Số người đang online : 12 Trịnh Thị Miếng - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Trịnh Thị Miếng
post image
Trịnh Thị Miếng

Nhớ về những nữ đại biểu đầu tiên của Quốc hội khóa I là nhớ về kỷ niệm của những ngày đầu “dựng nước, giữ nước”. Khi ấy, đất nước ta đang phải trải qua những khó khăn vô cùng lớn lao: Thù trong, giặc ngoài, vận mệnh dân tộc ngàn cân treo sợi tóc, nhưng dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng, toàn dân ta đã đoàn kết, Quốc hội ta đã vững vàng động viên khí phách của dân tộc đứng lên chống kẻ thù xâm lược và đưa đất nước trải qua các chặng đường thắng lợi của cách mạng, làm cho non sông ta vững mạnh như ngày nay.

10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946 là các chị: Nguyễn Thị Thục Viên (đại biểu Hà Nội), Vũ Thị Khôi (đại biểu Bắc Ninh), Trương Thị Mỹ (đại biểu Hà Đông), Lê Phương (đại biểu Hải Dương), Cao Thị Khương (đại biểu Hưng Yên), Tôn Thị Quế (đại biểu Nghệ An), Lê Thị Xuyến (đại biểu Quảng Nam), Trịnh Thị Miếng (đại biểu Gia Định), Nguyễn Thị Thập (đại biểu Mỹ Tho), Ngô Thị Huệ (đại biểu Bạc Liêu). Các chị đã được Quốc hội cử giữ những trọng trách ngay từ phiên họp đầu tiên. Chị Lê Thị Xuyến tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã được bầu làm Ủy viên Thường trực Quốc hội, đến kỳ họp thứ 2 của khóa I, chị Lê Thị Xuyến lại được bầu tiếp làm Ủy viên Thường trực Quốc hội và chị Nguyễn Thị Thục Viên là Ủy viên dự khuyết Ủy ban Thường trực Quốc hội. Trong kháng chiến có chị đã là Thứ trưởng như chị Lê Phương. Chị Trương Thị Mỹ đã từng là Phó chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Thập là Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam nhiều khóa… Các chị đều là những cán bộ gương mẫu, tận tụy, có bề dày thành tích, nhiều chị đã trải qua các nhà tù của đế quốc vẫn giữ vững khí tiết cách mạng như chị Trương Thị Mỹ; có chị phải hy sinh một phần hạnh phúc của gia đình để tham gia kháng chiến. Chị Nguyễn Thị Thục Viên là một trí thức của Thủ đô, đại biểu duy nhất là nữ trong đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Chị Trịnh Thị Miếng, Ngô Thị Huệ đã lặn lội tại bưng biền Nam Bộ, hoạt động liên tục trong 2 cuộc kháng chiến. Chị Ngô Thị Huệ là phu nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trong những ngày đầu dựng nước khi Cách mạng Tháng Tám mới thành công, giặc Pháp và quân Anh xâm chiếm Nam Bộ từ ngày 23-9-1945, chị Huệ đã được đoàn thể cử ra Bắc để được gặp Trung ương và Bác Hồ xin chỉ thị. Chị Vũ Thị Khôi là nữ đại biểu Quốc hội của tỉnh Bắc Ninh. Có một điều đặc biệt là chồng chị, đồng chí Nguyễn Duy Thân cũng là Đại biểu Quốc hội của Bắc Ninh.

Các chị đã để lại cho các thế hệ sau này những tấm gương sáng về lòng trung thành với cách mạng, tận tụy với công việc, liêm khiết, trong sáng trong đời sống. Sau hơn nửa thế kỷ, Quốc hội ta đã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là số chị em nữ tham gia vào Quốc hội ngày càng nhiều. Nếu như khóa I chỉ có 10 chị trên tổng số 333 đại biểu thì khóa II (1960 – 1964) đã có 49 nữ, khóa III (1964-1971) đã lên tới 61 nữ, khóa V là khóa thống nhất đất nước (1976-1981) đã có đến 132 nữ đại biểu trong tổng số 492 đại biểu Quốc hội.

 Bà sinh năm 1912 tại Bà Điểm, xã Tân Thới Nhất, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Tham gia hoạt động Cách mạng từ năm 1934. Những năm 1936 – 1939 chị là liên lạc viên của Xứ ủy và của Trung ương Đảng. Chị đã tham gia vận động, bố trí cơ sở nuôi chứa, bao bọc các đồng chí Trung ương Đảng về hoạt động và họp hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7 tại vùng Bà Điểm, 18 Thôn Vườn Trầu – Gò Vấp – Hóc Môn.

Về công tác bảo vệ Đảng, trong năm 1939 – 1940, Tỉnh ủy Gia Định giao cho bà Chín Miếng chịu trách nhiệm, lo bố trí địa điểm, tổ chức bảo vệ cho các cuộc họp của Xứ ủy, thường có mặt các đồng chí Võ Văn Kiệt, Nguyễn Thị Minh Khai, Tạ Uyên … và các cuộc họp của Tỉnh ủy Gia Định. Bà Chín Miếng chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn từ Bà Điểm đến Hóc Môn. Cho đến ngày khởi nghĩa 23-11-1940, các cuộc họp Xứ ủy, Tỉnh ủy đều được bảo vệ bí mật, an toàn.

Năm 1937, bà là Quận ủy viên Quận Gò Vấp. Sách báo tài liệu truyền thống phụ nữ Nam Bộ đều ghi nhận bà là liên lạc viên trung kiên nhất của Đảng thời kỳ bí mật. Bà vừa là liên lạc, vừa tham gia vận động tổ chức những cuộc đấu tranh của các tầng lớp phụ nữ Gia Định. Như năm 1938, phụ nữ Gia Định tổ chức mít tinh ủng hộ ba đồng chí: Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn ra tranh cử Hội đồng Thành phố Sài Gòn. Bà Thử cầm cờ đi đầu, bà Chín Miếng, bà Tư Giả, và Hai Sóc theo sát để hộ vệ. Cuộc mít tinh đã góp phần cho ba đồng chí đắc cử vô “nghị trường”, đấu tranh công khai cho quyền lợi dân chúng.

Cách mạng tháng Tám thành công, Tỉnh ủy giao cho bà Chín Miếng và và Mười Lụa đảm nhận phong trào Phụ nữ tỉnh Gia Định, chuẩn bị cùng toàn dân Gia Định bước vào cuộc trường chinh 9 năm gian lao vào anh dũng.

Năm 1946, bà là Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc đầu tiên của Tỉnh Gia Định và là người phụ nữ đầu tiên của quận Gò Vấp được bầu là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I năm 1946 và liên tiếp các khóa II, III khi bà tập kết ra miền Bắc.

Suốt cuộc đời theo Đảng làm cách mạng, giữ nhiều trọng trách, được thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, nhà Cách mạng lão thành Trịnh Thị Miếng hết sức nhã nhặn, khiêm tốn. Trong bản lý lịch, ta thấy bà tự nhận xét: “Lúc nhỏ nhà nghèo, không được đi học”, “Ngày vào Đảng không biết chữ”. Tự nhận xét cuối đời: “Có tinh thần trách nhiệm. Đảng giao việc gì cũng tích cực làm tròn. Khuyết điểm: Trình độ văn hóa và lý luận kém”. Thật là một tấm gương soi sáng cho mọi tấm lòng của chúng ta. Quyển lịch sử truyền thống phụ nữ quận Gò Vấp đã viết những dòng hết sức thân thương về bà: “Khi Cách mạng tháng Tám vừa thành công, trụ sở cơ quan phụ nữ Cứu quốc quận Gò Vấp đóng ở Trung Nhứt. Ban chấp hành do chị Trịnh Thị Miếng làm Đoàn trưởng. Chị em phụ nữ còn gọi thân mật là chị Chín Miếng, chị Chín Trầu bởi chị ghiền ăn trầu xỉa thuốc rê, đi đến đâu chị cũng xách giỏ trầu cau… Bản chất chị rất là phụ nữ Nam bộ, cần cù, tận tụy công tác, trung thành với Đảng, hết dạ vì dân vì nước, sống giản dị chan hòa với chị em, mọi người đều thương mến chị. Ngày 6-1-1946 nhân dân toàn quốc đi bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong quận Gò Vấp chị Trịnh Thị Miếng đắc cử Quốc hội…Chị là ngọn cờ tiêu biểu cổ vũ cho phong trào phụ nữ Gò Vấp, phụ nữ tỉnh Gia Định…”

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành