền thờ nhưng chỉ là ngôi đền đơn sơ . Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng ,Tỉnh Tiền giang cho tu bổ thêm. Đặc biệt năm 2009, tỉnh Tiền Giang cho  mở rộng di tích và cho xây dựng khá qui mô để làm lễ hội Trương Định .
Nhân lễ giỗ lần thứ 145 ngày anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết, di tích này được Bộ văn hoá thông tin  nay là Bộ văn hoá thể thao và du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 2004 .
Hằng năm vào ngày 20 - 8 dương lịch, nhân dân trong vùng đều lập bàn thờ Trương Định ngoài trời.
Đám Lá Tối Trời

 
Vào giữa thế kỷ XIX (1853) Gia Thuận là đồn 2 điền, bản doanh của nghĩa quân Trương Định. Ông cho dựng nơi đây 1 trại lính (người bấy giờ gọi là Xóm Trại) .
Xóm Trại rộng khoảng 5 hec ta, vị trí trung tâm của Xóm Trại ngày nay là khu vực chợ  xã Gia Thuận. Tại đây ông đứng ra chiêu mộ dân nghèo khai hoang được 69 hecta để gây lương thực nuôi quân. Buổi đầu ông qui tụ được khoảng 500 người, với cơ số quân đó, theo qui định của Triều Đình nhà Nguyễn, đủ để thành lập 1 cơ, vì thế ông được Triều Đình nhà Nguyễn phong chức phó quản cơ, nhân dân lúc bấy giờ thường  gọi ông là Quản Định.
Cách Xóm Trại vào khoảng 2km về phía Đông là “Đám Lá Tối Trời” cùng với Xóm Trại ,“Đám Lá Tối Trời” là  bản doanh của nghĩa quân Trương Định .
 Gia Thuận trước đây là rừng nằm dọc theo sông Xoài Rạp, đây là rừng ngập mặn sình lầy, có nhiều thú dữ  trên cạn cũng như dưới sông: cọp, cá sấu, rắn độc… trên rừng có nhiều loại cây như: bần, mắm, cóc, dà, sú, vẹt, đước…. Rừng sâu cô tịch âm u hiểm trở, vì được bao bọc bởi nhiều lớp rừng cóc, rừng già. Đặc biệt là có rất nhiều cây dừa nước mặn, dân gian gọi là cây dừa lá (lá để lợp nhà) .
Rừng sâu, dừa lá mọc chen chúc, tàn cao bóng rợp, che khuất ánh sáng mặt trời, đi vào đây như đi vào đêm tối, nên dân gian gọi là “Đám Lá Tối Trời”.
Ao Dinh

 
Ao Dinh ngày nay thuộc ấp 3 xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, là xã giáp ranh với xã Gia Thuận. Ao Dinh cách đền thờ Trương Định khoảng 3km về phía Bắc .
Được tin Trương Định có mặt tại căn cứ Phước Lộc, Huỳnh Văn Tấn (thuộc hạ của Trương Định trước đây ra đầu hàng Pháp) vội vã phối hợp với 1 đại đội quân Pháp do Thiếu tá Paulin - Vial trực tiếp chỉ huy bao vây làng Phước Lộc .
Đêm 19 rạng ngày 20 tháng 8 năm 1864 nhằm ngày 17 rạng ngày 18 tháng 7 năm Giáp Tý, Trương Định nghỉ chân tại nhà thuộc hạ, trong một xóm nhỏ gần Ao Dinh. Lúc nửa đêm chúng huy động lực lượng bất thần tấn công đánh úp vào ngôi nhà Trương Đinh và 25 bộ hạ thân tín trú ngụ Ông và nghĩa quân chống trả quyết liệt “như những người anh hùng” (Lời của thiếu tá Paulin Vial) tiêu diệt được một số lính địch. Nhưng nghĩa quân vũ khí thô sơ chống không nổi giặc, Trương Định mở đường máu thoát vòng vây chạy về hướng Ao Dinh, nhưng chẳng may bị trúng đạn trọng thương.
Thực dân Pháp ra sức dụ hàng, nhưng với tấm lòng trung kiên vì dân vì nước, không muốn rơi vào tay giặc,Trương  Định đã rút gươm tuẫn tiết, giữ vững khí phách của người anh hùng.
Ngày 10 tháng 8 năm 2004  Bộ Văn Hoá Thông Tin đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, công nhận các địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa Trương Định bao gồm Đền Thờ Trương Định, Đám lá tối trời, Ao Dinh tại quyết định số 66/2004/BVHTT.
 
 




         


 
 
 
 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành