Số người đang online : 18 Nguyễn Thị Bảy - Hoàng hậu đỏ - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Nguyễn Thị Bảy - Hoàng hậu đỏ
post image
Nguyễn Thị Bảy - Hoàng hậu đỏ

 

Cùng nằm trong trong bối cảnh khủng bố trắng Khởi nghĩa Nam Kỳ, cuộc nổi dậy năm 1940 ở hai tỉnh Tân An - Chợ Lớn bị bọn Pháp tăng cường quân, đàn áp đẫm máu. Có biết bao người con ưu tú của Long An hy sinh, biết bao cán bộ Đảng viên rơi vào tay quân Pháp. Những người mẹ, người chị trên đất Tân An - Chợ Lớn lại phải hứng chịu những tổn thất, đau thương và mất mát không gì bù đắp nổi. Và cũng chưa bao giờ khí tiết của những người Cộng sản để lại trong nhân dân lòng kính phục, yêu mến đến như thế…

Ở Cần Giuộc, sau hơn 20 ngày nhân dân vùng lên sôi sục và quyết liệt, bọn thực dân Pháp bắt đầu khủng bố trắng. Ở các làng “cộng sản dậy”, hầu như nơi nào cũng diễn ra các vụ tàn sát, bắn giết của địch. Do bị khai báo, Tổng Phước Điền Trung là nơi có số nghĩa quân bị địch bắt nhiều nhất. Đến giữa tháng 12, nhiều đồng chí và quần chúng cách mạng trung kiên lần lượt sa vào tay giặc. Đồng chí Nguyễn Văn Ớt, trong ban chỉ đạo khởi nghĩa của Cần Giuộc cũng hy sinh. Nhiều ngôi nhà ở Phước Lại, Phước Vĩnh Tây, Long Đức Đông bị đốt cháy, trong đó có cơ ngơi của ông Trần Chí Mười - một điền chủ lớn trong vùng, thân sinh của đồng chí Trần Chí Nam - Tỉnh ủy viên, thành viên Ban chỉ đạo Tỉnh Chợ Lớn.

Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 14/12/1940, hai đồng chí Nguyễn Thị Bảy, Trần Chí Nam trên đường đi công tác định sang kinh Hàn tước khẩu súng hơi của tên Hương chánh Gần, qua bến đò làng Long Đức Đông, cách thị trấn Cần Giuộc chừng một cây số, bất ngờ gặp một toán lính Lê Dương đi càn quét. Biết bị lộ, hai đồng chí tạt xuồng vào mé bờ. Đồng chí Trần Chí Nam nhảy lên bờ cùng với một khẩu súng, liền bị bọn lính Lê Dương bắn rượt, hy sinh tại chỗ. Còn một mình, chị Bảy nhảy xuống sông, ráng sức nhận chìm chiếc xuồng để thủ tiêu tài liệu. Địch nhảy xuống, bắt lấy chị. Chúng ném chị lên ghe ông Mười Nhứt, bắt ông chở thẳng chị về đồn rồi thủ tiêu luôn ông Mười…

Do có bọn tề nhận mặt, địch biết rõ danh phận của chị Nguyễn Thị Bảy - Tỉnh ủy viên Tỉnh Chợ Lớn, Bí thư quận ủy, Trưởng ban khởi nghĩa Cần Giuộc. Ngay khi bị bắt, địch đánh đập chị vô cùng tàn nhẫn. Chúng lấy súng đánh vào đầu chị, máu tuôn ướt đẫm. Chị lấy máu mình bôi vào bọn chúng nói: “Tôi muốn cho các người thấy tôi cũng như các người, cũng đầu đen máu đỏ, là người Việt Nam da vàng như nhau. Tôi chỉ là một người đàn bà yêu nước, các người đánh tôi như thế này không thấy nhục sao?!”.

Từ Cần Giuộc, chúng giải chị Bảy về bót Pô-lô… Chúng dùng đủ cực hình dã man tra tấn chị. Mỗi lần bị nhục hình, chị trừng mắt nhìn thẳng mặt quân thù, đanh thép nói: “Chúng bây là bọn người cướp nước và bán nước! Vì vậy, chúng tao là những người Cộng sản có nhiệm vụ cùng nhân dân đánh đổ bọn bây, giành lại nền độc lập cho đất nước”.

Trước sự bất khuất của chị Bảy, bọn lính bót Pô-lô đành bó tay khuất phục. Chúng đặt cho chị biệt danh “Hoàng hậu đỏ”, chuyển chị qua khám Phú Mỹ- nơi biệt giam những nữ tù nhân để chờ ngày đưa ra tòa án quân sự kết án. Chị Nguyễn Thị Bảy thường căn dặn các đồng chí: “Sớm muộn gì địch cũng xử tử tôi. Chị em cứ mạnh dạn đấu tranh, có chuyện gì tôi nhận hết!”.

Sau 4 tháng bị giam giữ, chị Bảy bị kết án tử hình. (Chị Nguyễn Thị Bảy và Nguyễn Thị Minh Khai là hai trường hợp duy nhất lãnh án tử hình trong danh sách 100 nữ tù chính trị bị kết án). Hôm ra tòa, chị Bảy vẫn lạc quan, bình tĩnh. Chị ôm chặt các bạn tù lần cuối cùng, không quên dặn dò: “Các đồng chí ở lại, ráng đoàn kết đấu tranh, để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên!”.

Ngày 26/5/1941, chúng đem chị Nguyễn Thị Bảy cùng bốn đồng chí nữa xử bắn tại sân banh Cần Giuộc. Đặc biệt, thị thiền buổi xử bắn hôm ấy là Đốc Phủ Chương (Nguyễn Văn Chương) - lúc ấy là chủ quận Cần Giuộc, sau này là Đô trưởng Sài Gòn. Trong quá trình tìm hiểu thêm về cái chết anh dũng của “Hoàng hậu đỏ”, chúng tôi may mắn gặp được bà Nguyễn Thị Thương, con gái ngài “Đốc phủ Chương” - người chủ quận đã chứng kiến cái chết của chị Bảy. Bà Thương nói: “Hôm ấy đã để lại trong lòng cha tôi ấn tượng rất sâu đậm. Cha đã kể về cái chết anh hùng của chị Bảy như sau:

“Hôm ấy, đồng bào kéo đi xem rất đông. Lính mã tà vất vả lắm mới giữ được trật tự. Bốn xe đến, xe đầu chở Cò Tây, xe kế chở lính - một số là lính Lê Dương, xe thứ 3 chở 5 người bị xử tử và xe thứ 4 chở 5 cái hòm…

Chị Nguyễn Thị Bảy mặc bộ đồ lãnh đen, đội khăn lông trắng, bình tĩnh xuống xe. Hai tên lính sen đầm đưa chị đến cột bắn chính giữa… 25 tên lính, một hàng quỳ, một hàng đứng, sẵn sàng bóp cò. Linh mục đến xin rửa tội, chị Bảy lắc đầu không nhận. Chị nói lời cuối cùng với đồng bào: “Đồng bào hãy tiếp tục đấu tranh đánh đế quốc Pháp, giành lại độc lập dân tộc, kỳ này khởi nghĩa thất bại, kỳ sau nhất định thành công”. Chị không cho bịt mắt, ngó thẳng vào họng súng của quân thù…”.

Cái chết của Chị Bảy để lại niềm khâm phục, nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng đồng bào. Trên hàng ghế dành cho chủ quận, người dân nhận thấy gương mặt Đốc phủ Chương ròng ròng lệ. Bà Thương nói: “Sau năm 1945, khi giặc Pháp quay trở lại, cha tôi đang giữ chức Đô trưởng Sài Gòn, từ bỏ mọi vinh hoa phú quý để vào chiến khu. Ông nói, một trong những điều thôi thúc ông chọn con đường kháng chiến là cái chết anh dũng của chị Nguyễn Thị Bảy…”.

 

 

Tranh tái hiện quân Pháp khủng bố trắng Khởi nghĩa Nam Kỳ
được trưng bày tại Khu di tích Nam Kỳ Khởi nghĩa - Tỉnh Tiền Giang.

 

  • NGÔI MỘ TẬP THỂ Ở GIỒNG CÁM - NỖI BI PHẪN MỘT THỜI

 

Cũng như nhiều địa phương khác, sau khi khởi nghĩa thất bại, Đức Hòa chìm trong cuộc khủng bố trả thù đẫm máu của bọn thực dân Pháp. Cùng với hàng chục người con ưu tú của Đức Hòa bị đưa ra trường bắn sau Khởi nghĩa Nam Kỳ như đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Văn Dương - tự Vườn, Lê Văn Lao…, không ít các nữ cán bộ, Đảng viên và quần chúng ở Đức Hòa hy sinh và bị bắt vào tù sau cuộc khởi nghĩa.

Cuộc khủng bố bắt đầu từ chiều ngày 23/11/1940, kéo dài đến 3 tuần lễ mà cho đến hôm nay, dấu ấn tàn sát đẫm máu còn đọng lại ở di tích Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Đức Hòa. 8 giờ sáng ngày 24/11/1940, một đại đội Lê Dương do Trung úy Peronard đến Đức Hòa, có Jacquot và Martineau dẫn theo đội lính lưu động của Gia Định và Chợ Lớn yểm trợ. Chúng dùng xe nồi đồng gắn liên thanh bắn rạp cả các bụi tre ven đường.

Ở nhà ông Biện Sử, chúng trói ông và người con trai là Hai Song liệng vào đống lửa. 15 giờ ngày 13/11, chúng cho máy bay trinh sát, oanh tạc, săn đuổi quân khởi nghĩa ở Giồng Ông Tường và Giồng Lốt (ấp Nhơn Hòa và Hậu Hòa của Đức Hòa). Suốt hơn một tuần lễ, địch mở cuộc càn quét vào các làng Đức Hòa, Mỹ Hạnh, Hựu Thạnh, Đức Lập và vùng ven thị trấn…

 

 

Bà Huỳnh Thị Sưa - nhân chứng tham gia Nam Kỳ Khởi nghĩa
ở xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

 

Nữ đồng chí Võ Thị Phái - Đảng viên được kết nạp năm 1930, Quận ủy viên hy sinh trong Khởi nghĩa Nam Kỳ là một tổn thất không gì bù đắp được cho phong trào phụ nữ Đức Hòa. Dù đã hơn nửa thế kỷ, cái chết của bà Võ Thị Phái đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào Đức Hòa. Theo lời kể của anh Võ Văn Đấu, cháu đích tôn Võ Văn Tần, gọi bà Phái bằng “Bà cô”, thì bà bị giặc Pháp bắn cùng Huỳnh Thị Chiều, Phan Ngọc Sở, Nguyễn Thị Hoàn vào tháng 11/1940 tại Giồng Cám, nơi Quản Nên - tên tay sai khét tiếng bị nghĩa quân trừng phạt. Và cũng tại Giồng Cám, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đã được cắm trên cây dầu cổ thụ.

Giặc bố ráp, bắt được bà tại Bình Thủy. Chúng đưa bà về quận lị thẩm vấn. Bà hiên ngang nói lớn vào mặt quận Hậu: “Chánh phủ tụi bây là chánh phủ ăn cướp. Theo tụi bây, làm sao dân sống yên ổn, làm ăn được”. Bà bị đánh đập tàn nhẫn nhưng kiên quyết không khai báo. Không khai thác được gì ở Bà, chúng tức giận đem bà ra Giồng Cám cùng một số người bị bắt nữa hành hình. Cái chết của bà Võ Thị Phái ở Giồng Cám đã gieo vào lòng dân Đức Hòa nỗi căm phẫn và căm thù giặc sâu sắc. Hơn nửa thế kỷ sau, ngôi mộ tập thể trên con đường đất đỏ xuyên qua Giồng Cám vẫn còn tồn tại và trở thành một di tích của Nam Kỳ Khởi nghĩa trên quê hương Đức Hòa.

Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, anh em nghĩa quân khoảng 150 người tứ xứ, người Đức Hòa, Trung Quận, Hựu Thạnh, một số khác từ Cai Lậy - Mỹ Tho kéo qua. Hoàn cảnh sinh sống lúc ấy rất khó khăn, anh em phải lo từng miếng ăn, hớp nước nhưng vẫn ra được tờ báo Dân cày. Ban chỉ huy nghĩa quân chấn chỉnh lại đội ngũ, vừa luyện tập đánh giặc, vừa học chính trị. Các anh còn hoạt động vũ trang, tuyên truyền ngoài khu căn cứ.

 

 

 

 

Ngôi mộ tập thể chôn bà Võ Thị Phái bị Pháp giết chết trong khủng bố
trắng Nam Kỳ ở Giồng Cám, Đức Hòa mùa Đông năm 1940.

 

Mãi đến cuối tháng 3/1941, đồng chí Trần Trung Tam, Bí thư Tỉnh ủy Tân An về đến căn cứ Mớp Xanh - Bo Bo truyền đạt chỉ thị của Xứ ủy: “Ta phải biết rút lui tạm thời, có kế hoạch xây dựng cơ sở chính trị, chuẩn bị cho một cuộc tổng khởi nghĩa khi có thời cơ đến”. Anh em bùi ngùi chia tay nhau. Một số có người thân, gia đình khá giả lo được thẻ thuế thân để tạm lánh đi nơi khác. Số ít không biết về đâu tình nguyện ở lại khu căn cứ, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Văn Của (Mười Râu). Anh em đã vượt qua muôn vàn khó khăn vừa sản xuất tự túc, vừa xây dựng cơ sở, trụ bám dân, bám đất cho đến mãi tháng 8/1945 mới kéo về tham gia giành chính quyền.

… Hơn 60 năm đã trôi qua, những ngày đám giỗ hội mùa đông năm 1940 là một bằng chứng hiển nhiên về tội ác của địch đối với đồng bào trên vùng đất ven đô án ngữ phía tây nam Sài Gòn. Trong đau thương, vẫn còn đó khí phách của những người phụ nữ ven đô…

 

Nguồn: Tạp chí Hồn Việt

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành