Số người đang online : 38 Lê Hiển Tông (1740-1786) - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Lê Hiển Tông (1740-1786)
post image
Lê Hiển Tông (1740-1786)

Lê Hiển Tông tên huý là Duy Diêu, là ông vua trị vì lâu thứ 2 trong lịch sử phong kiến nước ta - 46 năm, và thọ 70 tuổi.

Nhờ có tài giúp đỡ của Minh Vương Trịnh Doanh nên mười năm sau đất nước trở lại bình yên, dân được an cư lạc nghiệp, được ca ngợi là thời thái bình.

Tháng Giêng năm 1764, Hiển Tông lập Duy Vĩ làm thái tử. Năm 1767 Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm lên thay làm nguyên soái Tĩnh Đô Vương, tháng 3 năm 1769, Trịnh Sâm truất ngôi thái tử của Duy Vĩ rồi bắt giam vào ngục. Tháng 8 năm 1769, Trịnh Sâm giả mệnh vua truất thái tử làm thứ dân rồi vẫn giam ở ngục, lập Duy Cận con thứ của Lê Hiển Tông làm thái tử.

Tháng 12/1771, Trịnh Sâm sai giết thái tử Duy Vĩ, đến tháng Giêng năm 1783 lập Duy Kỳ làm Hoàng Thái Tôn, truất Duy Cận làm Sùng nhượng công.

Lê Hiển Tông (chữ Hán: 黎顯宗, 1717 – 1786) tên húy là Lê Duy Diêu (黎維祧,黎維𥚻), là vị hoàng đế áp chót của nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi từ tháng 5 năm 1740, sau khi Trịnh Doanh ép vua Lê Ý Tông nhường ngôi cho ông, đến ngày 17 tháng 7 năm 1786[1]. Ông là con trưởng của vua Lê Thuần Tông, làm vua được 47 năm, thọ 70 tuổi, là vị vua ở ngôi lâu nhất và là vua thọ nhất của nhà Hậu Lê. Đời Hiển Tông chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Hưng.


Việc phế lập trước khi lên ngôi

Thời Lê trung hưng, nhà Lê mất hết quyền hành. Triều chính do các chúa Trịnh thao túng. Việc lập vua, thậm chí lập hoàng hậu và thái tử đều có sự can thiệp của họ Trịnh.

Sau cái chết bức tử của Lê Kính Tông (1619), các vua Lê đều nép mình không dám chống đối họ Trịnh. Suốt hơn 100 năm, việc nối ngôi của các đời vua Lê ổn định không có xáo trộn. Tuy nhiên tới cuối niên hiệu Thái Bảo thời Lê Dụ Tông, khi hoàng tử Duy Diêu lớn lên, lại bắt đầu xảy ra việc phế lập.

Tháng Bảy năm 1727, chúa Trịnh Cương phế con trưởng của Lê Dụ Tông là Lê Duy Tường, lập em là Duy Phường, là con của Trịnh Thị, con gái Trịnh Cương, làm thái tử.

Năm 1729, Lê Dụ Tông chết, Duy Phường lên nối ngôi.

Sau khi Trịnh Cương chết (cùng năm 1729), Trịnh Giang nối ngôi lại muốn thay đổi việc làm của cha vì Trịnh Cương khi sống từng có ý định thay ngôi thế tử của mình, nên lại tiếp tục làm việc phế lập. Tháng Tám năm 1732, Trịnh Giang truất Lê Duy Phường làm Hôn Đức Công, đưa Duy Tường lên ngôi vua, tức Lê Thuần Tông.

Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (gọi tắt là Cương mục), việc Trịnh Giang "thi hành việc bỏ vua này lập vua khác, để ra oai với thần hạ, bèn mượn việc khác vu cho nhà vua".

Tháng Tư năm 1735, Thuần Tông mất sớm, Trịnh Giang lại lập Duy Thận, em Thuần Tông làm vua, tức Lê Ý Tông. Tháng 9 năm đó, Giang giết luôn vua từng bị phế là Hôn Đức Công Lê Duy Phường.

Theo Cương mục, khi đó Duy Diêu 19 tuổi, là người cao tuổi nhất trong các hoàng tử của Thuần Tông, "nhưng Trịnh Giang e rằng Duy Diêu tuổi đã trưởng thành, và nhận thấy Duy Thận (17 tuổi) là cháu ngoại bà thái phi Vũ Thị, trước kia vẫn nuôi nấng ở trong phủ, thân cận yêu đương có phần dễ kiềm chế. Giang mới nói thác ra rằng diện mạo Duy Thận giống như tiên đế, nên quyết ý lập làm vua. Bầy tôi không ai dám nói gì cả."
Được lên ngôi thời loạn lạc

    Bài chi tiết: Trịnh Doanh

Trịnh Giang ăn chơi không lo việc triều chính. Bên ngoài, nhân dân nhiều nơi nổi dậy khởi nghĩa, nhiều người dùng khẩu hiệu "Phù Lê diệt Trịnh" để gây thanh thế, đó là phong trào khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài.

Nhân cơ hội đó, tháng 12 năm 1738, các hoàng thân Lê Duy Mật, Lê Duy Quy (con của vua Lê Dụ Tông và là chú ruột của Duy Diêu) cùng Lê Duy Chúc (con của vua Lê Hy Tông) định làm binh biến diệt họ Trịnh ở kinh thành nhưng không thành công, bèn trốn ra ngoài dấy quân chống chúa Trịnh ở Thanh Hoa.

Trước tình hình biến loạn, triều đình và gia tộc họ Trịnh buộc phải ép Trịnh Giang thoái vị, đưa em là Trịnh Doanh lên ngôi vào tháng Giêng năm 1740. Trịnh Doanh có điều chỉnh trong cách đối xử với nhà Lê để thu phục lòng người, bình ổn và dẹp yên nội loạn. Chủ trương của ông khác hẳn với Trịnh Giang. Quan điểm của Trịnh Doanh là cố gắng duy trì quan hệ tốt đẹp với vua Lê, vẫn tôn phù nhà vua, tránh tối đa việc phế lập để không gây tai tiếng và tạo ra sự thù nghịch với phủ chúa.

Trong khi Trịnh Giang có chủ trương cứng rắn với nhà Lê thể hiện qua việc phế truất hoặc bắt giam những người thân gần nhất của lãnh đạo quân nổi dậy Duy Mật, Duy Quy, Duy Chúc thì Trịnh Doanh cố gắng tối đa trong khả năng của mình bảo vệ dòng chính thống của nhà Lê bằng cách mật sai người đưa Duy Diêu tới lánh ở nhà Bính quận công Vũ Tất Thận.

Tháng Năm năm 1740, chỉ năm tháng sau khi nắm quyền bính, Trịnh Doanh ép Lê Ý Tông trả ngôi vua lại cho ngành trưởng, đưa Lê Duy Diêu lên ngôi, tức là Lê Hiển Tông. Ý Tông được tôn lên làm thái thượng hoàng.
Ở ngôi yên ổn

Trịnh Doanh là chúa có tài, trong hơn 10 năm lần lượt dẹp hầu hết các cuộc khởi nghĩa của nông dân, đưa tình hình Đàng Ngoài ổn định trở lại.
Một chiếc đỉnh bằng gốm tráng men trang trí đắp nổi rồng và nghê do thợ làng Bát Tràng chế tạo vào năm 1736, thời Cảnh Hưng.

Dưới thời Trịnh Doanh, vua Lê Hiển Tông tuy cũng chỉ là bù nhìn, nhưng không phải đối diện với mối đe dọa có thể bị phế truất như những vua trước và nhận được sự tôn trọng nhất định từ phía phủ chúa, tuy chỉ mang tính hình thức.

Tháng Sáu năm 1751, một số cải cách hình thức trong quan chế của triều đình vua Lê đã được Trịnh Doanh cho phép tiến hành, như việc bổ nhiệm các quan đứng đầu lục bộ, lục khoa, các quan khanh… Tuy nhiên, tham tụng, bồi tụng, tức là gia thần của phủ chúa, mới là những người nắm quyền thực sự, còn thượng thư, thị lang các bộ chỉ là vị hão của triều đình.

Tháng Sáu năm 1754, Trịnh Doanh mời nhà vua ra sông Nhị duyệt binh. Đây là việc chưa từng có tiền lệ trước đó, bởi các chúa Trịnh luôn tìm cách ngăn cản tối đa việc vua Lê tiếp xúc trực tiếp với quân đội. Sự kiện này khẳng định lòng tin của Trịnh Doanh với nhà vua. Sách Cương mục chép:

    ”Trịnh Doanh lấy cớ rằng trong nước mới bình yên, bắt các quân lính phô trương sức mạnh, mời nhà vua ngự ra xét duyệt, trăm quan làm lễ chầu mừng. Bèn hạ lệnh cho thủy binh bày hàng chiến thuyền ở giữa sông, dung nghi quân sĩ rất tề chỉnh, bơi chèo ngược dòng nước, thuyền phóng đi như bay. Nhà vua rất bằng lòng, gần tối, xa giá trở về cung”

Tháng Sáu (nhuận) năm 1759, thượng hoàng Lê Ý Tông mất. Việc tang chế của Ý Tông, Trịnh Doanh cũng để cho Hiển Tông tự xếp đặt lấy.

Tháng 11 năm 1761, sứ thần nhà Thanh là Hàn lâm thị độc Đức Bảo và Đại lý thiếu khanh Cố Nhữ Tu sang Đại Việt phong cho Hiển Tông làm An Nam quốc vương.

Tháng Giêng năm 1764, vua Lê Hiển Tông lập con trưởng là Lê Duy Vĩ làm thái tử mà không có sự can thiệp của Trịnh Doanh. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trước đó. Quan hệ giữa Trịnh Doanh và thái tử Lê Duy Vĩ, của Hiển Tông, cũng rất tốt đẹp. Trịnh Doanh gả con gái là Tiên Dung quận chúa cho Duy Vĩ.
Nhẫn nhịn

Tháng Giêng năm 1767, Trịnh Doanh chết, con là Trịnh Sâm lên thay. Trịnh Sâm từ nhỏ đã có hiềm khích sâu nặng với thái tử Duy Vĩ, nên lại đối xử tàn bạo với nhà Lê, dù vẫn duy trì quan điểm của cha là không động đến Lê Hiển Tông.

Tháng Ba năm 1769, Trịnh Sâm truất ngôi Duy Vĩ rồi bắt giam vào ngục. Các con của Duy Vĩ, cháu của Hiển Tông là Duy Khiêm (sau này là Lê Chiêu Thống), Duy Trù và Duy Chi cũng bị bắt giam. Tháng Tám năm đó, Trịnh Sâm lập con thứ tư của vua là Lê Duy Cận làm thái tử, quyền phế lập lại do cả tay chúa Trịnh. Tháng 12 năm 1771, Trịnh Sâm giết Duy Vĩ. Lê Hiển Tông bất lực không thể làm gì để cứu con.

Năm 1782, Trịnh Sâm chết, Trịnh Khải lên thay. Tháng Giêng năm 1783, có loạn kiêu binh, quân lính giải thoát cho các con của Duy Vĩ, truất Duy Cận làm Sùng Nhượng Công và lập Duy Khiêm làm người kế vị của Hiển Tông.
Ngày vui cuối đời

Tháng Bảy năm 1786, tướng Tây Sơn là Nguyễn Huệ với chiêu bài "phù Lê diệt Trịnh" kéo quân ra Thăng Long đánh đổ Trịnh Khải và ngỏ ý tôn phù Lê Hiển Tông.

Do sự mai mối của Nguyễn Hữu Chỉnh - cựu thần của Bắc Hà theo hàng Tây Sơn - Hiển Tông gả công chúa Lê Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.

Lễ cưới diễn ra được ít ngày, Hiển Tông ốm nặng. Ngày 17 tháng Bảy năm đó, vua mất tại điện Vạn Thọ, ở ngôi 47 năm, hưởng thọ 70 tuổi. Hiển Tông sống qua 4 đời chúa Trịnh. Ông được táng tại lăng Bàn Thạch.

Trước khi mất, Hiển Tông dặn lại cháu kế vị là Duy Khiêm (tức Lê Chiêu Thống) phải lựa ý Nguyễn Huệ mà định việc kế lập. Cương mục chép:

    “Khi bệnh nguy kịch, cho triệu Hoàng thái tôn (Duy Khiêm) đến bảo rằng: "Ta chỉ sớm tối sẽ trút bỏ gánh nặng, bây giờ lo lắng việc nước là ở mình cháu, cháu phải nghĩ lấy". Thái tôn vừa lạy vừa khóc xin nhận mệnh lệnh. Nhà vua nói: "Binh lính xứ khác còn đóng ở đây, về việc truyền nối ngôi vua là việc trọng đại, cần phải thượng lượng bàn bạc với nguyên soái[3], chớ nên làm tắt".

Đánh giá

Các nhà sử học đời sau đánh giá Lê Hiển Tông là một vị vua nhu nhược, nhưng may mắn. Hiển Tông là vị vua Lê điển hình thời trung hưng, nhẫn nhục chịu đựng, "khoanh tay rủ áo" để được yên vị. Tấm gương bị phế truất và bị sát hại của các vua trước khiến Hiển Tông thu mình, không còn ý định phản kháng.

Khi Đoan nam vương Trịnh Khải mới lên làm chúa, quân kiêu binh có lần đã nghĩ đến cái mưu tôn phù nhà Lê lấy lại quyền bính và lén đến xin ý kiến nhà vua. Những người xung quanh cũng đã khuyên nhà vua nên nghe theo mưu ấy. Nhưng nhà vua nói:

    Ta vì thành thật nghe theo trời nên mới được như thế này. Những chuyện do ở mưu người xếp đặt, ta quyết không làm. Nếu kẻ nào còn dám nói đến chuyện đó, trẫm sẽ lôi sang cho chúa, để theo phép mà làm tội.

Sự nhàn rỗi lâu năm khiến nhà vua tuổi cao, sức yếu không còn động lực trở lại với chính sự. Bản thân Hiển Tông cũng coi ngai vàng là một gánh nặng. Theo Hoàng Lê nhất thống chí, khi Nguyễn Huệ diệt Trịnh, Hiển Tông nói với các cung nữ:

    Trời sai nhà chúa phò ta. Chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui. Mất chúa, tức là cái lo lại về ta, ta còn vui gì?

Cương mục chép:

    “Nhà vua là người nhân từ, trầm tĩnh. Lúc về già, gặp Trịnh Sâm áp bức, cũng chỉ ngậm miệng mà nhịn. Đến nay Tây Sơn tôn phò, nhà vua ngoài mặt tuy mừng mà trong bụng vẫn lấy làm lo."

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành