Số người đang online : 31 Hồ Xuân Hương (cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19) - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Hồ Xuân Hương (cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19)
post image
Hồ Xuân Hương (cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19)

Trong nền văn học Việt Nam,nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương là một hiện tượng đặc biệt, không chỉ trong nội dung và nghệ thuật sáng tác mà ngay cả các văn bản sáng tác của nữ sĩ họ Hồ vẫn còn là những vấn đề đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu.

Theo những tư liệu đáng tin cậy gần đây nhất thì nữ sĩ Hồ Xuân Hương là con ông Hồ Sĩ Danh (1706-1783), em cùng cha với Hồ Sĩ Đống, nguyên quán ở Làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Hồ Sĩ Danh đậu Hương cống (cử nhân) năm 1732.Tuy không ra làm quan, nhưng có con làm quan lớn nên ông được phong chức Hàn lâm thừa chỉ và hàm Thái bảo. Ông lấy người thiếp họ Hà, người xứ Kinh Bắc sinh ra Hồ Xuân Hương.

Ông Hồ Sĩ Danh mất khi Hồ Xuân Hương còn quá nhỏ, hai năm sau Hồ Sĩ Đống cũng qua đời. Không nơi nương tựa, bà mẹ đưa Hồ Xuân Hương về Thăng Long, ngụ ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận (gần Hồ Tây) - Hà Nội bây giờ.

Căn cứ vào ngày sinh, ngày mất của ông Hồ Sĩ Danh, ông Trần Thanh Mại đoán là Hồ Xuân Hương ra đời khoảng từ năm 1775-1780. Thời gian sống ở kinh thành bà được mẹ cho ăn học đàng hoàng nhưng không nhiều lắm. Sau đó gia đình bà dời về thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương - nay là phố Lý Quốc Sư - Hà Nội.

Khi trưởng thành, Hồ Xuân Hương có ngôi nhà riêng ở gần Hồ Tây, lấy tên là "Cổ Nguyệt Đường" (chữ cổ ghép với chữ nguyệt thành chữ hồ). Cổ nguyệt có lẽ là phòng văn, nơi dạy học hoặc tiếp bạn bè của bà. Các nhà nghiên cứu văn học từ trước đến nay vẫn xếp Hồ Xuân Hương vào giai đoạn văn học nửa cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Bà là một trong những tác giả tiêu biểu của văn học thời Tây Sơn.

Hồ Xuân Hương là một chân dung thơ độc đáo vào bậc nhất trong thi ca Việt Nam. Nhà thơ Xuân Diệu tôn bà lên ngôi vị "Bà chúa thơ Nôm" bởi nhiều nhà phê bình văn học cho rằng, dưới ngòi bút của bà, tiếng Việt được thăng hoa một lần nữa và có sức sống bền bỉ hơn.

Góp nhặt tất cả những sáng tác của bà chỉ có khoảng hơn 60 bài. Số lượng tuy không nhiều nhưng nghệ thuật rất điêu luyện, chứng tỏ bà là một người sành sỏi và bản lĩnh trong nghề bút mực.

Hồ Xuân Hương dùng ngôn ngữ hằng ngày trong đời sống để đưa vào thơ Đường Luật. Bà không từ chối nghệ thuật ước lệ phong kiến, nhưng nhìn chung bà thích nói thẳng, nói thật, nói trực tiếp và gọi đích danh bằng tên cúng cơm các sự vật, hiện tượng chớ không nói chệch, nó tránh cho tao nhã.

Thế nhưng ai đọc thơ của Hồ Xuân Hương đều phải công nhận thơ bà rất giàu nhạc điệu với lối chơi chữ và sử dụng từ ngữ rất tài tình. Nhiều dịch giả nước ngoài khen thơ Hồ Xuân Hương không tiếc lời, nhưng than là khó mà dịch nổi cả hồn lẫn xác của một bài thơ như bài Đánh đu.

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng

Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông

Trai đu gối bạc khom khom cật

Gái uốn lưng ong ngữa ngữa lòng

Bốn mảnh quần hồng bay phất phới

Hai hàng chân ngọc duỗi song song

Chơi xuân đã biết xuân chăng tá

Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không.


Hoặc bài Hang Cắc Cớ


Trời đất sinh ra đá một chòm

Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom

Kẻ hầm rêu mốc trơ toen toẻn

Luồng gió thông reo vỗ phập phòm

Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm

Con đường vô ngạn tối om om

Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc

Khéo hở hênh ra lắm kẻ dòm!


Về cuộc đời riêng của Hồ Xuân Hương, có lẽ điều đau khổ nhất là chuyện tình duyên trắc trở của bà. Hồ Xuân Hương muộn chồng, đến khi lấy được chồng thì cũng chẳng ra gì. Lần đầu bà làm lẽ cho Tổng Cóc, một tên cường hào dốt nát, hẳn với nhà thơ đó là chuyện đáng buồn. Theo một số tư liệu thì bà vâng lời mẹ lập gia đình, nhưng để thử tài người mà mình sẽ nhận làm chồng, bà ra câu đối dán trước cửa nhà và thách đối.

"Tối ba mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới".

Trong làng có một người đối được là Tổng Cóc:

"Sáng mồng một, mở then tạo hóa để cho thiếu nữ rước xuân vào".

Bà khen là đối chỉnh và chịu làm vợ Tổng Cóc. Sống với nhau một thời gian, Tổng Cóc mất, bà làm bài thơ khóc chồng, nhưng có lẽ là khóc cho số phận hẩm hiu của mình.

Hỡi chàng ôi! Hỡi chàng ôi!

Thiếp bén duyên chàng có thế thôi

Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé

Ngàn vàng khôn chuộc dẫu bôi vôi...


Sau bà lại làm lẽ cho ông Phủ Vĩnh Tường, nhưng cuộc tình cũng chẳng có gì vui. Rồi ông Phủ Vĩnh Tường cũng qua đời, bà lại làm bài thơ.

"Khóc ông Phủ Vĩnh Tường"

Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi!

Cái nợ ba sinh đã trả rồi

Chôn chặt văn chương ba thước đất

Tung hê hồ thỉ bốn phương trời

Cán cân tạo hóa rơi đâu mất

Miệng túi càn khôn khép lại rồi

Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc

Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!


Và tủi cho thân phận làm lẽ, Hồ Xuân Hương đã cay đắng thốt lên:

"Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung...".

Trước đây người ta chỉ biết một Hồ Xuân Hương là tác giả của những bài thơ chữ Nôm được truyền tụng trong dân gian như: Bánh trôi nước, Quả mít, Dệt cửi, Dỗ người đàn bà khóc chồng chết, Đèo Ba Dội, Đá ông chồng bà chồng, Động Hương Tích, Chùa Quán Sứ, Sư Hổ Mang...

Năm 1964, nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại lần đầu tiên công bố bà còn là tác giả của tập "Lưu Hương Ký" gồm 26 bài thơ chữ Nôm và 24 bài thơ chữ Hán. Như vậy, dù chưa biết đích xác về Hồ Xuân Hương bằng xương, bằng thịt, nhưng với những bài thơ do bà để lại - Hồ Xuân Hương vẫn đứng sừng sững trên thi đàn Việt Nam. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã nói về bà:

Hồ Xuân Hương .

Nhưng người đó là ai?

Thật mỉa mai.

Không ai biết rõ

Như có như không, như không như có

Nàng ở làng Quỳnh

Nàng lại ở phường Khán Xuân

Mờ mờ tỏ tỏ

Khi thì nói cô là con Hồ Phi Diễn

Khi thì bảo cô là em Hồ Sĩ Đống

Khi thì nói nàng viết chữ Nôm

Khi thì nói nàng giỏi giang chữ Hán.



Và Nhà thơ Hoàng Trung Thông cũng bày tỏ quan điểm khi có người cho thơ Hồ Xuân Hương tục:

"Ai thẹn thì cúi đầu. Ai thích thì nghỉ lâu"

Hiện nay ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nhà bia tưởng niệm nữ sĩ được xây dựng năm 1998 theo nguyện vọng của gia tộc họ Hồ. Bia được xây dựng từ Quỹ phát triển văn hóa Việt Nam - Thụy Điển. Trên bia có khắc bốn thứ tiếng Việt - Anh - Pháp - Trung đề cập đến sự nghiệp của bà. Nhà bia cách Quốc lộ 1A khoảng 2 km, có vị trí đẹp đầu làng./.

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành